Tổng Bí thư: Tòa án cũng phải tham gia phòng chống tham nhũng
(Dân trí) - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị tòa án tới đây tham gia vào công tác phòng, chống tham nhũng, trong đó chú ý đưa ra xét xử các vụ án tham nhũng lớn mà đã có ý kiến chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về công tác phòng, chống tham nhũng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc với lãnh đạo TAND Tối cao.
Sáng nay 20/3, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng Trung ương - đã có buổi làm việc với lãnh đạo TAND Tối cao. Cùng đi với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn có các thành viên của các Bộ, ban ngành Trung ương.
Trước khi vào bàn chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo TAND Tối cao, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các thành viên trong đoàn đã đến dâng hương tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm trong khuôn viên của TAND Tối cao.
Báo cáo với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các thành viên trong đoàn, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình nêu rõ, mặc dù an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước trong những năm qua tiếp tục được giữ vững và ổn định nhưng tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp; các tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại, hôn nhân – gia đình... có xu hướng gia tăng.
Việc xét xử các vụ án cơ bản được đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật đã hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp kết án oan người không có tội. Nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng hoặc các vụ án được dư luận xã hội quan tâm, đặc biệt là các vụ án kinh tế, tham nhũng được các tòa án khẩn trương nghiên cứu hồ sơ đưa ra xét xử kịp thời như vụ án Vinashin; vụ Dương Chí Dũng; Huỳnh Thị Huyền Như; Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên)...
Để nâng cao ý thức pháp luật và tinh thần đấu tranh phòng, chống tội phạm trong nhân dân, các Tòa án đã tổ chức hơn 31.700 phiên tòa xét xử lưu động tại các địa phương xảy ra vụ án. Trong giải quyết xét xử các vụ việc dân sự đã quan tâm khắc phục có hiệu quả. Các vụ án hành chính, mặc dù số lượng án hành chính tăng nhiều so với các năm trước do thẩm quyền của tòa án.
Cụ thể năm 2010, các Tòa án thụ lí giải quyết hơn 1.600 vụ án hành chính; đến năm 2014, số lượng án hành chính mà các Tòa án phải thụ lí là hơn 7.300 vụ, tăng 450%.
Ngoài báo cáo về công tác xét xử ở các cấp tòa, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình còn báo cáo với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác xây dựng pháp luật; công tác giám đốc, kiểm tra và giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm... Tham gia sửa đổi, bổ sung, triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng và thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2015.
Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình báo cáo những kết quả của công tác xét xử ngành tòa án.
Theo đó Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình đề xuất với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và thành viên trong đoàn công tác 8 vấn đề.
Sau khi nghe báo cáo của Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình, các thành viên trong đoàn công tác đều đồng tình với báo cáo và đánh giá cao những thành tích đạt được của ngành Tòa án trong thời gian qua.
Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao vai trò và vị trí của Tòa án nhân dân là một thiết chế quan trọng bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, bảo vệ pháp chế XHCN. Trong những năm qua, Tòa án nhân dân các cấp và Tòa án Nhân dân tối cao đã hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm đó là: Phòng chống có hiệu quả các loại tội phạm, giải quyết tốt các tranh chấp trong nhân dân, hoàn thiện hệ thống pháp luật, từ đó góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn, thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội của đất nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, ngành Tòa án cần tiếp tục tăng cường hơn nữa việc tranh tụng tại phiên tòa, vì qua việc tranh tụng công khai, dân chủ sẽ đưa ra được những bản án, phán quyết đúng pháp luật và hạn chế oan sai.
Tổng Bí thư đề nghị tòa án tới đây tham gia vào công tác phòng, chống tham nhũng, trong đó chú ý đưa ra xét xử các vụ án tham nhũng lớn mà đã có ý kiến chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về công tác phòng, chống tham nhũng.
Tuấn Hợp