Đói vốn, doanh nghiệp bất động sản có nguy cơ "chết trên đống tài sản"
(Dân trí) - Chủ tịch HoREA lo ngại dù doanh nghiệp có khối tài sản lớn nhưng thiếu tiền mặt, âm dòng tiền, bị thiếu thanh khoản nghiêm trọng có thể dẫn đến tình trạng "chết trên đống tài sản".
Doanh nghiệp có thể "chết trên đống tài sản"
Mới đây, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA) Lê Hoàng Châu đã gửi kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép doanh nghiệp bất động sản được tái cơ cấu khoản nợ vay tín dụng đến hạn và được vay vốn tín dụng mới nếu có tài sản bảo đảm với lãi suất vay hợp lý.
Theo ông Châu, thị trường bất động sản đang rất khó khăn. 2022 là năm "khó khăn khắc nghiệt nhất" và 2023 là năm "quyết định sống, còn" đối với các doanh nghiệp bất động sản, cho nên cần có các giải pháp đồng bộ về thể chế pháp luật, về thủ tục hành chính, về thị trường vốn.
Nêu ra những khó khăn của doanh nghiệp bất động sản hiện tại, ông Châu dẫn chứng, theo báo cáo của Tổng Cục Thống kê, số doanh nghiệp bất động sản giải thể trong năm 2022 gần 1.200 doanh nghiệp tăng 38,7% so với năm 2021.
"Có thể nói, năm 2022 là năm khó khăn khắc nghiệt nhất đối với tất cả doanh nghiệp bất động sản, mà kinh doanh bất động sản là một trong "21 ngành kinh tế cấp 1" quan trọng nhất của nền kinh tế của nước ta. Thị trường bất động sản gặp khó khăn thì tác động bất lợi dây chuyền lan sang nhiều lĩnh vực kinh tế và cả vấn đề đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở cho người yếu thế trong xã hội", ông Châu nhấn mạnh.
Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu nhìn nhận, hiện tại, nhiều doanh nghiệp bất động sản tuy có tổng tài sản giá trị lớn và đã thực hiện nhiều biện pháp giảm sâu giá bán, tăng chiết khấu đến 45-50% nhưng vẫn rất khó bán được hàng vì hầu như không có người mua nên doanh nghiệp thiếu tiền mặt, âm dòng tiền, bị thiếu thanh khoản nghiêm trọng có thể dẫn đến tình trạng "chết trên đống tài sản".
"Dự đoán năm 2023 là năm "quyết định sống, còn" đối với các doanh nghiệp bất động sản, nếu không được hỗ trợ giải quyết "nút thắt" về dòng tiền để đảm bảo tính thanh khoản, trước hết là nhu cầu và nguyện vọng của tất cả các doanh nghiệp bất động sản mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng để vượt qua giai đoạn cực kỳ khó khăn", ông Châu nêu.
Cũng theo ông Châu, hiện nay, bên cạnh khó khăn lớn nhất là "vướng mắc pháp lý" chiếm 70% khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản thì khó khăn trực tiếp tiếp theo là vấn đề "trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đến hạn" và các khoản vay tín dụng đến hạn kéo theo rủi ro chuyển thành "nợ xấu" hoặc "nhảy nhóm nợ xấu hơn".
Cụ thể, doanh nghiệp có các khoản vay tín dụng sắp đáo hạn mà nếu không được gia hạn thì bị xếp vào nhóm nợ "xấu"; Doanh nghiệp có các khoản vay tín dụng quá hạn có thể bị "nhảy nhóm" sang nhóm nợ "xấu hơn".
Doanh nghiệp có nợ "xấu" dù có dự án khả thi, có tài sản bảo đảm vẫn không tiếp cận được các khoản vay tín dụng mới nếu Ngân hàng Nhà nước không cho phép "nới một chút" điều kiện vay vốn tín dụng, nhưng không phải là hạ thấp tiêu chuẩn tín dụng; Người mua nhà hiện nay cũng khó vay vốn tín dụng.
Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, Chủ tịch HoREA kiến nghị Đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét ban hành Thông tư (mới) tương tự Thông tư 14/2021/TT-NHNN cho phép doanh nghiệp bất động sản được tái cơ cấu khoản nợ vay tín dụng đến hạn trong thời hạn từ 12-24 tháng, giữ nguyên nhóm nợ và được vay vốn tín dụng mới có tài sản bảo đảm và đề nghị sửa đổi, bổ sung một số Thông tư của Ngân hàng Nhà nước.
NHNN chỉ kiểm soát rủi ro tín dụng, không siết
Tại hội nghị về tín dụng với bất động sản diễn ra sáng 8/2 do Ngân hàng Nhà nước chủ trì, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết, dòng vốn vào thị trường bất động sản đến từ nhiều nguồn như vốn tự có của doanh nghiệp, vốn ứng trước của người mua nhà, vốn phát hành cổ phiếu, trái phiếu, vốn đầu tư trực tiếp từ nhà đầu tư nước ngoài và vốn tín dụng ngân hàng.
"Với ngành ngân hàng, diễn biến trên thị trường cũng như những khó khăn của doanh nghiệp bất động sản có tác động trực tiếp đến chất lượng tín dụng, ổn định kinh tế vĩ mô", ông Tú nói.
Cũng theo ông Tú, thời gian qua, nhiều đơn vị nói Ngân hàng Nhà nước siết tín dụng bất động sản. Nhưng ông khẳng định chưa có văn bản nào của Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo siết tín dụng bất động sản.
"Có chăng là chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng vào một số phân khúc có tỷ lệ rủi ro cao trong lĩnh vực bất động sản, ví dụ như đầu cơ, kinh doanh phân khúc lớn…, có thể dẫn đến tình trạng bong bóng, đóng băng ảnh hưởng đến cả hệ thống và an toàn tài chính quốc gia", ông Tú nói.
Ông Tú cho biết, những phân khúc còn lại của bất động sản đều bình đẳng với các lĩnh vực khác mà Ngân hàng Nhà nước đang cấp vốn.
Do đó, để tháo gỡ các khó khăn, góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững thì cần thêm sự quan tâm, triển khai đồng bộ các giải pháp từ phía các bộ, ngành liên quan và doanh nghiệp.
Trước đó, tại phiên họp thường kỳ tháng 1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo tổ chức cuộc họp về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản trong tháng 2.
Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, xác định đây là nút thắt cần giải quyết để tháo gỡ khó khăn cho nhiều lĩnh vực liên quan, như trái phiếu doanh nghiệp.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu các đơn vị chức năng có liên quan sẵn sàng để tổ chức cuộc họp về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản trong tháng 2.
Đối với thị trường vốn, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng phải điều hành cân bằng, hợp lý, hiệu quả giữa tỷ giá với lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát với tăng trưởng, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, giữa tình hình trong nước và ngoài nước.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu khẩn trương hoàn thiện, ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.