Chẳng lẽ ai đó tham nhũng chết là hết chuyện?
(Dân trí) - Bàn về chống tham nhũng đã nhiều, hô hào chống tham nhũng cũng quá nhiều, nhưng bắt được tham nhũng và nghiêm trị còn rất ít. Đã có nhiều ý kiến cho rằng, số lượng vụ án tham nhũng bị phá không tương xứng với thực trạng tham nhũng tại Việt Nam.
Thế nhưng, còn một vấn đề khác, đó là thu hồi tài sản tham nhũng. Tham nhũng bị trị còn ít, và trong những vụ ít ỏi đó, số tài sản bị tham nhũng được thu hồi không đáng kể. Hay nói đúng hơn là quá ít.
Mới đây, Bộ Nội vụ và Thanh tra Chính phủ ban hành thông tư liên tịch về mức độ khen thưởng cho những người tố cáo tham nhũng. Người nào giúp nhà nước thu hồi tài sản có giá trị trên 600 lần mức lương cơ sở thì có thể được thưởng 3,4 tỉ đồng.
Nghe qua thấy thuận tai, nhưng trên thực tế, tố cáo tham nhũng đã khó, thu hồi tài sản còn khó hơn. Người tố cáo tham nhũng là người dân bình thường, dựa vào quyền hạn nào, công cụ nào để giúp nhà nước thu hồi tài sản của kẻ tham nhũng trong khi nhà nước có đủ lực lượng và công cụ trong tay còn chưa thu hồi được.
Thêm một khó khăn khác, đó là người phạm tội tham nhũng sống sờ sờ còn không thu hồi hết tài sản tham nhũng, và nếu họ chết thì coi như bó tay hoàn toàn. Bởi vì, tài sản tham nhũng lọt vào tay ai không biết và không can thiệp được.
Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định, một trong những trường hợp không khởi tố vụ án hình sự hoặc nếu đã khởi tố thì đình chỉ điều tra, đó là “người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết”. Căn cứ vào quy định này, khi người có hành vi tham nhũng chết, coi như vụ án bị đình chỉ, và tất nhiên, đã không khởi tố vụ án hoặc đình chỉ điều tra thì bế tắc hoàn toàn trong việc xác minh tài sản tham nhũng.
Trên đây là lỗ hổng của pháp luật mà nhóm nghiên cứu đề tài “Thu hồi tài sản tham nhũng – Thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế do Ban Nội chính Trung ương” chỉ ra.
Một lỗ hổng khác là, Điều 42 Bộ Luật Hình sự quy định: “Người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, phải sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra”. Như vậy, người phạm tội tham nhũng mới chịu trách nhiệm trả lại tài sản, còn người được hưởng tài sản là con cái họ thì không chịu trách nhiệm trả tài sản.
Không ai tham nhũng mà ôm hết cho mình, mà “hy sinh đời bố, củng cố đời con”. Họ lấy tiền nhà nước rồi để lại cho con cái hưởng. Con cái họ không việc gì phải trả lại tài sản đó cho nhà nước, vì luật không bắt họ phải trả.
Nếu như bố hay mẹ của họ tham nhũng số tiền lớn, để lại cho họ và bố mẹ họ mất đi, coi như tài sản tham nhũng không ai động tới, vụ án cũng coi như kết thúc. Trong lúc, hậu quả của tham nhũng còn đó, tài sản của nhà nước bị kẻ khác chiếm đoạt. Quá vô lý.
Thấy được lỗ hổng thì phải lấp đầy bằng cách bổ sung các quy định phù hợp. Pháp luật không khoa học, không chặt chẽ, thì không thể chống được tham nhũng.
Lê Chân Nhân
BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cám ơn các bạn!