"Cò thổi giá làm náo loạn vùng quê, nhiều nơi "sốt" đất bất thường
(Dân trí) - Sự tăng giá bất thường ở một số vùng ven đã phá vỡ mọi định luật của thị trường bất động sản. Nhiều khả năng, sự tăng giá này là do các nhóm "cò" đất, đầu nậu tung chiêu, thổi giá lên cao.
Nhiều khu vực ven đô "sốt" đất bất thường
Theo báo cáo tình hình bất động sản của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs), trong năm 2020, thị trường xuất hiện sự chuyển dịch đầu tư vào thị trường bất động sản từ các ngành kinh tế khác, làm tăng lực cầu đầu tư trong ngắn hạn.
Điều này đã làm thị trường bất động sản nóng lên ở một số khu vực nông thôn, vùng chuẩn bị lên quận.
Đối với khu vực đất đai trong khu dân cư hiện hữu, việc đô thị hóa mạnh các vùng Sơn Tây, Hòa Lạc, Thạch Thất, Hoài Đức… đã đẩy giá đất trong làng xã khu vực này lên mức 25-30 triệu đồng/m2, tăng so với năm 2019 khoảng 50%.
Trong khi đó, các vùng như Đông Anh, Gia Lâm, Long Biên cũng tăng khoảng 20-30% so với năm 2019.
Báo cáo của VARs cho biết: Mặc dù tăng giá nhưng hiện tượng giao dịch thực diễn ra không nhiều mua bán chủ yếu qua lại giữa các nhà đầu cơ với nhau.
Ngoài ra, do có thông tin lên quận, thông tin phát triển đầu tư đã làm sốt đất bùng phát ở một số vùng như: Hòa Lạc, Sơn Tây, Thạch Thất, Hoài Đức, Đông Anh… nhưng cuối năm hiện tượng trên đã lắng dịu.
Cũng theo VARs, năm 2020, nhà đất là sản phẩm ưa thích của các nhà đầu tư Hà Nội và một phần cũng là dòng sản phẩm hàng hiếm.
Vì vậy, mặc dù đại dịch Covid-19 vẫn còn ảnh hưởng, nhưng nhiều dự án được đầu tư hạ tầng chất lượng tốt đã tăng giá mạnh, tăng khoảng 5% so với năm 2019.
Trong đó, một số dự án nhà phố ở khu vực quận Hà Đông có mức giá kỷ lục từ 200 triệu - 300 triệu đồng/m².
"Cò" đất thổi giá bất động sản như thế nào?
Theo ghi nhận từ thị trường, năm 2020, giá đất nền ven đô tại nhiều địa phương đã tăng rất mạnh, có nơi tăng gấp đôi, gấp 3 lần chỉ trong 1 năm. Các chuyên gia đánh giá, sự tăng giá bất thường như vậy đã phá vỡ mọi định luật của thị trường bất động sản. Nhiều khả năng, sự tăng giá này là do các nhóm "cò" đất, đầu nậu tung chiêu, thổi giá lên cao.
Trao đổi với PV báo Dân trí, ông Phan Công Chánh, CEO Phú Vinh Group cho biết: Hiện nay, trên thị trường bất động sản có 2 loại giá khác nhau.
Thứ nhất là giá rao. Đây là loại giá chịu ảnh hưởng lớn bởi yếu tố cảm xúc như, có thông tốt tác động đến giá đất, thông tin quy hoạch từ huyện lên quận;....
Lợi dụng các chính sách quy hoạch, giới đầu cơ sẽ khuếch đại, thổi phồng thông tin nhằm đẩy giá đất lên cao.
Thứ hai là giá giao dịch. Loại giá này sẽ giúp hình thành nên giá thị trường. Để xác định, giá có bị "ảo" hay không, nhà đầu tư phải tìm hiểu loại giá này, thông qua các hoạt động giao dịch tại thời điểm đó. Trong trường hợp, không có giao dịch phát sinh, nhưng giá vẫn cao chót vót thì đó là giá "ảo".
"Hiểu được nguyên lý về giá rao và giá giao dịch thì khi có thông tin về giá xuất hiện trên thị trường, phải rà soát lại xem nguồn hình thành nên giá đất có chính xác hay không.
Trong đó, nhà đầu tư cần phải xác minh rõ tính pháp lý, thông tin quy hoạch;... có chính xác hay không và phải cẩn trọng đối với một số hình thức làm giả thông tin, làm giả quy hoạch;...", ông Chánh nói thêm.
Trong khi đó, ông Phan Đình Vĩnh, chuyên gia bất động sản tiết lộ: Có nhiều trường hợp, giới "cò" đất tập hợp theo từng nhóm lớn. Các nhóm "cò" đất này sẽ gom đất số lượng lớn và bán qua bán lại với nhau, mục đích là tăng tính thanh khoản để thổi giá.
"Sau mỗi giao dịch, giá đất sẽ nhích thêm một chút. Thậm chí, có trường hợp mua bán qua lại hàng chục lần, giá đất cũng vì vậy mà tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3. Xét dưới góc độ thị trường, giao dịch ảo, hình thành ra giá ảo. Nếu nhà đầu tư không cẩn thận rất dễ gặp rủi ro", ông Vĩnh nói.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) cho rằng: Để hạn chế tình trạng "cò" đất làm loạn giá ven đô, Chính phủ và Bộ Xây dựng nên xem xét quy định bắt buộc phải thông qua một tổ chức chuyên nghiệp, đó là các sàn giao dịch.
"Để niêm yết trên các sàn giao dịch bất động sản, người bán buộc phải công khai minh bạch mọi thông tin, pháp lý, quy hoạch về mảnh đất đang có dự định bán. Khi đó, người mua sẽ nắm bắt được thông tin chính xác, tránh được nhiều rủi ro hơn. Còn nếu vẫn tiếp tục duy trì cơ chế như hiện nay, vẫn sẽ có nhà đầu tư bị lừa bởi các chiêu trò của "cò" đất", ông Đính bày tỏ quan điểm.