Kết quả nào cho Lê Văn Luyện?

(Dân trí) - Đâu là giới hạn của sự tàn ác? Làm thế nào để ngăn chặn sự tàn bạo này? Sau khi ra tù, Luyện có sám hối không? Có ân hận hay không? Có quay lại hướng thiện hay không? Sau vụ án, nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ…

 

Kết quả nào cho Lê Văn Luyện? - 1

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Vào thời điểm này, vụ án xét xử Lê Văn Luyện, kẻ giết người máu lạnh sát hại cả gia đình chủ tiệm vàng Ngọc Bích đang diễn ra tại TAND tỉnh Bắc Giang. Gần 4 tháng qua, vụ án vẫn còn và chắc chắn sẽ vẫn còn gây nhức nhối dư luận lâu dài bởi sự tàn bạo đến thú tính của kẻ sát nhân. Nhưng không chỉ 4 tháng qua mà đã từ lâu, dư luận luôn giật mình trước những tội ác vượt qua cả sự mường tượng của bất cứ ai. Vụ Nguyễn Đức Nghĩa giết người yêu, cắt thi thể làm nhiều mảnh, cho đầu vào túi xách đi hàng trăm cây số tiêu hủy tưởng như là tột cùng của sự man rợ thì vụ Lê Văn Luyện sát hại cả gia đình, trong đó có cả cháu bé chưa đầy 2 tuổi như một chương tiếp nối tột cùng man rợ.

Điều mà cả xã hội hết sức lo ngại vì sao gần đây lại xảy ra nhiều đến thế các vụ án mạng kinh hoàng? Đâu là giới hạn của sự tàn ác? Làm thế nào để ngăn chặn sự tàn bạo này?

Về vụ án Lê Văn Luyện, điều đáng lo ngại hơn rất nhiều sự tàn bạo (dù sự tàn bạo đã lên đến đỉnh điểm) là thái độ của một số người trẻ tuổi trước hành vi này bằng bản “nhạc chế” được lưu hành trên nhiều trang mạng với lời cám ơn Lê Văn Luyện đã… có công giúp đỡ họ!!!?.

Giờ đây, Lê Văn Luyện đang đứng trước vành móng ngựa. Tội ác của hắn chắc chắn sẽ được trừng trị đúng theo qui định của pháp luật. Nhưng trước ngày ra tòa, được biết Lê Văn Luyện không hề tỏ ra hối hận về những hành vi nam rợ của mình. Thậm chí, khi biết mình chỉ phải chịu mức án cao nhất (theo qui định của luật pháp hiện hành) chỉ là 18 năm, Luyện đã tỏ ra… vui vẻ.  Khi được hỏi khi ra tù có sợ đối mặt với dư luận xã hội và có dự định chuyển đi nơi khác sinh sống không? Luyện nói: "Cháu sẽ sống cuộc sống bình thường và không thấy có lý do gì để phải rời khỏi quê hương. ". Sự trơ lì, ráo hoảnh đến lạnh tanh.

Đành rằng nguyên tắc nhân đạo của ta không chỉ thể hiện chính sách nhân đạo, khoan hồng mà còn đặt mục đích giáo dục, cải tạo phạm tội nhưng với những kẻ như Lê Văn Luyện, câu hỏi đặt ra là liệu sau khi ra tù, Luyện có sám hối hay không? Có ân hận hay không? Có quay lại hướng thiện hay không? Câu trả lời có lẽ là KHÔNG.

Kết quả nào cho Lê Văn Luyện có lẽ vẫn còn đeo đẳng ít nhất là 18 năm nữa.

Bùi