Phải báo cáo khi mua bất động sản trên 300 triệu đồng bằng tiền mặt: Khó khả thi
(Dân trí) - Trao đổi với Dân trí, giới chuyên gia cho rằng cho văn hoá giao dịch ở Việt Nam chủ yếu vẫn sử dùng tiền mặt. Tuy nhiên phải báo cáo các giao dịch bất động sản bằng tiền mặt trên 300 triệu đồng là việc khó khả thi.
Mới đây, Bộ Xây dựng có công văn gửi Sở Xây dựng các tỉnh và thành phố thuộc Trung ương về việc thực hiện công tác phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Theo đó, Bộ yêu cầu các sở cần có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quản lý bất động sản, môi giới bất động sản, sàn giao dịch bất động sản đang hoạt động tại địa phương thực hiện công tác phòng chống rửa tiền theo quy định.
Cần lập và gửi báo cáo các giao dịch đáng ngờ, báo cáo các giao dịch tiền mặt có giá trị lớn (từ 300 triệu đồng trở lên) về Cục Quản lí nhà và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng và Cục Phòng, chống rửa tiền - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Trao đổi với Dân trí, ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản EZ cho rằng, văn hoá giao dịch ở Việt Nam chủ yếu vẫn sử dùng tiền mặt. Tuy nhiên các giao dịch bất động sản bằng tiền mặt trên 300 triệu đồng là việc khó khả thi.
“Nếu buộc các sàn phải khai danh tính khách hàng của mình thì ai dám làm việc, giao dịch với họ nữa?”, ông Toản đặt vấn đề.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng thư ký Hội môi giới Việt Nam cũng cho rằng sẽ khó có thể thực hiện việc quy định báo cáo giao dịch bất động sản bằng tiền mặt trên 300 triệu đồng nêu trên.
Ông Đính cho biết, quy định này không phải mới và đã có từ lâu. Dân môi giới bất động sản trước khi được cấp chứng chỉ hành nghề đều phải trải qua các câu hỏi liên quan đến phòng chống rửa tiền.
“Đã là quy định thì phải làm”, ông Đính nói và cho biết ông ủng hộ việc này, tuy nhiên để làm được hay không thì rất khó.
"Quan điểm của tôi là rất khó làm và khó bắt được hành vi vi phạm trên", ông Đính nói.
Theo vị này, các sàn môi giới tự thống kê hàng tháng họ bán cái gì, bán bao nhiêu sản phẩm họ còn chưa làm, Hội Môi giới phải tương tác, thương lượng đôi bên cùng có lợi với họ thì họ mới cung cấp, mới thực hiện.
Ông Đính cho rằng, để thực hiện quy định về chống rửa tiền còn phải đi song hành với nhiều quy định khác, như kê khai đóng thuế, quy định giao dịch qua tài khoản ngân hàng...
"Đơn giản như chưa có quy định nào bắt buộc người mua bất động sản phải giao dịch qua ngân hàng. Người môi giới sẽ không thể nào biết bao tải tiền nào của khách hàng là tiền tốt, bao tải tiền nào là tiền xấu", ông Đính nói.
Đồng thời, ông này cũng kiến nghị các quy định này phải có sự điều chỉnh theo hướng chặt chẽ, rõ ràng và làm quyết liệt hơn.
Trước đó, trong Báo cáo tóm tắt kết quả đánh giá rủi ro hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố tại Việt Nam 2012-2017, bất động sản được nêu là một trong ba lĩnh vực có nguy cơ rửa tiền thuộc nhóm cao.
Cơ quan quản lý nhận định, bất động sản thu hút nhiều nguồn tiền đầu tư giá trị lớn, các giao dịch mua bán, chuyển nhượng bất động sản có thể thực hiện bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản và không thông qua sàn giao dịch, nên rất khó cho các cơ quan chức năng kiểm tra, xác định nguồn gốc của tiền.
Nguyễn Mạnh