Cò lại tung tin về khu siêu đô thị, ven Hà Nội xuất hiện mức giá gây choáng
(Dân trí) - Lại tung tin về siêu đô thị, chiêu trò dân môi giới thổi giá đất Đồng Trúc; Giá chung cư, shophouse ven Hà Nội kỷ lục về giá, xuất hiện mức gây choáng... là những thông tin BĐS nổi bật tuần qua.
Lại tung tin về siêu đô thị, chiêu trò dân môi giới thổi giá đất Đồng Trúc?
Theo ghi nhận của PV Dân trí, ở một số tuyến đường Hà Nội xuất hiện tờ rơi, quảng cáo đất Đồng Trúc, huyện Thạch Thất . Theo đó, lô đất được rao 800 triệu đồng với lời giới thiệu hấp dẫn như có đường lớn đổ nhựa, sổ đỏ thổ cư đất ở 100%.
Ngoài ra, lời rao này còn kèm theo thông tin lô đất ngay sát khu đô thị 300 ha do một tập đoàn bất động sản lớn của Việt Nam triển khai.
Điều đáng nói, mặc dù mới chỉ nghe loáng thoáng về việc có doanh nghiệp đề xuất xin thực hiện dự án thì các sàn bất động sản, giới cò nhà đất đã một mực khẳng định mua đất ở giai đoạn này lợi nhuận sẽ cao. Thậm chí có những lời chào mời rất “phi thực tế” như những người đầu tư đất ở đây đều có thể hưởng lời từ vài giá chỉ trong khoảng 1-3 tháng.
Giá chung cư, shophouse ven Hà Nội kỷ lục về giá, xuất hiện mức gây choáng
Thị trường ghi nhận một số dự án bất động sản nhà ở tại vùng ven đô đang có giá dự kiến khoảng 50 - 60 triệu đồng/m2 cho chung cư. Thậm chí có dự án shophouse bán 200 - 300 triệu đồng/m2.
Trước thực tế các khu vực vùng ven của Hà Nội giá tăng cao ngất ngưởng, bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, Savills Hà Nội nhận định, nếu quyết định bán các mức này thì đây là lần đầu tiên các khu vực vùng ven Hà Nội có mức giá cao so với các dự án nằm trong khu vực giữa vành đai 2 và vành đai 3.
“Những dự án vùng ven có mức giá cao như vậy sẽ đối mặt với mức cạnh tranh lớn với các dự án thuộc khu vực giữa vành đai 2 và vành đai 3. Hiện nay đây là nhóm các dự án có mức giá cao so với khu vực vùng ven, độ hấp thụ của dự án có thể nói vẫn là một câu hỏi”, bà Hằng nói.
Tin vui với thị trường bất động sản: Thủ tướng ký nghị quyết gỡ vướng
Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị quyết số 164/NQ-CP về việc tháo gỡ một số vướng mắc trong thực hiện các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị theo quy định tại Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/1/2013 của Chính phủ về Quản lý đầu tư phát triển đô thị.
Nghị quyết nêu rõ, trong thời gian qua, các doanh nghiệp đầu tư xây dựng khu đô thị đang gặp khó khăn, vướng mắc về trình tự, thủ tục đầu tư của dự án giữa Luật Đầu tư năm 2014, Luật Nhà ở năm 2014 và Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/1/2013 của Chính phủ về Quản lý đầu tư phát triển đô thị. Đồng thời, ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thị trường xây dựng trầm lắng.
Do đó, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể tiếp tục duy trì đầu tư kinh doanh và góp phần ổn định thị trường trong thời gian sớm nhất và theo nguyên tắc áp dụng pháp luật tại Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Chính phủ quyết nghị việc áp dụng thủ tục đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị kể từ ngày 1/7/2015 (khi Luật Đầu tư năm 2014 và Luật Nhà ở năm 2014 có hiệu lực) cho đến ngày Luật Đầu tư sửa đổi năm 2020 có hiệu lực.
Loạt "ông lớn" địa ốc bất ngờ báo lỗ, trong khi năm ngoái vẫn lãi ầm ầm
Một loạt doanh nghiệp bất động sản đã thực hiện công bố báo cáo tài chính quý 3/2020. Trong số này, không ít đại gia báo lỗ liêu xiêu, trong khi năm ngoái vẫn ghi nhận tăng trưởng tốt.
Trong đó, Công ty CP Tập đoàn C.E.O - CEO Group (mã CK: CEO) có số lỗ sau 9 tháng năm 2020 là 102,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái vẫn lãi đậm với hơn 435 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp bất động sản khác là Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đô thị Long Giang (mã CK: LGL) cũng vừa công bố BCTC hợp nhất quý 3 với bức tranh kinh doanh nhiều gam màu tối. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Long Giang lỗ ghi gần 69 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn báo lão hơn 61 tỷ đồng.
Kéo giá nhà xuống bằng thuế bất động sản: Có nên không?
Mới đây, Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP.HCM đã đề xuất một loạt giải pháp kéo giá nhà đi xuống. Trong đó, có hai điểm đáng chú ý, một là, Hiệp hội này đề xuất có quy định để phát triển nhà xã hội và nhà thương mại giá thấp; hai là bày tỏ sự thống nhất với quan điểm của Bộ Tài chính về việc đánh thuế bất động sản.
Bình luận về đề xuất trên, TS. Nguyễn Hữu Cường – Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho rằng: Bộ tài chính không nên đưa ra đề xuất trên, công cụ thu thuế rất nhạy cảm ở thời điểm các doanh nghiệp đang phải đối phó với thiên tai và đại dịch Covid-19 đe dọa.
TS Nguyễn Hữu Cường cho rằng việc đánh thuế các loại BĐS là tất yếu và trên thế giới nhiều quốc gia đã thực hiện từ lâu. Tuy nhiên, phải có lộ trình và các giải pháp phát triển kinh tế vĩ mô và vi mô phải ổn định và bền vững, nếu không chính sách thuế BĐS này chắc chắn sẽ tác động tiêu cực rất lớn tới thị trường BĐS.