5 tháng chống dịch, nhân viên y tế ở TPHCM mòn mỏi chờ tiền hỗ trợ
(Dân trí) - "Đã chấm công gửi về ủy ban phường nhưng họ cứ hẹn tới hẹn lui, đá qua đá về. Chống dịch đã vất vả nhưng đi xin tiền quyết toán chế độ còn nhiêu khê hơn" - trưởng trạm y tế phường ở TPHCM bức xúc.
Mới đây, Dân trí nhận hàng loạt phản ánh từ các trạm y tế tuyến cơ sở ở TPHCM về việc đã nhiều tháng trôi qua, họ vẫn chưa có tiền hỗ trợ chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết 16 của Chính phủ.
Hơn 5 tháng chống dịch, không thấy tiền hỗ trợ
Điển hình là tình cảnh của Trạm Y tế phường Tam Bình, TP Thủ Đức. Bà Nguyễn Thị Hưng, Trưởng trạm vì quá bức xúc đã thay mặt các nhân viên phản ánh trực tiếp vào nhóm chỉ đạo chống dịch của Ban Giám đốc Trung tâm Y tế TP Thủ Đức.
Theo nội dung phản ánh, bà Hưng cho biết trong cuộc chiến phòng chống dịch gian lao vất vả, y tế phường lăn lộn cùng F0 đến nay đã hơn 5 tháng. Họ làm việc trong điều kiện thiếu thốn về nhân lực, trang thiết bị vật tư máy móc nhưng không ai nề hà, vẫn cố gắng để hoàn thành sứ mệnh.
Tuy nhiên đến nay các chế độ chi trả cho tuyến trạm, như phụ cấp phòng chống dịch theo Nghị quyết 16 của Chính phủ vẫn chưa thấy gì.
"Mặc dù trạm y tế đã chấm công gửi về ủy ban phường, nhưng họ cứ hẹn tới hẹn lui, đá qua đá về. Chống dịch đã vất vả rồi, đi xin tiền quyết toán chế độ còn vất vả nhiêu khê hơn. Lương tháng 7-8 triệu chưa bằng công nhân, ngoài ra không có gì thêm.
Vậy động lực nào để anh chị em tuyến trạm làm tiếp đây ạ?" - bà Hưng thẳng thắn phản ánh.
Trao đổi với phóng viên, bà Hưng chia sẻ, hơn 20 năm gắn bó với y tế tuyến cơ sở nhưng hiện tại tổng thu nhập mỗi tháng của bà chỉ hơn 8 triệu đồng. Các nhân sự khác còn thấp hơn. Trong mùa dịch, tất cả nhân viên của trạm làm việc không quản ngày đêm, từ việc lấy mẫu xét nghiệm, truy vết, đưa F0 vào khu cách ly điều trị, đến trực chốt kiểm dịch.
Họ phải trực đường dây nóng 24/24, không có ngày nghỉ. Áp lực công việc cao nhưng chỉ cần chậm một chút, không kịp nghe máy là bị người bệnh chỉ trích.
Bà Hưng cho biết, theo Nghị quyết 16, với lực lượng tuyến đầu chống dịch sẽ nhận hỗ trợ 300.000 đồng/ngày. Đến hôm nay, hơn 150 ngày chống dịch nhưng khoản tiền này vẫn chỉ nằm trên giấy.
"Tôi nhiều lần đi hỏi phường, phường nói là Trung tâm y tế TP Thủ Đức quyết toán. Chờ hoài không được, hỏi Trung tâm thì lại bảo phường lo. Đến nay đã chốt là ủy ban phường sẽ thanh toán, nhưng kế toán bảo là ngân sách đang hết, phải chờ ở trên rót xuống mới chi được" - bà Hưng chán nản.
Cũng theo bà Hưng, hiện tại dù vẫn đang bám các trạm y tế lưu động, nhưng bà nghe thông tin tiền hỗ trợ chỉ được giải ngân đến tháng 9. Tháng 10 và 11 sẽ không chi, với lý do đã "hết dịch rồi". Điều này khiến các mọi người đã nản càng thêm xuống tinh thần. Trưởng Trạm Y tế phường Tam Bình cho biết, nhiều nhân viên của trạm đều có ý định nghỉ việc, riêng bà đã chuẩn bị sẵn đơn.
"Lương thì thấp nhưng làm quá áp lực, quá mệt. Tôi chỉ muốn giảm áp lực, chế độ chính sách phải thỏa đáng cho nhân viên y tế, cấp trên quan tâm động viên anh em kịp thời" - bà Hưng bày tỏ.
Lãnh đạo địa phương nhận thiếu sót
Tương tự, bác sĩ Lê Bá Kông, Trưởng Trạm y tế phường Bình Chiểu (TP Thủ Đức) cho biết, đơn vị vẫn đang mòn mỏi chờ được giải ngân tiền hỗ trợ chống dịch theo Nghị quyết 16.
Theo bác sĩ Kông, trạm của anh có tổng cộng 10 nhân viên y tế, trong đó có một số trường hợp chỉ ký hợp đồng cộng tác viên, lương tính theo ngày làm việc, nên cuộc sống rất khó khăn.
"Lương của anh em rất thấp, dao động khoảng từ 4,5-7 triệu đồng/tháng. Mùa dịch cố gắng làm cho bà con thôi, chứ về mức lương nản lắm" - bác sĩ Kông tiết lộ, hơn 50% nhân sự của trạm y tế đã có ý định xin nghỉ việc, nhưng đang ráng cầm cự.
Bác sĩ Kông cho rằng ngoài thu nhập, nhân viên tại trạm y tế cần được ưu tiên hỗ trợ về vấn đề đào tạo chuyên môn, như được tập huấn, đi học miễn phí… Riêng với tiền hỗ trợ chống dịch, bác sĩ Kông mong duyệt chi sớm cho anh em, khi mọi người đã hy sinh rất nhiều, thậm chí đem tính mạng ra cống hiến (4 nhân viên ở trạm đã nhiễm bệnh).
"Lý thuyết nhận phụ cấp 300.000 đồng/ngày nhưng nghe nói chỉ có 130.000-200.000/tháng thôi, anh em rất bức xúc vì chưa có hướng dẫn cụ thể, để biết sẽ nhận số tiền chính xác bao nhiêu" - đại diện Trạm y tế Bình Chiểu nói.
Trả lời câu hỏi của phóng viên, ông Lê Hữu Hảo, Chủ tịch UBND phường Tam Bình xác nhận có sự việc chưa chi tiền hỗ trợ chống dịch cho nhân viên trạm y tế địa phương. Phường cũng đã làm việc với trạm về vấn đề này.
Nguyên nhân theo ông Hảo, do quá trình lập dự toán kéo dài. Địa phương tiếp thu ý kiến trên, đã lập danh sách các trường hợp nằm trong diện nhận hỗ trợ, khi TP Thủ Đức bổ sung ngân sách về sẽ chi sớm.
Lãnh đạo phường thừa nhận việc chi tiền có chậm. Đây là thiếu sót trong quá trình chống dịch nhưng khẳng định tất cả chế độ chính sách hỗ trợ cho nhân viên y tế sẽ được giải ngân theo quy định.
Bác sĩ Nguyễn Văn Chức, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Y tế TP Thủ Đức lý giải, việc chậm chi tiền chống dịch là do các trạm y tế chưa làm xong thủ tục chấm công, gửi danh sách quyết toán chậm nên chưa cấp tiền được.
Theo bác sĩ Chức, với tuyến trạm y tế, tiền chống dịch sẽ được TP Thủ Đức chuyển về phường, và phường chi cho từng trạm.
"Trung tâm đã chỉ đạo cho các phường và các phòng tổ chức, phòng tài chính gấp rút làm xong thủ tục. Khi nào thủ tục làm xong thì sẽ được quyết toán" - bác sĩ Chức nói và khẳng định không có chuyện thiếu hụt ngân sách.
Về số tiền thực nhận, lãnh đạo ngành y tế Thủ Đức nói sẽ tùy vào việc chống dịch cụ thể của nhân viên y tế, có tiếp xúc trực tiếp F0 hay không mà sẽ nhận mức từ 200.000-300.000 đồng ngày.
Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 8/2/2021 của Chính phủ về chi phí cách ly y tế, khám, chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19 quy định:
1. Chế độ phụ cấp chống dịch mức 300.000 đồng/người/ngày được áp dụng đối với:
- Người đi giám sát, điều tra, xác minh dịch.
- Người trực tiếp khám, chẩn đoán, điều trị người mắc Covid-19, nghi mắc Covid-19 tại khu vực cách ly của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
- Người làm công việc lấy mẫu, gộp mẫu, phân tách mẫu, người trực tiếp làm xét nghiệm SASR-CoV-2 tại cơ sở y tế.
- Người làm công việc vệ sinh, tẩy uế, diệt tác nhân gây bệnh tại khu điều trị người mắc Covid-19.
2. Chế độ phụ cấp chống dịch mức 200.000 đồng/người/ngày được áp dụng đối với:
- Người vận chuyển người bệnh, bệnh phẩm; bảo quản tử thi người bệnh; người giặt đồ vải, quần áo bác sĩ, bệnh nhân; thu gom vỏ chai, lọ, hộp hóa chất; bảo vệ khu điều trị cách ly; vệ sinh, tẩy uế, diệt tác nhân gây bệnh trong khu cách ly tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
- Người làm nhiệm vụ giám sát dịch tễ, theo dõi y tế tại cơ sở cách ly y tế tại nhà và cơ sở cách ly y tế theo chỉ định của cơ quan quản lý nhà nước.
- Người làm công việc súc rửa dụng cụ, pha chế môi trường tại cơ sở y tế để phục vụ cho phòng xét nghiệm SARS-CoV-2.