"Khó xử" giữa Phát triển, Bình đẳng và Gia đình

(Dân trí) - Cùng với Phát triển Kinh tế, Phụ nữ Bình đẳng, thì Gia đình Việt Nam rốt cuộc sẽ thay đổi theo. Vậy cái nào là quan trọng nhất?

"Khó xử" giữa Phát triển, Bình đẳng và Gia đình - 1
 
(Minh họa: Ngọc Diệp)

Tôi vẫn luôn nghĩ phụ nữ Việt Nam rất mạnh mẽ. Ở Mỹ, bạn hiếm khi thấy phụ nữ đội một thúng gạch trên đầu, hay đẩy những xe đầy rác. Ở đó, những việc nặng như vậy là dành cho nam giới.

Ở Việt Nam tôi nhìn thấy cảnh đó suốt. Tôi cũng đã nghe nhiều câu chuyện về những nữ anh hùng thời chiến của Việt Nam.

Thế hệ phụ nữ mới không hề mất đi sức mạnh này, tôi biết chắc vì tôi đã chứng kiến. Nhưng có vẻ trong xã hội hiện đại, điều đó thể hiện bằng những cách khác.

------------

Tôi đã dạy học ở Hà Nội, cũng như nhiều người nước ngoài khác. Và tôi cũng đã học được nhiều điều từ các học sinh của mình. Một trong những điều đó là sự khác biệt giữa vai trò của hai giới. Theo cách nào đó, nó có vẻ nghiêm ngặt hơn so với những gì tôi đã quen.

Ví dụ, hôm qua một người bạn nữ của tôi ghé thăm. Sau đó chúng tôi rời nhà tôi và quyết định tốt nhất là đi chung một xe máy. Vì xe tôi để trong nhà, chúng tôi đi xe của cô ấy. Cô lái. Tôi ngồi sau.

Khi chúng tôi ra đầu ngõ, người phụ nữ bán trà đá ở đó trêu chọc tôi vì để một cô gái chở trên xe máy.

Nhưng tôi có cảm giác, thái độ đối với những chuyện như vậy đang thay đổi nhanh chóng.

Hồi còn đi dạy học, tôi đã gặp nhiều cô gái trẻ thông minh, giỏi giang và mạnh mẽ. Tôi dám chắc nhiều người trong số họ sẽ rất thành công. Tôi không nghi ngờ là một trong số họ có thể một ngày nào đó sẽ trở thành Thủ tướng.

Tôi cho rằng đó là điều tuyệt vời.

Mặt khác, khi phụ nữ bắt đầu trở nên thành công về tài chính, độc lập hơn và tự chủ hơn, không thể tránh khỏi là điều đó sẽ thay đổi xã hội Việt Nam. Một số sự thay đổi sẽ không được tất cả mọi người đón nhận.

Ví dụ, có một sự thực đơn giản mang tính lịch sử là ở khắp thế giới, một khi phụ nữ tự kiếm được nhiều tiền hơn - thậm chí có thể nhiều hơn chồng của họ - tỉ lệ li hôn sẽ tăng.

Một người phụ nữ tự lập về tài chính sẽ ít có xu hướng chịu đựng một ông chồng không đối xử tử tế với mình. Nếu cô cảm thấy mình có lựa chọn rời bỏ, cô sẽ có xu hướng làm như vậy.

Tôi biết rằng Gia đình là, và đã là, nền tảng của xã hội Việt Nam. Nhưng dường như sự phát triển và tiến bộ, những điều hình như mọi người đều muốn, sẽ thay đổi Gia đình Việt Nam.

--------------

Một trong những học sinh trẻ và thông minh nhất của tôi từng nói, mặc dù cô ấy yêu gia đình mình, cô cảm thấy nó giống như nhà tù.

Tôi không nói rằng tất cả, hay hầu hết phụ nữ cảm thấy như vậy. Nhưng trong khi thực tế về kinh tế của Việt Nam thay đổi, nó chắc chắn sẽ ảnh hưởng gia đình Việt Nam.

"Phát triển Kinh tế" và "Phụ nữ Bình đẳng": Cả hai nghe đều tốt. Tôi không tin là sẽ có nhiều người tranh cãi điều đó. Nhưng, trừ khi đất nước này có gì khác với mọi đất nước khác trên thế giới, thì "Gia đình Việt Nam" rốt cuộc sẽ thay đổi cùng với hai yếu tố kia.

Trong BA yếu tố đó, cái nào là quan trọng nhất, theo các bạn?

Brian
A.H dịch
 
 * Bài viết là quan điểm cá nhân của tác giả. Xin mời độc giả đọc bản gốc bằng tiếng Anh của  Brian tại đây