Môi giới bất động sản đang làm nhiễu loạn thị trường, gây "ngáo giá"?
(Dân trí) - Chuyên gia cho rằng, cá biệt vẫn có những môi giới bất động sản bị lợi ích chi phối, bất chấp quy định pháp luật, cấu kết với các nhà đầu tư kinh doanh bất động sản nâng giá hoặc dìm giá thị trường.
Gần đây, dư luận xôn xao thông tin liên quan đến việc cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi giới bất động sản có hành vi cấu kết, đẩy giá, gây nhiễu loạn thị trường. Thậm chí, có ý kiến cho rằng môi giới chính là tác nhân khiến giá bất động sản, đặc biệt là phân khúc chung cư tại Hà Nội, tăng cao tới mức bất thường trong thời gian qua.
Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Phạm Đức Toản, chuyên gia bất động sản, cho rằng, bản chất môi giới chỉ là đơn vị trung gian giữa 2 bên và nhận hoa hồng. Do đó, họ không có quyền quyết định giá bán.
Tuy nhiên, có những trường hợp cá biệt, môi giới bỏ tiền để đặt cọc mua bất động sản, sau đó tìm khách mua với giá chênh. Nếu như không bán được, họ phải mất tiền cọc. Trong trường hợp này, họ với vai trò là nhà đầu tư, đầu cơ không còn là môi giới thuần túy.
"Thời gian vừa qua nguồn cung chủ yếu tập trung trong tay một nhóm chủ đầu tư. Do đó, họ có lợi thế về việc đưa ra mức giá cao hơn", ông Toản nói thêm.
Ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa 12, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết, ngoài các nhà môi giới hoạt động chuyên nghiệp, chấp hành tốt quy định pháp luật thì cá biệt vẫn có những môi giới bất động sản bị lợi ích chi phối, bất chấp quy định pháp luật, cấu kết với các nhà đầu tư kinh doanh bất động sản nâng giá hoặc dìm giá thị trường.
Trong nền kinh tế thị trường, hiện tượng này khó tránh được. Tuy vậy, theo ông, việc chủ đầu tư và môi giới bắt tay với nhau tăng giá nhà ở ảnh hưởng rất lớn tới người dân và cả các thế hệ tương lai. Khi giá nhà ngày càng tăng, người trẻ hiện nay càng khó mua nhà, khó an cư, lạc nghiệp, lập gia đình, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội.
TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), cho biết, quyết định giá bán bất động sản là quyền của chủ đầu tư và nhà phát triển dự án. Môi giới không được tham gia bất cứ công đoạn nào liên quan đến việc định giá bất động sản. Họ được tiếp cận bảng giá của chủ đầu tư gần như cùng lúc với khách hàng.
Theo ông, một thực tế mà hầu như sàn giao dịch nào cũng gặp phải là mức giá bán các sàn đề xuất đều bị chủ đầu tư chê thấp. Chủ đầu tư muốn tối đa hóa lợi nhuận và thường có tâm lý sợ các sàn đưa ra mức giá thấp để dễ đẩy hàng.
Trong khi đó, để có thể tiếp cận với khách hàng thì phía sàn giao dịch hay môi giới cũng phải bỏ nhiều chi phí chạy quảng cáo. Nếu giá bán quá cao, vượt khả năng tài chính của nhiều người, sức hấp dẫn của sản phẩm bị giảm sút, khả năng chốt khách sẽ khó khăn hơn.
Thời gian vừa qua, câu chuyện về giá bán bất động sản luôn là chủ đề "nóng" thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận toàn xã hội. Trong câu chuyện tăng giá đó, không loại trừ những trường hợp đầu cơ, trục lợi, lợi dụng sự mất cân bằng của cung - cầu để ôm hàng, thổi giá nhằm lướt sóng, kiếm chênh lệch. Vậy nhưng ông Đính cho rằng cần xác định rất rõ, đây là hành vi của những tay đầu cơ, có tài chính.
Hành vi của họ là quan sát, lắng nghe, theo dõi từng biến động của thị trường. Ngay khi nhận thấy cơ hội, họ găm hàng, tìm cách sang tên và hưởng chênh lệch. Những đối tượng này khác với môi giới bất động sản chân chính.
Kể từ tháng 8, Luật Kinh doanh bất động sản 2023, Luật Nhà ở 2023 và Luật Đất đai 2024 đã chính thức hiệu lực. Các chính sách mới đã quy định tương đối chặt chẽ về hoạt động môi giới bất động sản.
Cụ thể, cá nhân môi giới phải có chứng chỉ hành nghề. Tương tự một số ngành nghề khác như bác sỹ, giáo viên, luật sư… môi giới nhà đất cũng đòi hỏi trình độ và năng lực đủ để hành nghề nghiêm túc, chuyên nghiệp.
Cùng với đó, luật mới không cho phép cá nhân hành nghề tự do, mà phải làm việc trong doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản hoặc doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản. Qua đó, giúp việc quản lý, giám sát hoạt động của các cá nhân này chặt chẽ hơn.
Với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới, luật yêu cầu có quy chế hoạt động, có cơ sở vật chất kỹ thuật đáp ứng yêu cầu, có ít nhất 1 cá nhân có chứng chỉ hành nghề. Trước khi hoạt động kinh doanh phải gửi thông tin về doanh nghiệp đến cơ quan quản lý để đăng tải trên hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản.
Luật cũng quy định rõ về các biện pháp xử phạt đối với cá nhân, doanh nghiệp hoạt động môi giới không đạt chuẩn, cung cấp thông tin sai lệnh, thiếu chính xác, gây ảnh hưởng tới khách hàng.