Vụ “quan” quận xây 7 công trình trái phép: Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM nói gì?
(Dân trí) - Ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM đã có những chia sẻ về việc ông Lê Hữu Thành, Phó chủ tịch HĐND quận Thủ Đức và người thân xây dựng 7 công trình trái phép.
Trong cuộc họp báo về việc triển khai kế hoạch liên tịch tăng cường công tác phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP giữa Sở Xây dựng và UBND các quận, huyện tại TPHCM. Ông Lê Hòa Bình cho biết, sự việc ông Lê Hữu Thành và người thân xây dựng 7 công trình trái phép đã được Bí thư Thành ủy TPHCM kiểm tra, đánh giá. Kết quả kiểm tra, xử lý vụ việc sẽ được các cơ quan liên quan báo cáo sau.
Công trình vi phạm của gia đình ông Lê Hữu Thành tại Khu phố 6, phường Hiệp Bình Chánh đã có quyết định xử lý hành chính. Tuy nhiên, việc thực thi chưa nghiêm minh đã dẫn tới công trình sai phạm vẫn còn tồn tại.
“Tôi nhìn nhận, quận Thủ Đức cần phải rà soát lại quy hoạch ở các khu vực đó. Nếu quy hoạch lâu quá thì dẫn đến nhu cầu sử dụng đất của người dân bị ảnh hưởng. Nếu không điều chỉnh quy hoạch, không hướng dẫn để người dân xin phép (giấy phép có thời hạn, giấy phép tạm) thì bãi đất trống sẽ thành nơi đổ rác, phát sinh tệ nạn. Như vậy thì chính quyền cũng rất vất vả để giải quyết, xử lý”, ông Lê Hòa Bình nói.
Chia sẻ về việc xây dựng trái phép của gia đình ông Lê Hữu Thành, ông Lý Thanh Long – Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TPHCM khẳng định, 7 công trình vi phạm gồm các công trình xây dựng không phép.
Căn cứ Quyết định 58 của UBND thành phố thì các công trình này thuộc trách nhiệm của UBND phường, xã kiểm tra.
“Theo hồ sơ chúng tôi thu thập được, 7 công trình này do phường Hiệp Bình Chánh và quận Thủ Đức xử lý. Phường, quận có ban hành quyết định đình chỉ, quyết định cưỡng chế ở các công trình. Tuy nhiên, các quyết định này đều đã ban hành từ rất lâu”, ông Lý Thanh Long nói.
Theo ông Long, kết quả xử lý việc xây dựng trái phép của gia đình ông Lê Hữu Thành có thể có vào đầu tuần tới. Giải pháp hiệu quả để xử lý các vụ việc tương tự như gia đình ông Lê Hữu Thành chính là ký kế hoạch liên tịch để phối hợp giữa phường, quận và tổ công tác liên tịch để giám sát việc thực hiện các quyết định xử lý vi phạm hành chính.
Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Lê Hòa Bình phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: Đại Việt
Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Lê Hòa Bình nhận định, xây dựng một công trình lớn khó khăn 1 thì việc tháo dỡ khó khăn gấp 2 – 3 lần. Bởi, việc tháo dỡ sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới các công trình lân cận. Do đó, Sở Xây dựng TPHCM sẽ quyết tâm kiểm tra 100% các công trình xây dựng và phát hiện sai phạm ngay từ đầu.
“Giả sử, trên địa bàn thành phố có 1.000 công trình xây dựng không phép, sai phép trong một năm. Nhưng nếu để hết các vụ việc trên Sở Xây dựng thì rõ ràng là Sở Xây dựng sẽ phải đi cùng đội thanh tra 24 địa bàn kiểm tra, xử lý dẫn đến mất rất nhiều thời gian. Trong khi đó, nếu chia 1.000 công trình cho 24 quận, huyện và mỗi quận, huyện có thêm 10 phường, xã hỗ trợ xử lý thì số vụ việc chia ra còn rất nhỏ, dễ dàng xử lý ”, ông Lê Hòa Bình phát biểu.
7 công trình xây dựng không phép đang được sử dụng làm xưởng cơ khí, bãi xe...
Trước đó, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cùng đoàn công tác Thành ủy đã làm việc với Quận ủy Thủ Đức về việc ông Lê Hữu Thành và người thân tiến hành xây dựng không phép kéo dài nhiều năm nhưng không bị xử lý.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng đi thực tế 7 công trình xây dựng không phép tại phường Hiệp Bình Chánh của gia đình ông Lê Hữu Thành.
Các công trình này rộng hàng ngàn m2 nằm trong một con hẻm được xây dựng bằng cột thép, vách tôn, mái tôn, kèo sắt. Trong đó công trình của ông Thành xây dựng từ năm 2012 nhưng đến nay vẫn không bị xử lý.
Đại diện Thanh tra TPHCM chia sẻ, các công trình sai phạm bị phát hiện từ lâu nhưng không xử lý dứt khoát. Chính quyền đã ra quyết định cưỡng chế nhưng không thực hiện. Do đó, cần xem xét trách nhiệm các đơn vị liên quan.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, công trình sai phạm đầu tiên năm 2012 đã lập biên bản yêu cầu tháo dỡ nhưng 7 năm sau chưa tháo dỡ. Điều này cho thấy ông Lê Hữu Thành đã không thể hiện sự gương mẫu của người Đảng viên.
Người đứng đầu Đảng bộ thành phố cũng đặt vấn đề: Tập thể Ban Thường vụ Quận ủy Thủ Đức có biết sự việc hay không, hay biết mà thông cảm?.
Theo Bí thư Thành ủy TPHCM, sai phạm là phải xử lý, không có vùng cấm, không ngoại lệ. Việc không xử lý là ngẫu nhiên hay e ngại hoặc có phần nể nang và phải chấm dứt việc này. Cán bộ không được phép vi phạm pháp luật và người có chức vụ càng cao thì càng không được phép vi phạm pháp luật. Cấp trên vi phạm thì nói cấp dưới sẽ không nghe.
Đại Việt