Đón làn sóng đầu tư của Hoa Kỳ vào ASEAN
Tiếng vỗ tay vang lên trong phòng họp khi Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu về những "thăng trầm và đột phá" trong lịch sử quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Đây là phát biểu của lãnh đạo Chính phủ Việt Nam tại cuộc làm việc với cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ, do Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN (USABC) và Phòng Thương mại Hoa Kỳ (USCC) tổ chức vào sáng sớm ngày 12/5 theo giờ Mỹ.
Điều ấn tượng với chúng tôi, các cử tọa khi lắng nghe phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính là cách nói đi thẳng vào vấn đề và không phụ thuộc vào văn bản chuẩn bị sẵn. Ông đã trực tiếp trao đổi, làm rõ một số thắc mắc, quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ về các lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống dịch, cải thiện môi trường kinh doanh, an ninh mạng… Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định những gì Chính phủ Việt Nam có thể làm được thì đang làm hết sức; với những vấn đề còn cách tiếp cận khác nhau thì các bên tiếp tục trao đổi để làm tốt hơn với tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ". CEO một tập đoàn lớn của Hoa Kỳ nói với tôi rằng, ngài Thủ tướng Việt Nam đã thực sự nói ngôn ngữ của giới kinh doanh chứ không chỉ dùng câu chữ ngoại giao, qua đó đề cao sự chân thành, tin cậy và tinh thần trách nhiệm như là cơ sở của hợp tác bền vững.
Từ góc độ một người làm công việc tư vấn kinh doanh, tôi tin tưởng sâu sắc rằng Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ diễn ra tại Washington D.C trong các ngày 12 và 13/5, và chuỗi hoạt động liên quan sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác giữa các bên, đặc biệt là tăng cường kết nối và quan hệ kinh tế.
Hội nghị đã ra Tuyên bố Tầm nhìn chung, cam kết nâng cấp quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ từ Đối tác chiến lược lên Đối tác chiến lược toàn diện vào cuối năm nay. Như vậy, thời gian tới nội hàm của chữ toàn diện sẽ tiếp tục được triển khai với "ý nghĩa thực chất, hiệu quả và cùng có lợi" như Tuyên bố Tầm nhìn chung đã vạch ra.
Một trong những cơ chế hợp tác đang được giới quan sát chờ đợi là việc xây dựng khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF). Khuôn khổ này được phía Hoa Kỳ chủ trương như một nền tảng mới cho các vấn đề kinh tế, bao gồm các lĩnh vực: Thương mại công bằng và bền vững (trong đó nhấn mạnh kinh tế số); khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng; hạ tầng, năng lượng sạch và khử carbon; thuế và chống tham nhũng.
Chúng ta biết rằng Hoa Kỳ từng dẫn đầu đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP (nay là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP), mà Việt Nam là một trong những nước tham gia. Sau đó vì vấn đề chính trị nội bộ nên Hoa Kỳ đã rút ra khỏi CPTPP. Đến thời điểm hiện nay, có thể thấy rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ không khởi động tái gia nhập CPTPP, tuy nhiên các cơ quan tham mưu đã thiết kế IPEF theo hướng hành pháp, đặt dưới quyền của Tổng thống. Mức độ ràng buộc của IPEF là thấp hơn một hiệp định thương mại tự do kiểu mới như CPTPP, song thời gian đàm phán có thể được rút gọn và lợi ích của các bên tham gia vẫn rất lớn, đặc biệt với quy mô của nền kinh tế Mỹ.
Tại Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ, lãnh đạo Hoa Kỳ đã công bố nhiều đề xuất, sáng kiến hợp tác với ASEAN. Trong đó, Hoa Kỳ sẽ đầu tư 40 triệu USD tài trợ phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng sạch; dành 60 triệu USD tăng cường hợp tác biển; 150 triệu USD để triển khai sáng kiến Tương lai Y tế ASEAN-Hoa Kỳ, hỗ trợ ASEAN nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển cơ sở hạ tầng và 70 triệu USD cho các chương trình giáo dục, giao lưu nhân dân…
Với cách tiếp cận quen thuộc của phía Hoa Kỳ, đây là những khoản đầu tư mang tính chất cơ bản, "vốn mồi", và đằng sau là cơ chế khuyến khích của Chính phủ để dẫn dắt sự tham gia của khu vực tư nhân. Theo đó, chắc chắn rằng vốn đầu tư từ Hoa Kỳ vào ASEAN sẽ gia tăng mạnh mẽ trong thời gian tới.
Hiện nay về thương mại, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu nhiều nhất từ ASEAN vào Hoa Kỳ, với kim ngạch thương mại hai chiều hàng năm hơn 100 tỷ USD (gần 100 tỷ USD là từ Việt Nam); tốc độ tăng trưởng thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ cũng tăng nhanh nhất trong các nước ASEAN. Tuy nhiên, nếu tính trong khối ASEAN thì đầu tư trực tiếp (FDI) của Hoa Kỳ vào Việt Nam còn khiêm tốn. Trong khoảng 328 tỷ FDI của Hoa Kỳ vào ASEAN (tính đến 2020), Việt Nam chỉ chiếm hơn 10 tỷ USD.
Nhìn ở góc độ này, vốn FDI của Hoa Kỳ vào một số nước ở ASEAN có thể đã bão hòa, song thị trường Việt Nam còn nhiều dư địa. Quan hệ song phương Việt Nam - Hoa Kỳ hiện rất thuận lợi cho việc thu hút đầu tư, tất nhiên để biến tiềm năng thành hiện thực, để đưa Việt Nam trở thành cửa ngõ đầu tư của Hoa Kỳ vào ASEAN thì chúng ta còn rất nhiều việc phải làm.
Các lĩnh vực doanh nghiệp Hoa Kỳ có thế mạnh và đang muốn mở rộng đầu tư, hợp tác là chuyển đổi số; tổ chức lại và đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng; hoạt động sản xuất trong lĩnh vực điện tử, hàng tiêu dùng… Họ đang nhìn thấy ở ASEAN tiềm năng rất lớn, một khu vực kinh tế phát triển năng động nhất trên thế giới với thị trường trên 600 triệu dân. Nhiều nước trong ASEAN đang rất sẵn sàng, chẳng hạn như Tổng thống Indonesia đã cam kết ban hành chính sách thông thoáng để thu hút các Big Tech; Malaysia cũng thu hút rất là mạnh các công ty như Microsoft, Amazon… Điều này nghĩa là nếu Việt Nam muốn trở thành cửa ngõ của làn sóng đầu tư mới từ Hoa Kỳ thì phải nhanh chóng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải thiện năng lực hạ tầng hơn nữa.
Trong cuộc làm việc với cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ kể trên, lãnh đạo Chính phủ Việt Nam đã so sánh vui quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ với các món ăn Việt Nam, có hương vị đa dạng như chua, cay, mặn, ngọt, nhưng tổng thể lại rất hấp dẫn. Tôi nghĩ rằng vai trò của Việt Nam trong việc thúc đẩy quan hệ ASEAN - Hoa Kỳ sẽ ngày càng quan trọng và đón nhận nhiều kết quả hấp dẫn hơn.
Bài viết do phóng viên lược ghi ý kiến trả lời phỏng vấn từ Mỹ của ông Vũ Tú Thành - Phó giám đốc điều hành, Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN (USABC). Tại USABC, ông Thành có nhiệm vụ tư vấn cho các công ty nước ngoài về chính sách kinh doanh tại Việt Nam và kết nối họ đối thoại với các nhà hoạch định chính sách.