1. Dòng sự kiện:
  2. Chuyển động bất động sản 2024

Sau "sốt nóng", giá bất động sản Hạ Long đang ra sao?

Hà Phong

(Dân trí) - Dù thị trường rơi vào cảnh trầm lắng sau một năm "sốt nóng" nhưng giá bất động sản Hạ Long (Quảng Ninh) vẫn tăng. Có nơi giá biệt thự lên tới cả 200 triệu đồng/m2.

Giá bất động sản vẫn tăng

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ đầu năm 2021, dòng tiền đổ vào bất động sản tăng nhanh, đặc biệt là giai đoạn đầu năm khi nhiều tỉnh có tình trạng "sốt đất". Trong đó, Hạ Long (Quảng Ninh) là tâm điểm "sốt nóng" của thị trường bất động sản phía Bắc.

Ghi nhận của Dân trí đầu tháng 3 này cho thấy thị trường bất động sản Hạ Long không còn "sốt nóng" như thời điểm một năm trước. Nhiều điểm "nóng" của thị trường thành phố này như: Dự án đô thị Cao Xanh - Hà Khánh A, B, C (phường Hà Khánh); Khe Cá (phường Hà Phong); Khu đô thị Làng Bang (phường Thống Nhất); Khu đô thị Cột 5 - Cột 8 (phường Hồng Hà)… đều không có cảnh tập trung, mua bán tấp nập. 

Sau sốt nóng, giá bất động sản Hạ Long đang ra sao? - 1
Sau sốt nóng, giá bất động sản Hạ Long đang ra sao? - 2

Nhiều văn phòng giao dịch bất động sản "cửa đóng then cài" (Ảnh: Hà Phong).

Anh Phạm Thành Công - một môi giới có văn phòng giao dịch bất động sản tại dự án Khu đô thị Cao Xanh - Hà Khánh - chia sẻ, những năm gần đây Hạ Long luôn được đẩy mạnh đầu tư hạ tầng đồng bộ, cùng với sự phát triển kinh tế, bất động sản thành phố luôn sôi động. Đặc biệt, khi tỉnh Quảng Ninh sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long, sau đó địa phương này khởi công 2 cây cầu bắc qua vịnh Cửa Lục, thị trường bất động sản nơi đây "dậy sóng".

Về thị trường bất động sản Hạ Long thời gian này, môi giới trên cho biết, sau khi UBND TP có văn bản cảnh báo người dân trước tình trạng "sốt đất" ảo trên địa bàn hồi tháng 3 năm ngoái, thị trường rơi vào trầm lắng, nhưng giao dịch vẫn có. Giá bất động sản cũng tăng từ 10 đến 15% tùy vào vị trí so với đầu năm ngoái. 

Cũng theo môi giới Công, các lô đất nền tại dự án đô thị Cao Xanh - Hà Khánh A, B, C đều tăng giá. Những lô đất ở dự án Hà Khánh A hiện tại có giá khoảng 40 -60 triệu đồng/m2, Hà Khánh B khoảng trên 30 triệu đồng/m2, Hà Khánh C khoảng 25-27 triệu đồng/m2.

Theo một môi giới bất động sản tên Hiền ở Hạ Long, dù không còn "sốt nóng", nhưng giá bất động sản tại Hạ Long liên tục biến động theo chiều hướng tăng. Trong đó, các dự án biệt thự mặt biển có khung giá từ 80 đến 120 triệu đồng/m2 và lên tới 200 triệu đồng/m2, mức tăng trưởng này cao hơn 40 - 50% so với năm 2018.

Những khu vực đất nền vị trí vàng ở Hạ Long như Cột 3 - Cột 5 - Cột 8 đang có giá 80-100 triệu đồng/m2. Nằm cách trung tâm thành phố gần 7km, nhưng liền kề dự án LA Emera Khe Cá 2 (phường Hà Phong) có giá bán lên tới 90-100 triệu đồng/m2.  

Sau sốt nóng, giá bất động sản Hạ Long đang ra sao? - 3

Liền kề dự án LA Emera Khe Cá 2 đang có giá bán 100 triệu đồng/m2 dù nằm cách trung tâm thành phố gần 7km (Ảnh: Hà Phong).

Nhận định về thị trường bất động sản Hạ Long, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cho rằng, Hạ Long là một trong những thành phố du lịch phát triển bậc nhất khi hội tụ đầy đủ lợi thế "kiềng ba chân" bao gồm kinh tế - du lịch và hạ tầng phát triển toàn diện.

Du lịch hồi phục mang tới triển vọng mới cho bất động sản, nhất là dòng sản phẩm second-home ven biển đón xu hướng bất động sản sức khỏe đang ngày càng tăng sức hút. Nguồn cung bất động sản sát biển, trực vịnh ngày một khan hiếm, giá bất động sản Hạ Long tăng trưởng tích cực. 

Không thể "lướt sóng" 

Dù khẳng định giá bất động sản Hạ Long vẫn tăng nhưng nhiều môi giới thừa nhận giá không còn tăng nóng, tăng nhanh như trước kia.

Một môi giới ở Hạ Long chia sẻ, đa số các giao dịch ở thành phố này là mua đi bán lại giữa các nhà đầu tư, nhưng không thể "lướt sóng". Ví dụ như, nếu mua đất nền ở các khu đô thị Cao Xanh - Hà Khánh thì nhà đầu tư phải xác định khoảng 3-5 tháng mới có biến động về giá. Còn nếu, nhà đầu tư muốn bán nhanh, thì chỉ có hòa vốn, hoặc phải bán thấp hơn thị trường.

"Rất ít nhà đầu tư cũ bán thấp hơn giá thị trường. Còn nếu nhà đầu tư mua mới thì ngang với thị trường sẽ không có lời nếu bán luôn", môi giới nói.

Sau sốt nóng, giá bất động sản Hạ Long đang ra sao? - 4

Thị trường bất động sản Hạ Long trầm lắng sau "sốt nóng", nhưng giá vẫn tăng (Ảnh: Hà Phong).

Ngoài ra, nhiều môi giới bất động sản thừa nhận, việc kiểm soát "sốt đất" ảo của cơ quan chức năng đã hạn chế được tình trạng "thổi giá", không còn cảnh giá đất tăng theo ngày, theo tuần…

Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Hữu Nhã - Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long - cho biết, thị trường có sự trầm lắng do thời gian qua thành phố đã liên tục cảnh báo người dân về tình trạng "sốt đất". Trong đó, thành phố công khai thông tin các dự án đủ điều kiện giao dịch chuyển nhượng; quyết liệt xử lý các trường hợp góp vốn, chuyển nhượng không đúng quy định.

Sau sốt nóng, giá bất động sản Hạ Long đang ra sao? - 5

Tình trạng "thổi giá", "sốt đất" liên tục được cơ quan chức năng TP Hạ Long cảnh báo tới người dân (Ảnh: Hà Phong).

Trước đó, tháng 3/2021, UBND TP Hạ Long đã phải có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan và cảnh báo người dân trước tình trạng "sốt đất" ảo trên địa bàn. Theo lãnh đạo TP Hạ Long, trên địa bàn đã xuất hiện các hoạt động mua đi bán lại trong chính các nhóm môi giới, tạo các giao dịch "mồi" để dụ dỗ các khách hàng nhẹ dạ cả tin vào mua đất.

Khi người dân đầu tư mua hết các giao dịch, hoạt động tạo "sốt đất" ảo sẽ chấm dứt. Lúc này, thị trường không còn hoạt động mua bán ảo nhằm đẩy giá, giá đất sẽ đứng ở mức cao hoặc giảm sâu khiến nhà đầu tư không kịp thoát ra khỏi cơn sốt và bị mắc kẹt.