Gốm sứ Nhật Bản: Những câu chuyện về lịch sử

Châu Anh

(Dân trí) - Nhật Bản tự hào với nhiều phong cách gốm sứ trải dài từ thời cổ đại. Mỗi phong cách gốm sứ là một câu chuyện riêng về lịch sử và văn hóa của từng vùng.

Gốm sứ Nhật Bản có lịch sử lâu đời, bắt nguồn từ 13.000 năm trước với đồ đất nung của thời kỳ tiền sử Jōmon. Bản thân cái tên Jōmon, có nghĩa là "hoa văn dây thừng", dùng để chỉ thiết kế của những chiếc bình có từ thời đại này. Đồ đất nung Jōmon gần đây đã nhận được sự quan tâm lớn do hình dạng độc đáo, tâm linh và cảm giác hiện diện mạnh mẽ.

Gốm và sứ

Gốm sứ được làm từ các nguyên liệu thô như đất sét và đá gốm, chứa các thành phần có chất lượng giống như thủy tinh. Đất sét được sử dụng để tạo ra các hình dạng khác nhau sau đó sẽ được nung lên. Gốm sứ có thể được chia thành hai loại: gốm và sứ. Đồ gốm được làm từ đất sét nung ở nhiệt độ thấp hơn đồ sứ. Nhìn chung, nó dày hơn và có vẻ ngoài ấm hơn đồ sứ.

Trong khi đó, đất sét sứ có dạng hạt mịn và chứa thạch anh và fenspat, tạo ra chất lượng giống như thủy tinh. Sau khi nung, đồ sứ rất cứng và có thể mỏng hơn nhiều so với đồ gốm. Đồ gốm và sứ mỗi loại đều có những phong cách độc đáo riêng, với các đồ trang trí bao gồm cọ vẽ, các loại men, thiết kế trượt chải, hoa văn chải kỹ và trang trí.

Gốm sứ Nhật Bản: Những câu chuyện về lịch sử - 1

Một chai rượu sake không tráng men (trái) với hiệu ứng men tro tự nhiên và dấu vết từ quá trình nung gỗ. Một con đường hẹp bên cạnh một lò gốm Seto (phải).

Sáu lò nung cổ - Di sản Nhật Bản

Sản xuất gốm sứ ở Nhật Bản đặc biệt phát triển mạnh từ cuối thời Heian (794-1185) đến thời Muromachi (1336-1568). Mặc dù các lò nung được thành lập ở các vùng trên khắp Nhật Bản, nhưng đã có sáu khu vực sản xuất đồ gốm phát triển mạnh mẽ. Đó là Bizen (tỉnh Okayama), Tamba (tỉnh Hyōgo), Shigaraki (tỉnh Saga), Tokoname và Seto (đều thuộc tỉnh Aichi) và Echizen (tỉnh Fukui). Chúng được gọi chung là Sáu lò nung cổ, và vào năm 2017, chúng được chỉ định là Di sản Nhật Bản.

Gốm sứ Nhật Bản: Những câu chuyện về lịch sử - 2

Những bức tượng tanuki của Shigaraki.

Đồ gốm và Trà đạo

Trà đạo được hoàn thiện bởi bậc thầy trà Sen no Rikyū vào cuối thời Muromachi, sử dụng đồ gốm độc nhất của Nhật Bản. Điều này bao gồm đồ dùng chuyên dụng, bình hoa và bát mộc mạc như đồ Raku và đồ Oribe. Lãnh chúa Toyotomi Hideyoshi, một người đam mê trà đạo, đã mang về những người thợ gốm Hàn Quốc khi ông xâm lược Bán đảo Triều Tiên vào cuối thế kỷ XVI. Lúc này, họ đã lập lò nung ở Kyūshū và sản xuất dụng cụ pha trà.

Gốm sứ Nhật Bản: Những câu chuyện về lịch sử - 3

Trà được đánh trong bát đựng bằng gốm trong nghi lễ trà đạo.

Đồ sứ Imari - một loại đồ sứ từng được sản xuất ở thị trấn Arita, tỉnh Saga, hiện nổi tiếng với đồ sứ Arita - có giá trị cao như đồ cổ, đặc biệt thu hút sự chú ý với những người sưu tập đồ sứ trên khắp thế giới. Đồ sứ Arita đã đánh dấu kỷ niệm 400 năm thành lập vào năm 2016. Một trong những loại đồ sứ Arita nổi tiếng hơn cả là Kakiemon, có họa tiết tráng men kết hợp hài hòa với đồ sứ trắng.

Từ cuối thời Azuchi-Momoyama (1568-1603) đến đầu thời Edo (1603-1868), thợ gốm chú trọng đến tính nghệ thuật trong sản xuất đồ gốm sứ. Từ đó trở đi, số lượng lớn đồ gốm sứ có trang trí đẹp mắt đã ra đời.

Từ thế kỷ thứ mười tám trở đi, kỹ thuật của đồ Arita đã lan rộng đến các địa điểm như Kyoto, Kutani và Seto. Đầu thời Minh Trị (1868-1912), những tín đồ giàu có, những người quan trọng trong thế giới trà đạo, chẳng hạn như doanh nhân Nezu Kaichirō (người có bộ sưu tập đóng vai trò cốt lõi của Bảo tàng Nezu) và thương nhân lụa Hara Sankei (nhà thiết kế của Vườn Sankeien), đã trở thành những người bảo trợ ủng hộ sự truyền bá văn hóa Nhật Bản.

Đồ gốm Mingei

Đồ gốm Mingei - xuất hiện trong kỷ nguyên hiện đại khi Yanagi Sōetsu (1889-1961), Hamada Shōji (1887-1978), Kawai Kanjirō (1890-1966), và người Anh Bernard Leach (1887-1978) ủng hộ phong trào Mingei, với trọng tâm là vẻ đẹp chức năng trong các vật dụng hàng ngày do những người thợ thủ công vô danh làm ra. Phong trào này ngày càng được quan tâm và phát triển.

Một khu vực sản xuất đồ gốm thu hút được sự chú ý trên toàn quốc là Onta ở thành phố Hita, tỉnh Ōita. Trong hơn 300 năm, những người thợ gốm ở Onta chỉ truyền lại bí mật của mình cho một người con trai của họ.

Do đó, số lượng lò nung tại đây luôn duy trì ở mức ổn định; cho đến ngày nay, chỉ có 10 lò nung gốc còn hoạt động. Năm 1995, chính phủ Nhật Bản đã chỉ định việc đưa Onta ware trở thành một Tài sản Văn hóa Phi vật thể.

Gốm sứ Nhật Bản: Những câu chuyện về lịch sử - 4

Đồ gốm Onta được tạo ra rất tinh xảo - và đã được đưa vào danh sách văn hóa phi vật thể của Nhật. Ảnh: Nippon

Đồ gốm sứ ngày nay

Hai lần mỗi năm, vào tháng 5 và tháng 10, hội chợ đồ gốm sứ sẽ được tổ chức tại các khu vực sản xuất đồ gốm trên khắp Nhật Bản. Du khách sẽ có cơ hội tìm được món hàng ưng ý và cũng có thể gặp gỡ chính những người thợ gốm sứ.

Ba hội chợ đồ gốm sứ lớn ở Nhật Bản thường dành cho đồ gốm Mino (tỉnh Gifu), đồ sứ Imari hoặc Arita và đồ gốm Seto. Nếu là người yêu thích đồ gốm sứ, bạn hãy lên kế hoạch cho các chuyến đi để có cơ hội tìm hiểu về lịch sử đặc biệt của gốm sứ cũng như thưởng thức vẻ đẹp của chúng bên cạnh trải nghiệm các món ăn, ẩm thực địa phương.