Lấy phiếu tín nhiệm cả hai lần “đội sổ” thì tính sao?

(Dân trí) - Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư TPHCM Thái Văn Rê có 33 phiếu tín nhiệm cao và 42 phiếu tín nhiệm thấp. Đó là kết quả lấy phiếu tín nhiệm 18 chức danh tại kỳ họp thứ 16 HĐND TP.HCM khóa VIII vừa qua.

(Minh họa: Ngọc Diệp)
(Minh họa: Ngọc Diệp)

Ông Thái Văn Rê có số phiếu tín nhiệm cao thấp nhất và số phiếu tín nhiệm thấp cao nhất. Đây là lần thứ 2 ông Rê có số phiếu tín nhiệm thấp nhiều nhất.

Đánh giá về kết quả lấy phiều tín nhiệm, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm – Chủ tịch HĐND TPHCM cho rằng: “Chúng ta đừng thổi quá vấn đề “thấp nhất”, vì tỉ lệ vẫn chỉ hơn 14% thôi, còn tỉ lệ tín nhiệm cao vẫn trên 80%. Trên 80% đại biểu HĐND “tín nhiệm” và “tín nhiệm cao” là con số cao chứ. Mình nên hiểu và đánh giá theo góc độ như vậy”.

Nếu căn cứ theo con số tỉ lệ đó thì bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nói đúng. Và cũng căn cứ theo cách tính này, thì khó có ai không tín nhiệm, chỉ cao thấp khác nhau mà thôi.

Nhưng thực tế, điều mà cử tri rất quan tâm là số phiếu tín nhiệm thấp. Những người có phiếu tín nhiệm thấp nhiều, gọi là “đội sổ” thì có thể coi như không được tín nhiệm. Mà người không được tín nhiệm hai lần liên tiếp thì cần xem xét ngay, bởi vì nếu không thì chẳng lấy phiếu tín nhiệm để làm gì.

Việc lấy phiếu tín nhiệm chỉ có ý nghĩa khi kết quả đó có tác động thực sự đến chất lượng của nền hành chính. Muốn nâng cao chất lượng thì phải có sự thay đổi, chuyển biến, trong đó, vai trò của người lãnh đạo, đứng đầu các ngành, đơn vị có tính quyết định. Người nào làm không tốt vị trí đương giữ thì cần phải xem xét chuyển vị trí khác, để cho người có khả năng hơn hoặc phù hợp hơn thay thế.

Không nên “thổi” quá to về chuyện phiếu tín nhiệm thấp, nhưng nếu như người có hai lần liên tiếp bị đánh giá thấp thì đương nhiên phải xem lại năng lực quản lý điều hành.

TP. HCM là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, việc thu hút các nhà đầu tư đến với địa phương luôn là mục tiêu quan trọng. Các đại biểu bỏ lá phiếu dựa trên kết quả mời gọi đầu tư, dựa trên các chính sách năng động, cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư.

Phiếu tín nhiệm thấp chứng tỏ kết quả về đầu tư chưa cao như mong muốn. Ông giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư đương nhiên phải chịu trách nhiệm về kết quả này.

Kết quả tín nhiệm của Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư TPHCM rất “phù hợp” với thực trạng của tình hình đầu tư trên địa bàn.

Chính bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng nhận định, một trong những việc cần làm là tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư, điều còn gây bức xúc nhiều cho doanh nghiệp.

Chưa có quy chế cụ thể về người có phiếu tín nhiệm thấp hai lần liên tiếp thì bị cách chức hay từ chức, cho nên ai cũng đương chức cho dù kết quả thế nào. Nếu như cho rằng, lấy phiếu tín nhiệm để “nhắc nhở” các vị lãnh đạo cố gắng hơn trong công việc thì e rằng dần dần lá phiếu tín nhiệm cũng trở thành hình thức.

Lê Chân Nhân

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!