Thành phố ven sông Hồng: Giấc mơ “Seoul thứ hai” liệu có thành hiện thực?
(Dân trí) - Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, để biến giấc mơ dự án Hà Nội - thành phố ven sông thành hiện thực, trước mắt vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết.
Mới đây, Hà Nội đang triển khai quy hoạch sông Hồng, tuy nhiên đây không phải lần đầu công việc này được thực hiện.
Trong gần 30 năm qua, Chính phủ, Hà Nội và một số đối tác nước ngoài như Ý, Mỹ và Hàn Quốc đã có các đề xuất liên quan với quy mô khác nhau.
Trao đổi với PV báo Dân trí, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cho rằng, nếu Hà Nội quyết tâm làm thành phố hai bên bờ sông thì có rất nhiều đối tác nước ngoài sẵn sàng đồng hành.
Tuy nhiên, để biến giấc mơ này thành hiện thực vẫn còn cả một chặng đường dài.
Có quy hoạch từ lâu nhưng không làm được!
Sau một thời gian dài gián đoạn, theo ông đâu là lý do khiến Hà Nội quyết định khởi động lại quy hoạch thành phố 2 bên bờ sông Hồng?
Thực ra, trong suốt 60 năm qua, Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong vấn đề quy hoạch và đã có tầm nhìn rộng về lợi ích của thành phố hai bên bờ sông Hồng.
Cụ thể, ngay từ năm 1954, dù chưa có quy hoạch hoàn chỉnh, nhưng Hà Nội đã xây dựng hơn 20 điểm nhà ở tại khu vực Chương Dương, Phúc Xá.
Trong những năm 1971, 1976 và 1981, chính quyền thành phố đã bắt đầu xây dựng quy hoạch thành phố. Điểm nhấn rõ nét nhất là bản quy hoạch năm 1992, khi Hà Nội đồng ý chủ chương bảo vệ cuộc sống của người dân ở 2 bên bờ sông, nhưng không làm ảnh hưởng tới hệ thống đê điều.
Sang bản quy hoạch năm 1998, thành phố đã xác định rất rõ mục tiêu phát triển thành phố ở hai bên bờ sông. Đặt sông Hồng vào vị trí trung tâm của Hà Nội.
Cho tới năm 2011, Bộ Chính trị, Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ đã thông qua bản quy hoạch Hà Nội mới. Một lần nữa xác định “trục không gian 2 bên sông Hồng là trục trung tâm quan trọng của Hà Nội”. Đồng thời, năm 2012, thành phố cũng đã phê duyệt nhiệm vụ thiết kế phân khu sông Hồng.
Bên cạnh đó, Luật Thủ đô năm 1998 và năm 2013 cũng xác định trục cảnh quan sông Hồng là trục cảnh quan quan trọng của Hà Nội.
Ngoài ra, từ 20 năm trước, Bộ Thủy lợi (cũ), Bộ GTVT cũng có nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu về các điều kiện tự nhiên của sông Hồng và đánh giá những tiềm năng kinh tế của dòng sông này mang lại.
Điều này cho thấy, không phải chờ tới năm 2020, Hà Nội mới bắt tay xây dựng lại quy hoạch thành phố 2 bên bờ sông Hồng.
Tuy nhiên, vì sao Hà Nội đã có quy hoạch, đã có nghiên cứu chuyên sâu về thủy lợi, thủy văn, đê điều nhưng vẫn không làm được, là bởi do chưa có quy hoạch phân vùng thoát lũ.
Cho tới nay, Chính phủ vẫn chưa phê duyệt quy hoạch vùng, quy hoạch vùng kinh tế theo Luật Quy hoạch mới.
Theo quy định, phải có quy hoạch vùng thì các địa phương, trong đó có Hà Nội mới được xây dựng quy hoạch. Nhưng tới nay Chính phủ chưa thông qua thì làm sao Hà Nội nghiên cứu được quy hoạch riêng?
Ở thời điểm này, khi lật lại vấn đề xây dựng bản quy hoạch mới phát triển 2 thành phố bên sông đã chứng tỏ sự quyết tâm của thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, có thực hiện được hay không vẫn còn tồn đọng nhiều khó khăn, chưa thể giải quyết trong một sớm, một chiều.
Như ông đã chia sẻ, khó khăn lớn nhất khi quy hoạch thành phố 2 bên bờ sông hiện nay chính là phân vùng thoát lũ. Ông có thể giải thích rõ hơn vấn đề này?
Để đưa ra một quy hoạch hoàn chỉnh về phân vùng thoát lũ sông Hồng, Hà Nội vẫn phải giải quyết 5 vấn đề chính liên quan tới hình thái tự nhiên và truyền thống lịch sử gắn với sông Hồng.
Trong 5 vấn đề này, có một số vấn đề có thể thực hiện được, nhưng cũng có vấn đề rất khó để hoàn thành.
Về hình thái tự nhiên của sông Hồng, việc đầu tiên là nghiên cứu được thượng nguồn.
Thế nhưng, đoạn sông chảy qua Việt Nam dài 600 km là hạ lưu, còn 600 km thượng nguồn còn lại thì nằm ở Trung Quốc. Tại đây, Trung Quốc còn xây dựng 17 đập thủy điện nên rất khó để đánh giá chính xác dòng chảy của dòng sông.
Thứ hai, trong 150 năm qua, người Pháp đã có nhiều nghiên cứu về sông Hồng, và đưa ra được 3 thế dòng chảy. Tức là, dòng chảy của sông Hồng sẽ luôn biến động và thay đổi theo thời gian do hiện tượng một bên bờ sông bị lở đất, bên còn lại thì bồi tụ.
Mỗi thế sông sẽ có sự ổn định khác nhau, chi phí đầu tư cũng khác nhau, nên để khẳng định thế sông nào ổn định nhất để kêu gọi vốn đầu tư cũng là điều tương đối khó.
Thứ 3 là thủy văn có sự chênh lệch lớn giữa mùa cạn và mùa lũ. Trong mùa cạn, mực nước sông Hồng ước chừng khoảng 2 - 3m so với mực nước biển.
Nhưng vào mùa lũ, mực nước có thể đạt ngưỡng 11 - 12 m. Thậm chí, vào năm 1971, mực nước đã đạt “đỉnh”, lên tới 13 m, gần bằng chiều cao của mặt đê Hà Nội (13,5 m) và chiều cao của cầu Long Biên (13,75 m).
Tuy nhiên, do quá trình biến đổi khí hậu khiến cho mực nước sông trở nên không ổn định, có năm Hà Nội bị lụt tới 22 điểm (năm 2006), nhưng cũng có năm sông Hồng cạn trơ đáy. Điều này cũng tạo ra rào cản lớn để các nhà khoa học trong và ngoài nước đưa ra một quy hoạch phân lũ cho sông Hồng.
Vấn đề thứ 4 liên quan tới giá trị lịch sử, truyền thống văn hóa của sông Hồng gắn liền với các đô thị Việt Nam. Trong đó, quan trọng nhất chính là thành Thăng Long - Hà Nội. Vì vậy, khi xây dựng quy hoạch phải khai thác hết được tiềm năng của các điểm di tích này, tránh tối đa việc xâm hại di tích.
Cuối cùng, sông Hồng phải xác định vị thế ổn định vì lợi ích chung trong quy hoạch vùng. Không thể lấy các địa phương khác làm nơi thoát lũ để đảm bảo an toàn cho Hà Nội.
Trước đây, một số bản quy hoạch đã đề xuất tạo ra một số dòng chảy ổn định ở khu vực Hà Tây cũ, nhưng bị chính tỉnh này phản đối.
Bởi vì, nếu xảy ra lũ lụt, các đoạn này sẽ trở thành “rốn lũ”, nước sông có thể tràn vào nhà, ruộng đồng của người dân.
Tổng kết lại, tôi cho rằng, để có một bản quy hoạch phân lũ sông Hồng hoàn chỉnh, chỉnh quyền Hà Nội cần phải đáp ứng được nhu cầu đa chức năng, vừa đáp ứng được các truyền thống văn hóa, kinh tế nhưng vẫn cần đảm bảo mối quan hệ giữa các vùng, không nên vì lợi ích của Thủ đô mà “bỏ rơi” các địa phương khác.
Phải lấy sông Hồng làm không gian trung tâm của Hà Nội
Bản quy hoạch thành phố hai bên sông Hồng lần này có gì khác với các bản quy hoạch trước đó hay không, thưa ông?
Chắc chắn là có nhiều điểm mới, song quan trọng nhất là quy mô quy hoạch đã mở rộng hơn so với trước.
Nếu như trước đây, bản quy hoạch chỉ tính 40 km sông Hồng chạy qua nội đô Hà Nội, thì nay đã tăng lên 120 km, tính cả các đoạn sông nằm ở khu vực ngoại thành.
Ở thời điểm hiện tại, Hà Nội cần làm gì để giải quyết các nút thắt vẫn còn tồn tại khi xây dựng bản quy hoạch mới xây dựng 2 thành phố bên sông?
Thách thức lớn nhất cần giải phải giải quyết chính là xây dựng được bản quy hoạch thoát lũ và hệ thống đê điều. Đồng thời Chính phủ phải sớm phê duyệt các phương án quy hoạch vùng.
Trên cơ sở đó, Hà Nội cũng phải sớm hoàn thành quy hoạch tích hợp Thủ đô theo Luật Quy hoạch. Chỉ khi nào làm được 2 điều này, thì việc xây dựng thành phố 2 bên sông mới không bị vi hiến.
Bên cạnh đó, khi xây dựng quy hoạch thành phố hai bên sông, Hà Nội phải đảm bảo về vấn đề dân số.
Hiện nay, các bản quy hoạch trước đây đã bị “vỡ” kế hoạch về dân số, nên khi xây dựng bản quy hoạch mới phải quản lý được chặt chẽ dân cư, nhằm giảm mật độ dân số trong trung tâm thành phố. Đối với vấn đề di dân phải đồng bộ với yếu tố hạ tầng, giao thông đảm bảo chất lượng cuộc sống của người dân.
Cuối cùng, ngoài một số cơ chế đặc thù đã được Quốc hội thông qua, Hà Nội cần có thêm một số ưu đãi khác để hồi sinh các dự án đã có trước đây. Điều này hướng tới việc phát triển trục không gian cảnh quan hai bên bờ sông, lấy sông Hồng làm trung tâm.
Nếu như trước đây, mọi người dân Thủ đô đều nghĩ trục trung tâm thành phố là khu Ba Đình, Hoàn Kiếm, thì khi xây dựng quy hoạch thành phố hai bên bờ sông phải lấy sông Hồng làm điểm gắn kết.
Trong thời gian tới, khi Đông Anh được lên quận, thì điều này lại cần thiết hơn để tạo ra tính cân bằng cho Hà Nội.
Xin cảm ơn ông!
Việt Vũ