Đừng để cán bộ y tế phải "dọa" bỏ nghề
(Dân trí) - Mà thực ra tôi nghĩ đó không phải là "dọa", nếu như những quyền lợi chính đáng của đội ngũ y tế cơ sở không được đảm bảo một cách xứng đáng với cống hiến của họ trong phòng, chống dịch Covid-19.
Chống dịch đến kiệt sức và bệnh thoái hóa cột sống thêm nặng mà không biết có chính sách hỗ trợ cho cán bộ y tế cơ sở - Đó là tâm sự của một nhân viên Trạm Y tế phường Đa Kao, Quận 1 (TPHCM) khiến không khỏi xót xa. Qua thông tin báo chí, anh mới biết đến chính sách này và rất buồn bởi đã hơn 5 tháng gồng mình chống dịch, anh và nhiều đồng nghiệp vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ.
Có lẽ, nếu không biết (hoặc không có) khoản hỗ trợ này thì với trách nhiệm và lương tâm của người thầy thuốc, họ - những cán bộ y tế tuyến phường/xã vẫn sẵn sàng đi đầu trong công tác phòng, chống dịch ở địa phương. Bởi vậy, khi biết mình thuộc diện được hỗ trợ nhưng chưa được nhận, chắc hẳn sẽ không tránh khỏi sự buồn lòng, hụt hẫng.
Gần 2 năm dịch Covid-19 xuất hiện là cũng từng ấy thời gian, lực lượng y tế nói chung và đội ngũ cán bộ y tế cơ sở nói riêng phải luôn trong tình trạng "trực chiến". Không thể phủ nhận với sự tham gia tích cực và hiệu quả, họ đã góp phần quan trọng trong việc truy vết, khoanh vùng, khống chế và dập dịch ở địa phương. Chưa kể, đây cũng là lực lượng phải gánh vác cùng lúc nhiều nhiệm vụ, từ chống dịch đến tiêm vaccine phòng Covid-19 đúng tiến độ.
Hiện tỉ lệ nhân viên y tế tuyến xã/vạn dân tại TPHCM chỉ đạt 2.31, thấp hơn rất nhiều so với cả nước và Hà Nội (tỉ lệ tương đương là 7.42 và 6.06). Công việc nặng nề và áp lực, nhiều người đã xin nghỉ việc, khiến lực lượng y tế tuyến phường xã tại TPHCM vốn đã mỏng, nay lại đối mặt với nguy cơ thiếu trầm trọng. Điều này không chỉ gây áp lực lên những cán bộ y tế còn lại mà còn gây nên khó khăn trong việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, cũng như nhiệm vụ phòng, chống dịch khi Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.
5 tháng lăn lộn, đối mặt với nhiều nguy hiểm và nguy cơ lây nhiễm nhưng ngoài chế độ hỗ trợ của TPHCM, nhiều cán bộ y tế cơ sở chưa được nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 16 của Chính phủ. Điều này rõ ràng là sự bất công đối với những cố gắng, nỗ lực và cống hiến của họ. Bởi vậy, không có gì là khó hiểu khi nhiều cán bộ y tế và cả cán bộ quản lý cơ sở y tế tuyến xã, phường đã ký sẵn đơn xin nghỉ việc... chờ gửi đi.
Những lá đơn xin nghỉ việc đã ký nhưng chưa gửi, có thể là họ không nỡ xa công việc đã gắn bó gần cả đời người. Và quan trọng hơn, họ chờ đợi các cơ quan chức năng sớm giải quyết chế độ chính sách để đảm bảo quyền lợi chính đáng của mình.
Theo Nghị quyết 16, người tham gia công tác phòng chống dịch sẽ được hỗ trợ 200.000-300.000 đồng/ngày tùy nhiệm vụ thực tế. Với những cán bộ y tế tuyến cơ sở, số tiền này không hề nhỏ so với khoản tiền lương hàng tháng của họ. Trong khi đó, để thực hiện nhiệm vụ chống dịch, họ đã phải hy sinh rất nhiều, từ sức khỏe đến tình cảm, tinh thần...
Nghị quyết 16 đã được ban hành từ tháng 2/2021. Thời gian cán bộ y tế bám cơ sở tham gia chống dịch tại TPHCM cũng đã hơn 5 tháng trôi qua mà có nơi vẫn "chưa nghe đến chính sách hỗ trợ" của Chính phủ, quả thật là điều rất khó hiểu.
Theo văn bản của Sở Y tế TPHCM gửi các sở ngành liên quan, việc tuyển dụng nhân viên y tế cho trạm y tế hiện nay rất khó khăn, do đó, cần có chính sách giữ chân nhân viên y tế để họ an tâm công tác. Trong đó, sở này còn đề xuất một mức hỗ trợ ngoài tiền lương đối với bác sĩ và nhân viên y tế tuyến xã/phường theo trình độ chuyên môn.
Đó là bước đi đường dài của ngành Y tế, còn trước mắt, để những lá đơn xin thôi việc không phải gửi đi, TPHCM cần đốc thúc các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ theo Nghị quyết 16 bởi đó là điều mà họ xứng đáng được nhận và đáng ra đã được nhận!.