Hậu dịch Covid-19: Có nên rót tiền vào bất động sản?
Giá giảm sâu, thanh khoản đóng băng nhưng đón sóng phục hồi nếu dịch sớm được kiểm soát, giới đầu tư cho rằng đây có thể là lúc… bắt đầu!
Những ngày này, thị trường đang chứng kiến sự “tê liệt” của nền kinh tế bởi tác động ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID -19 khiến tất cả đều…ngưng trệ. Bị “đấm kép” từ thắt chặt tín dụng năm ngoái, nay thêm lần xô ngã này, thị trường bất động sản rơi tình cảnh nỗi buồn nhân đôi. Giá giảm sâu, thanh khoản đóng băng nhưng đón sóng phục hồi nếu dịch sớm được kiểm soát, giới đầu tư cho rằng đây có thể là lúc… bắt đầu!
BÐS khó nhưng không giảm giá
Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, mặc dù thị trường bất động sản trong quý I/2020 “vô cùng trầm lắng” do ảnh hưởng của dịch COVID-19, khiến các chủ đầu tư và sàn giao dịch buộc phải tạm hoãn các hoạt động mở bán dự án vì tâm lý tránh tụ tập đông người. Khoảng 50% số sàn giao dịch phải đóng cửa, có hiện tượng nhiều cá nhân môi giới bất động sản thất nghiệp.
Tuy nhiên, giá bán các sản phẩm bất động sản vẫn không có sự sụt giảm so với quý 4/2019. Hiện cũng chưa có doanh nghiệp nào công bố chính sách giảm giá.
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch VARS cho biết lý do khiến thị trường bất động sản hiện đang bị “tuột dốc” là bởi nguồn cung giảm mạnh từ năm 2019, do “nút thắt” liên quan đến quy định của pháp luật khiến nhiều dự án bị vướng. Tiếp theo là do năm nay Tết sớm và kéo dài, rồi lại tiếp tục xảy ra dịch bệnh cho đến nay. “Tất cả những yếu tố trên đã tạo ra tình trạng xấu, dẫn đến sự "ngủ đông" của toàn bộ các hoạt động của thị trường bất động sản. Số lượng giao dịch chỉ đạt tương đương khoảng trên 10% so với cùng kỳ những năm trước,” ông Đính nhấn mạnh.
Ông Đính nhận định trong quý 2/2020, có thể vẫn tiếp diễn trạng thái “ngủ đông” đối với thị trường giao dịch bất động sản, nhất là bất động sản nghỉ dưỡng. Quý 2 năm nay, dự báo thị trường căn hộ ở tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vẫn có giao dịch nhưng không nhiều, chủ yếu ở phân khúc bình dân, trung cấp, do nhu cầu nhà ở của người dân vẫn cao.
"Số lượng nguồn cung mới từ các dự án bất động sản đủ điều kiện gia nhập thị trường cũng không có nhiều. Ở mỗi địa phương có thể có tổng số dự án mới chỉ đạt ở mức 1 con số. Hàng hóa chào bán trên thị trường chủ yếu là hàng tồn từ trước", ông Đính cho hay.
Bắt lấy cơ hội
Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế do dịch COVID-19, thị trường BĐS cũng phải “gồng” mình chống đỡ. Để bán được hàng, một số chủ đầu tư áp dụng nhiều hình thức như đặt chỗ trực tuyến, trao đổi qua email và ứng dụng liên lạc hiện đại để phát triển kênh bán hàng. Chẳng hạn như CTCP Vinhomes đã chính thức ra mắt Sàn thương mại điện tử.
CenGroup thực hiện việc mở bán để giới thiệu dự án qua hình thức livestream và áp dụng nền tảng công nghệ Cenhomes. (Khách hàng không cần phải đến trực tiếp dự án mà vẫn có thể cập nhật được tiến độ dự án và tìm hiểu tất cả thông tin liên quan đến dự án).
Bên cạnh, một số doanh nghiệp lớn đang tận dụng thời gian hoàn thiện sản phẩm của mình, khi dịch bệnh kiểm soát sẽ ra mắt thị trường. Trên các kênh Facebook, Zalo… xuất hiện quảng cáo của dự án sắp mở bán. Các chuyên gia đều nhận định, sau đợt “chững dài” lần này, thị trường BĐS sẽ bật trở lại nhanh nhất là sau khi các doanh nghiệp BĐS được bổ sung vào danh sách các đối tượng được hưởng gói hỗ trợ của Chính phủ về hoãn lùi thời gian nộp thuế, tiền sử dụng đấy theo đề xuất trước đó của Bộ Tài chính.
Theo GS Đặng Hùng Võ, năm 2019 ghi nhận sự sụt giảm lớn về nguồn cung BĐS khi tổng số dự án được phê duyệt chỉ bằng 20% so với năm 2018. Nguyên nhân chính do việc rà soát, thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước đối với các dự án. Tình trạng cung không đủ cầu dự kiến sẽ còn kéo dài ít nhất sang năm 2021. Trong khi đó, để hoàn tất các thủ tục và triển khai một dự án thường doanh nghiệp phải mất tới 2 năm. Việc siết chặt tín dụng với BĐS theo Thông tư 22/2019 của Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ khiến tình trạng thiếu hụt nguồn cung thêm gay gắt do doanh nghiệp khó tiếp cận với nguồn vốn để phát triển dự án.
Theo ông Võ, hiện tại, do ảnh hưởng của dịch bệnh và chính sách giãn cách xã hội nên nhiều người có nhu cầu mua nhà không thể đi ra ngoài để giao dịch. Ngoài ra, nhiều dự án có dự định mở bán trong quý I/2020 nhưng do dịch bệnh phải hoãn lại. Vì vậy, khi hết dịch, các dự án này sẽ bung ra thị trường và chắc chắn lượng giao dịch sẽ tăng lên nhanh chóng.
“Bây giờ người ta đầu tư chủ yếu bằng tiền tích lũy cá nhân, đồng nghĩa khả năng chịu đựng của họ cũng tốt hơn, lâu hơn khi thị trường biến động. Vì thế, đừng nên trông chờ vào nguồn hàng bán cắt lỗ”, TS Cấn Văn Lực nói.
“Với việc được nhận gói hỗ trợ từ Chính phủ, các doanh nghiệp BĐS cũng không có áp lực phải xả hàng để thu hồi vốn. Ngay cả trên thị trường thứ cấp cũng sẽ khó có tình trạng nhà đầu tư bán tháo để cắt lỗ như nhiều người hy vọng bởi tình thế hiện nay không có gì buộc họ phải làm thế” - GS Đặng Hùng Võ
Theo Ngọc Mai
Tiền Phong