Chặn rửa tiền qua bất động sản
Nếu không có sự kiểm tra, giám sát và xử lý theo chế tài, các doanh nghiệp sẽ không tuân thủ quy định phải báo cáo các giao dịch tiền mặt từ 300 triệu đồng trở lên
Bộ Xây dựng vừa có công văn gửi các sở xây dựng về công tác phòng chống rửa tiền trong kinh doanh bất động sản (BĐS). Theo đó, các sở phải yêu cầu doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ quản lý, môi giới BĐS, sàn giao dịch thực hiện các quy định về nhận biết, cập nhật thông tin khách hàng, rà soát các giao dịch.
Báo cáo giao dịch đáng ngờ
Các sở xây dựng phải yêu cầu các sàn, môi giới lập và gửi báo cáo các giao dịch đáng ngờ hoặc giao dịch tiền mặt có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên về Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) và Cục Phòng chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước - NHNN). Theo Bộ Xây dựng, môi giới, sàn BĐS có thể liên hệ với Cục Phòng chống rửa tiền để có thông tin và hướng dẫn về các danh sách đen, cảnh báo hoặc những cá nhân có ảnh hưởng chính trị để tránh các rủi ro trong giao dịch.
Báo cáo kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền của NHNN cho thấy nguy cơ rửa tiền trong lĩnh vực BĐS là cao do các giao dịch mua bán, chuyển nhượng BĐS có thể thực hiện bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản và không thông qua sàn giao dịch BĐS nên rất khó cho các cơ quan chức năng kiểm tra, xác định nguồn gốc của tiền. Theo NHNN, các vụ đại án về tham ô thời gian qua cũng như vụ đánh bạc ngàn tỉ đồng đang bị điều tra về rửa tiền, trong số các tài sản thu được từ các vụ án đều liên quan đến tài sản là các BĐS. Để rửa tiền, các đối tượng phạm tội nhờ người thân mua, chuyển nhượng, cho tặng BĐS. Cụ thể, trong đường dây đánh bạc qua mạng do Bộ Công an phối hợp Công an tỉnh Phú Thọ triệt phá, đối tượng cầm đầu Phan Sào Nam đã chuyển cho dì ruột là Phan Thu Hương (ngụ quận Tây Hồ, TP Hà Nội) đứng ra giao dịch, mua bán nhiều căn hộ chung cư cao cấp, biệt thự tại Hà Nội và TP HCM. Trong đó, bà Hương đã mua 1 bất động sản tại quận 3, TP HCM có giá tới 270 tỉ đồng. Ngoài ra, Nam còn sử dụng hàng chục tỉ đồng nhờ bạn bè đứng tên để mua BĐS nhằm "rửa tiền".
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho biết BĐS là kênh đầu tư hợp pháp tại Việt Nam nên nhiều đối tượng lợi dụng để biến tiền "bẩn" từ các hoạt động tội phạm, tham nhũng thành tiền "sạch". "Các giao dịch mua bán tài sản có giá trị lớn ở Việt Nam vẫn được thực hiện bằng tiền mặt, trong khi cơ chế giám sát còn chưa chặt chẽ nên tạo điều kiện cho các hoạt động rửa tiền" - ông Hiếu nói.
GS-TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường, nhấn mạnh các đối tượng thường thông qua mua BĐS để rửa tiền, nên các giao dịch bằng tiền mặt từ 300 triệu đồng trở lên phải báo cáo đến Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) và NHNN để rà soát, phát hiện các giao dịch đáng ngờ. Ông Võ cho rằng quy định này sẽ khuyến khích người dân giao dịch thông qua ngân hàng thay vì mang tiền mặt đến sàn BĐS.
Chưa quyết liệt xử lý
Luật sư (LS) Vũ Văn Biên (Đoàn LS TP Hà Nội) cho biết các quy định về phòng chống rửa tiền đều đã có đầy đủ trong Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012, Nghị định 116 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng chống rửa tiền và Thông tư 32 năm 2014 của NHNN. Trong đó có cả hạn mức giao dịch từ 300 triệu đồng trở lên phải báo cáo NHNN. Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước gặp khó. "Đặc biệt trong các giao dịch đặt cọc hay thỏa thuận góp vốn, những người mua BĐS dạng đầu tư "lướt sóng" muốn giao dịch bằng tiền mặt với lượng tiền rất lớn, cơ quan quản lý nhà nước khó kiểm soát" - LS Biên phân tích. Theo LS Biên, hiện các sàn giao dịch BĐS có tâm lý giấu thông tin khách hàng hoặc sợ ảnh hưởng tâm lý khách hàng nên không tuân thủ các quy định về báo cáo các giao dịch tiền mặt từ 300 triệu đồng trở lên. "Theo quy định, DN phải tuân thủ nếu họ phớt lờ, cơ quan nhà nước phải kiểm tra, giám sát và xử lý theo chế tài. Tuy nhiên, thời gian qua, việc này chưa quyết liệt" - LS Biên nói.
Tổng giám đốc một DN BĐS cho rằng hiện các giao dịch BĐS thường lớn hơn con số 300 triệu đồng rất nhiều; người mua, người bán đều không muốn công khai nên rất khó kiểm soát. Vì vậy, luật đưa ra chỉ để "siết" người nghèo phải thực thi các thủ tục thêm rắc rối. Trong khi đối tượng cần kiểm soát là những người có tiền, những giao dịch hàng chục, hàng trăm tỉ đồng.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, kỳ vọng DN báo cáo sẽ không có hiệu quả vì rất ít DN tuân thủ và thực hiện. Các quy định đã có từ rất lâu nhưng chưa thấy trường hợp nào bị xử lý nếu không báo cáo. Theo ông Hiếu, các tổ chức ngân hàng cũng thuộc diện phải báo cáo các giao dịch lớn nhưng nhiều trường hợp còn lơ là nên không thể trông chờ vào kết quả báo cáo của DN. Để ngăn ngừa nguy cơ rửa tiền, ông Hiếu cho rằng nên quy định các giao dịch BĐS đều phải thông qua ngân hàng để hạn chế tiền mặt, khi nguồn tiền đã qua ngân hàng thì ngân hàng có trách nhiệm phải báo cáo và xác minh.
"Quên" báo cáo sẽ bị xử phạt 50 triệu đồng
Chế tài xử lý hành chính vi phạm về báo cáo giao dịch có giá trị lớn, giao dịch đáng ngờ, giao dịch chuyển tiền điện tử, báo cáo hành vi rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố đã được quy định cụ thể tại điều 44 Nghị định 96/2014/NĐ-CP xử phạt hành chính lĩnh vực tiền tệ ngân hàng. Theo đó, DN kinh doanh dịch vụ quản lý, môi giới BĐS, sàn giao dịch sẽ bị xử phạt từ 30-50 triệu đồng nếu không báo cáo các giao dịch có giá trị lớn; không báo cáo các giao dịch đáng ngờ.
Ông Phạm Lâm, Tổng Giám đốc Công ty DKRA Vietnam:
Sẽ gây hoang mang cho khách hàng
Báo cáo khi giao dịch tiền mặt trên 300 triệu đồng là tiến tới minh bạch hóa thị trường BĐS. Tuy nhiên lâu nay, người Việt có thói quen dùng tiền mặt khi giao dịch BĐS. Việc báo cáo này sẽ gây hoang mang cho khách hàng do thông tin của họ phải được nêu ra. Chưa kể, không có quy định chế tài nào bắt họ phải khai tiền ở đâu bởi họ đã phải đóng thuế qua mã số thuế khi giao dịch. Ngoài ra, có thực tế là hiện nhiều dự án chưa đủ điều kiện giao dịch thì gần như giao dịch tiền mặt, ít giao dịch qua ngân hàng nhằm không để lại "dấu tích" nên rất khó tuân thủ báo cáo.
TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng Khoa Tài chính Ngân hàng Trường ĐH Kinh tế TP HCM:
Chỉ làm cho các thủ tục giao dịch thêm rối
Hiện nhiều nước quy định tất cả giao dịch BĐS đều phải qua sàn, đã đóng thuế, mọi hồ sơ giấy tờ đã chứng minh nguồn tiền chứ Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS không thể quản lý được vấn đề này. Thực tế, nguồn vốn mua nhà hay xây nhà đã được chứng minh nguồn tiền qua các thủ tục thuế. Nghĩa là quy định chống rửa tiền đã thể hiện qua việc giao dịch sàn. Đặc biệt, từ khi Luật Thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực, mọi giao dịch BĐS đều đã minh bạch, không phải làm giấy tay mà phải chứng thực, chứng minh tài sản...
Nếu nói về chống rửa tiền, sao cơ quan chức năng không quy định ở góc độ góp vốn cổ phần của các đối tác chiến lược, việc tăng vốn của các công ty tư nhân hay các tập đoàn vào những ngành nhạy cảm. Các cổ đông chiến lược phải chứng minh nguồn tiền từ đâu hay chỉ là bút toán làm cho công ty có con số khổng lồ mà thực tế thì không như vậy. Đó mới là vấn đề cần thiết, cấp bách hơn so với báo cáo số tiền mặt giao dịch 300 triệu đồng, vì nó không giải quyết vấn đề điều tra nguồn tiền, không có ngân hàng kiểm soát. Chức năng chống rửa tiền không thuộc Bộ Xây dựng, mà chủ yếu của NHNN, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư... Quy định này chỉ làm cho các thủ tục hành chính của các công ty BĐS thêm rắc rối.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Công ty BĐS Danh Khôi (DKRS):
Phải có quy định ràng buộc cụ thể
Điều quan trọng hiện nay là làm sao buộc DN phải trung thực, có quy định cụ thể ràng buộc hay không chứ không thể yêu cầu tự giác báo cáo, các chế tài trong việc báo cáo sai, không đúng sẽ thế nào? Thời gian qua, vẫn tồn tại nhiều khách trong nước hoặc nước ngoài giao dịch tiền mặt nhưng hầu như không báo cáo hoặc báo cáo theo giao dịch (tức là không có số tiền cụ thể). Nếu khách mang tiền mặt đến giao dịch tại ngân hàng nhưng là gửi vào tài khoản của chủ đầu tư/người bán chứ không phải chuyển từ tài khoản của khách qua tài khoản chủ đầu tư/người bán như vậy có tính là giao dịch tiền mặt hay giao dịch chuyển khoản? Vì lâu nay, chủ đầu tư/người bán chỉ quan tâm tiền đến bảo đảm đúng tiến độ thanh toán, nhận chuyển nhượng/mua bán đúng sản phẩm chứ không quan tâm người nộp tiền.