1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Không để người phạm tội tham nhũng "chết là hết chuyện"

(Dân trí) - Nhóm nghiên cứu thuộc Ban Nội chính Trung ương đề xuất quy định làm rõ người thực hiện hành vi tham nhũng đã chết có để lại di sản nào không, để buộc người thừa kế phải thực hiện bồi thường, nhằm tránh thực tế hiện nay là “người phạm tội chết là hết chuyện”.

Không để người phạm tội tham nhũng chết là hết chuyện
Theo quy định hiện nay, khi người thực hiện hành vi tham nhũng chết thì vụ án được đình chỉ và không tiến hành điều tra, xác định rõ tài sản tham nhũng bao nhiêu, đang ở đâu, ai được hưởng để thu hồi (Ảnh minh họa).

Theo nhóm nghiên cứu “Thu hồi tài sản tham nhũng - Thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế” thuộc Ban Nội chính Trung ương, Điều 42 Bộ luật Hình sự quy định: “Người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, phải sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra”.

Như vậy Bộ luật Hình sự quy định chỉ “người phạm tội” mới có nghĩa vụ trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, phải sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra; còn người khác được hưởng không có căn cứ pháp luật.

Điều 107 và Điều 164 Bộ luật T tụng hình sự quy định một trong nhưng trường hợp không được khởi tố vụ án hình sự, nếu đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can thì đình chỉ điều tra, đó là “người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác”.

“Từ những quy định này, trong thực tiễn, truy cứu trách nhiệm hình sự, đặc biệt là các vụ án về tham nhũng, khi người thực hiện hành vi tham nhũng chết thì vụ án được đình chỉ và không tiến hành điều tra, xác định rõ tài sản tham nhũng bao nhiêu, đang ở đâu, ai được hưởng để thu hồi”- nhóm nghiên cứu đưa ra nhận định.

Do pháp luật chưa quy định về cơ quan, tổ chức có trách nhiệm yêu cầu, trình tự, thủ tục điều tra xác minh nên trong thực tiễn truy cứu trách nhiệm hình sự “khi người phạm tội chết là hết chuyện”.

Từ đây, nhóm nghiên cứu đề xuất: Trong trường hợp người thực hiện hành vi tham nhũng chết thì chỉ đình chỉ về mặt trách nhiệm hình sự, còn trách nhiệm dân sự phải tiếp tục xác định đầy đủ, cụ thể và phải làm rõ người thực hiện hành vi tham nhũng chết có để lại di sản nào không để buộc người thừa kế phải thực hiện việc bồi thường trong giới hạn di sản của người chết để lại.

“Trong Bộ luật dân sự đã có quy định về việc “thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại” (Điều 637), do đó chúng tôi kiến nghị cần cụ thể hóa quy định này trong Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự”- báo cáo nghiên cứu viết.

TS. Phạm Quý Tỵ- nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp - cho rằng trường hợp đã khởi tố vụ án hình sự, sau đó bị can hoặc bị cáo chết, cơ quan tố tụng đã đình chỉ vụ án hình sự thì cơ quan, tổ chức có quyền khởi kiện dân sự để đòi lại tài sản mà người phạm tội tham nhũng đã chiếm đoạt.

“Bị can hoặc bị cáo chết thì cơ quan tố tụng đình chỉ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội, còn tài sản tham nhũng phải tiếp tục chứng minh xử lý. Trường hợp chứng minh được tài sản của người phạm tội do tham nhũng mà có thì phải thu hồi, nếu người phạm tội có trách nhiệm bồi thường thì người thừa kế tài sản của người đã chết phải có trách nhiệm bồi thường trong giới hạn di sản của người chết để lại”- ông Tỵ bày tỏ.

Theo ông Tỵ, do pháp luật chưa quy định cụ thể trình tự thủ tục điều tra, xác minh tài sản của người phạm tội tham nhũng đã chết nên thực tế khi qua cơ quan tố tụng đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bị can thì cũng chấm dứt điều tra tài sản tham nhũng của người phạm tội, gây nhiều khó khăn cho việc xử lý tài sản tham nhũng.

Ông Tỵ đồng ý với nhóm nghiên cứu của Ban Nội chính Trung ương về việc cần cụ thể hóa quy định này trong Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự.

Thế Kha

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm