Theo chân người Nhật đón Tết truyền thống Oshogatsu

(Dân trí) - Oshogatsu là sự kiện để nghênh đón Toshigamisama, vị thần năm mới tượng trưng cho sức khỏe, may mắn và phát đạt.

Giống như nhiều nước trên thế giới vào mỗi dịp năm mới tại Nhật Bản sẽ diễn ra lễ đón mừng năm mới để cầu một năm nhiều may mắn và tốt lành. Trước đây, Nhật Bản đón năm mới theo âm lịch giống Việt Nam và Trung Quốc. Tuy nhiên, vào thời Minh Trị năm 1873, nước này áp dụng lịch Gregory và họ chính thức đón năm mới theo Tết dương lịch. 

Theo chân người Nhật đón Tết truyền thống Oshogatsu - 1
Oshogatsu là ngày Tết đón năm mới ở Nhật Bản. Nguồn ảnh: Living In Japan

Tháng Giêng tại Nhật Bản được gọi là "Oshogatsu" có nghĩa là "Chính Nguyệt". Chính vì vậy Tết cổ truyền tại đây cũng được gọi là "Oshogatsu". Đây là sự kiện để nghênh đón Toshigamisama, vị thần năm mới tượng trưng cho sức khỏe, may mắn và phát đạt. 

Tết Oshogatsu diễn ra từ ngày 1 đến 3/1. Người dân Nhật Bản chuẩn bị cho lễ hội từ nhiều ngày trước đó bằng việc dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ để rửa trôi những điều không may mắn của năm cũ, đón những gì tốt đẹp nhất của năm mới. 

Theo chân người Nhật đón Tết truyền thống Oshogatsu - 2
Kadomatsu là vật trang trí không thể thiếu trong nhà của người Nhật vào ngày Tết. Nguồn ảnh: In Japan

Nếu như ở Việt Nam, chúng ta có đào hay mai là vật trang trí không thể thiếu vào ngày Tết thì ở Nhật có kadomatsu. Kadomatsu là những cành thông, tre xếp vào nhau và thường được trưng bày theo cặp trước cửa nhà, hai bên lối vào. 

Người Nhật quan niệm tre tượng trưng cho chiếc thang để đón thần năm mới, còn thông mang lại sự may mắn và trường thọ. Ngoài ra những vật dụng khác như dây thừng bện bằng cỏ khô, các dải giấy trắng cũng được dùng để trang trí, tượng trưng cho những mong ước của người Nhật trong năm mới. Ngoài ra, họ còn treo bùa shimekazari trong ngày Oshogatsu với ý nghĩa không cho ma quỷ vào nhà.

Theo chân người Nhật đón Tết truyền thống Oshogatsu - 3
Người Nhật treo bùa shimekazari trong ngày Oshogatsu. Nguồn ảnh: Tokyo Weekender

Ngày cuối cùng của năm cũ, những người trong gia đình sẽ tụ họp đủ đầy và cùng nhau ăn bữa cơm tất niên. Bữa ăn được chăm chút cẩn thận với những món ăn truyền thống làm từ gạo, cá và hải sản. Người Nhật quan niệm, đồ ăn được chế biến từ gạo sẽ là nguồn gốc giúp con người thành đạt.

Osechi ryori là bữa ăn truyền thống mà người Nhật Bản ăn vào đầu năm mới. Có khoảng 9 món ăn đặc sắc, mỗi món chứa đựng một ý nghĩa khác nhau, tất cả được bày biện tinh tế trong jub ako - một chiếc hộp sơn mài có 3 tầng. Một điều đặc biệt, osechi ryori chỉ được nấu và thưởng thức trong vài ngày đầu của tháng Giêng tại nhà của người Nhật. Bạn sẽ không thể tìm thấy chúng trong menu của bất kỳ nhà hàng nào.

Theo chân người Nhật đón Tết truyền thống Oshogatsu - 4
Osechi ryori là bữa ăn truyền thống mà người Nhật Bản ăn vào đầu năm mới. Nguồn ảnh: Live Japan

Ngoài ra bánh nếp mochi, súp bánh dày ozoni cũng là những món ăn đặc biệt không thể thiếu trong ngày Tết của người Nhật.

Đi lễ đầu năm cũng là một nét truyền thống không thể thiếu trong ngày đầu năm ở Nhật Bản. Nghi thức này còn được gọi là hatsumode, chỉ chuyến thăm đền thờ đầu tiên trong năm mới. Khoảng vài giờ trước giao thừa, người Nhật bắt đầu đổ về các đền thờ để đón năm mới. Những ngôi chùa Phật giáo ở Nhật thường chào đón năm mới bằng cách rung 108 hồi chuông.

Theo chân người Nhật đón Tết truyền thống Oshogatsu - 5
Cô gái Nhật Bản đi lễ ngày đầu năm mới. Nguồn ảnh: Favy

Giống như một số nước châu Á, trẻ em Nhật Bản cũng nhận được lì xì vào năm mới, phong tục này được gọi là otoshidama. Người lớn sẽ chuẩn bị một phong bao đặc biệt gọi là pochi-bukuro. Phong bao được trang trí hình linh vật của năm mới, mèo may mắn, daruma, hoặc các nhân vật nổi tiếng trong manga và anime.

Đôi khi, số tiền một đứa trẻ nhận được có thể khá lớn. Cha mẹ Nhật Bản thường sẽ hướng dẫn con tiết kiệm tiền từ nhỏ, chỉ để một phần để mua đồ chơi mới. Điều này thay đổi tùy theo từng gia đình.

Khác với một số nước, viếng thăm nhà của người thân, bạn bè không phải là hoạt động phổ biến của người Nhật. Họ quan niệm Oshogatsu là Tết sum vầy, đoàn viên nên chỉ khép kín trong gia đình. Thay vào đó, người dân sẽ gửi thiệp mừng năm mới cho người thân và bạn bè. Do đó, từ giữa tháng 12 đến ba ngày lễ Tết của quốc gia là mùa bận rộn nhất của bưu điện ở Nhật Bản.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm