Y bác sĩ TPHCM chống dịch đến... "thoái hóa cột sống" chưa thấy tiền hỗ trợ
(Dân trí) - Sức khỏe giảm sút nghiêm trọng, lương bèo bọt, chưa biết khi nào có tiền hỗ trợ chống dịch của Chính phủ… là những lý do khiến nhiều nhân viên y tế phường ở quận 1, TPHCM chuẩn bị xin nghỉ việc.
Sau khi đăng tải bài viết ghi nhận bức xúc của nhiều nhân viên y tế phường tại TP Thủ Đức khi chống dịch ròng rã hơn 5 tháng trời nhưng tiền hỗ trợ của Chính phủ vẫn chỉ "nằm trên giấy", Dân trí tiếp tục nhận được hàng loạt phản ánh cay đắng của y bác sĩ công tác tại các trạm y tế ở quận 1, về cảnh khổ phải chịu trong suốt thời gian qua.
Chống dịch đến… thoái hóa cột sống
"Không biết luôn thì làm sao mà nhận… Giờ đọc báo, tôi mới hay có tiền hỗ trợ chống dịch của Chính phủ" - anh T.T., nhân viên trạm y tế phường Đa Kao, quận 1 (TPHCM) mở đầu câu chuyện khi chia sẻ về tình cảnh của mình và các đồng nghiệp ở trạm.
Nam nhân viên y tế phường cho biết, đến nay là 9 năm anh làm việc ở trạm y tế phường Đa Kao, cứ 3 năm lên một bậc lương (200.000 đồng). Đến nay, thu nhập thực nhận của anh là 5.8 triệu đồng/tháng.
Theo anh T. từ khi dịch bùng phát, anh cùng các đồng nghiệp tuyến cơ sở phải trực tiếp tham gia mọi hoạt động chống dịch, trong đó có dọn dẹp, bê vác ở khu cách ly thời gian dài. Tháng 8/2020 khi thấy lưng liên tục đau nhức, anh đi khám thì bất ngờ phát hiện bị thoái hóa cột sống.
Đến tháng 5/2021 khi TPHCM tái bùng phát dịch, anh T. cùng đồng đội lại "vào sinh ra tử" tại mọi điểm nóng Covid-19 của địa phương, từ truy vết F0, xét nghiệm, đón F0 vào theo dõi, điều trị đến trực đường dây nóng 24/24, trực trạm y tế lưu động. Hai tháng sau, bệnh thoái hóa cột sống của anh được bác sĩ chẩn đoán trở nặng.
"Từ 7h30 sáng, chúng tôi làm đến 22-23h đêm, một ngày đi làm như cực hình" - anh T. tâm sự.
Tuy nhiên khi xét duyệt chế độ hỗ trợ chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết 12/2021/NQ-HĐND của HĐND TPHCM, cả trạm 7 người của anh chỉ có 2 người được xét duyệt mức cao nhất của lực lượng y tế tuyến đầu (10 triệu đồng/người). 5 người còn lại đều nhận mức 4.5 triệu đồng.
"Anh em đi chống dịch chung, làm sao hưởng một mình. Sau đó chúng tôi đã chia đều ra, nhận hơn 5 triệu đồng/người" - anh T. nói.
Riêng về khoản hỗ trợ theo Nghị quyết 16 của Chính phủ, anh T. khẳng định đến nay không nghe ai nhắc đến.
"Trạm y tế phường như "trăm dâu đổ đầu tằm", như "nồi lẩu thập cẩm", làm sai là sẽ bị chửi. Ai cũng mệt mỏi, tôi chống dịch đến thoái hóa đốt sống lưng.
Tới giữa tháng 9, việc mới tạm ổn vì có lực lượng Hà Nội vào chi viện, nhưng ngày nào cũng 19-20 giờ đêm mới về nhà. Đó là sự thật, tôi không nói dối" - anh T. nói và cho biết rất buồn khi không nhận được sự quan tâm xứng đáng từ lãnh đạo địa phương.
Nam nhân viên y tế phường cay đắng khẳng định, nếu không có gì thay đổi, anh sẽ nộp đơn nghỉ việc đã soạn sẵn lên Trưởng trạm và Ban Giám đốc Trung tâm Y tế quận 1.
Tiền hỗ trợ đã duyệt, chờ chi
Chị Dương Thị Oanh (45 tuổi), nhân viên Trạm Y tế phường Cầu Kho (quận 1) cho biết, sau 12 năm công tác tại đây lương của chị đã được 6.4 triệu đồng/tháng. Mỗi ngày chị phải di chuyển từ sáng sớm ở quận 6 đến trung tâm TPHCM để làm việc.
Bình thường hôm nào không có lịch trực thì khoảng 18 giờ về nhà, còn không phải ở lại gác trạm. Tuy nhiên trong mùa dịch Covid-19, nhiều tháng trời người phụ nữ không thể về với chồng con, vì là lực lượng tiếp xúc F0 trực tiếp như cơm bữa.
Cũng giống như Trạm Y tế phường Đa Kao, trạm của chị Oanh chỉ có 2 suất được hỗ trợ 10 triệu đồng theo diện tuyến đầu thực hiện công việc trực tiếp. Còn lại chỉ nhận 4.5 triệu đồng tiền hỗ trợ từ Nghị quyết 12 của HĐND TPHCM, dù tất cả mọi người đều cùng thực hiện nhiệm vụ như nhau.
"Trong mùa dịch có 2 nhân viên y tế làm được 1-2 tháng là nghỉ, khi đỉnh điểm chỉ còn 3 người, phải gồng gánh làm mọi thứ. Đến tháng 7 thì được bổ sung 2 người, nhưng công việc cực quá lại nghỉ thêm một người nữa. Hiện giờ còn 4 người" - chị Oanh nói.
Riêng về tiền hỗ trợ lực lượng chống dịch theo Nghị quyết 16, chị Oanh cho biết vẫn chưa nghe thông báo giải ngân. Công việc nhiều mà thu nhập không có, lại đang nuôi hai con đang tuổi ăn học, chị Oanh đang có ý định xin nghỉ việc.
Trả lời phóng viên Dân trí ngày 17/11, bà Mai Thị Hồng Hoa, Phó Chủ tịch UBND quận 1 (TPHCM) khẳng định, lãnh đạo địa phương đã ký duyệt các tờ trình giải quyết chế độ chống dịch theo Nghị quyết 16 của Chính phủ cho lực lượng nhân viên trạm y tế phường, khi phòng y tế quận chuyển lên.
"Nếu các trạm chưa nhận được giải ngân, có thể do còn vướng mắc thủ tục nào đó. Để chúng tôi kiểm tra lại" - bà Hoa cho biết.
Tiếp tục liên hệ với lãnh đạo Trung tâm Y tế quận 1, phóng viên được cho biết, việc chi hỗ trợ cho lực lượng y tế tuyến cơ sở của địa phương đang được triển khai.
Theo văn bản của Sở Y tế TPHCM ngày 12/11 gửi đến các Sở Tài chính, Sở Nội vụ, Sở Tư pháp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về việc đóng góp dự thảo các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm củng cố, nâng cao năng lực y tế tuyến cơ sở, hiện nay tỉ lệ nhân viên y tế tuyến xã trên vạn dân tại TPHCM chỉ đạt 2.31, thấp hơn rất nhiều so với cả nước và Hà Nội (tương đương 7.42 và 6.06).
Ngoài công tác phòng chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu, trạm y tế còn phải triển khai thực hiện, thống kê, báo cáo rất nhiều chương trình sức khỏe. Để đảm bảo thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, trạm y tế cần có thêm chức danh khác thay vì 5 chức danh là bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, dược sĩ.
Sở Y tế TPHCM nhận định, việc tuyển dụng nhân viên y tế cho trạm y tế hiện nay rất khó khăn, do đó cần có chính sách giữ chân nhân viên y tế an tâm công tác tại trạm y tế.
Theo mức hỗ trợ do Sở đề xuất, đối với bác sĩ hỗ trợ thu nhập hàng tháng bằng 4 lần mức lương cơ sở theo quy định của Chính phủ. Với nhân viên y tế khác có trình độ đại học và y sĩ, hỗ trợ 3 lần mức lương cơ sở. Nhân viên y tế có trình độ cao đẳng hoặc trung cấp sẽ được hỗ trợ thu nhập hàng tháng bằng 2 lần mức lương cơ sở.
Dự toán tổng kinh phí hỗ trợ thu nhập theo số lượng nhân viên y tế hiện tại là hơn 8.5 tỷ đồng/tháng.