Doanh nghiệp, ngân hàng sẵn sàng, vì sao vẫn chật vật với nhà ở xã hội?

Trần Kháng

(Dân trí) - Nhiều doanh nghiệp đang chật vật với những thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, đốc thúc cũng không xong, ngân hàng thì đã sẵn sàng... Các giải pháp được đưa ra.

Địa phương quyết định việc xây dựng nhà ở xã hội

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ để thông tin về tình hình kinh tế xã hội tháng 12 và cả năm 2022 chiều 3/1, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, hiện nay nhiều doanh nghiệp đang chật vật với những thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; không ít doanh nghiệp có đốc thúc nhưng cũng không được cấp phép xây dựng và phải chờ đợi rất lâu.

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo để thúc đẩy đầu tư các dự án nhà ở nói chung, trong đó có các dự án nhà ở xã hội, qua đó nhiều giải pháp đã được đưa ra.

Thứ nhất, sửa đổi các quy định pháp luật, trong đó Chính phủ đã sửa đổi một số điều tại Nghị định 100 về đầu tư phát triển nhà ở xã hội; Nghị định 49 cũng đã sửa đổi theo hướng cải cách thủ tục hành chính, làm rõ các quy định theo hướng dễ thực hiện. Tại Nghị định 49 năm 2021, Chính phủ cũng đã quy định các trình tự thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội.

Theo đó, một dự án đầu tư nhà ở xã hội gồm 3 bước. Một là chuẩn bị đầu tư gồm các thủ tục liên quan đến việc dành quỹ đất, giao đất, tính tiền sử dụng đất; các vấn đề thủ tục, trình tự đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư cũng như các bước liên quan đến phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án. Hai là thực hiện các dự án đầu tư; ba là liên quan đến kết thúc nghiệm thu và đưa vào sử dụng.

Doanh nghiệp, ngân hàng sẵn sàng, vì sao vẫn chật vật với nhà ở xã hội? - 1

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh thông tin về "gỡ" thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Bên cạnh đó, theo ông Sinh, thời gian qua, Chính phủ cũng tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc để thúc đẩy phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Tại thông báo Kết luận số 242 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã nêu rõ nhiệm vụ của các bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương phải tích cực triển khai thực hiện các dự án nhà ở, bao gồm nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp.

"Hiện nay theo các quy định pháp luật, việc thực hiện dự án đầu tư này đã được phân cấp và giao cho các địa phương toàn quyền quyết định thực hiện các thủ tục đầu tư các dự án nhà ở xã hội", ông Sinh nói.

Các ngân hàng thương mại đang rất sẵn sàng

Cùng trả lời về vấn đề phát triển nhà ở xã hội tại buổi họp báo này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, có 2 nguồn lực cho nhà ở xã hội. Nguồn đầu tiên từ ngân sách Nhà nước thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Đến nay, ngân sách đã cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội gần 3.163 tỷ đồng.

Nguồn thứ hai, theo ông Tú, là chương trình phục hồi kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43 và Nghị quyết 11 của Chính phủ, giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội huy động bằng nguồn trái phiếu Chính phủ, có bảo lãnh của Chính phủ với con số 15.000 tỷ đồng.

"Đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho vay đến 9.994 tỷ đồng; cho 27.894 khách hàng vay để mua nhà ở xã hội. Trong 9.994 tỷ đồng này có 3.717 tỷ đồng thuộc chương trình phục hồi theo Nghị quyết 11 vừa qua, với số lượng 9.527 khách hàng", ông Tú nêu.

Cũng theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, về việc sử dụng nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại cho vay nhưng có cơ chế ưu đãi của Nhà nước, các bộ ngành chức năng đang xem xét việc cấp bù phần ưu đãi cho các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, một là chưa có tiền, thứ hai là chưa hoàn thiện cơ chế, nhưng các ngân hàng thương mại đang rất sẵn sàng.

Ngoài ra, theo ông Tú, có nguồn ngân hàng thương mại cho vay những lĩnh vực nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ người dân mang tính chất thương mại nhưng giá rẻ, trực tiếp phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của người dân.

"Đây cũng là một trong những chủ trương nhiều năm qua, đặc biệt trong năm 2022 vừa qua và năm nay. Ngân hàng Nhà nước vẫn xác định đây là đối tượng khuyến khích cũng như chỉ đạo các NHTM tập trung cho vay", ông Tú nhấn mạnh.