Chưa đầy 1 năm, giá mở bán căn hộ sơ cấp tại thành phố Thủ Đức đã tăng 70%
(Dân trí) - Theo DKRA, trong chưa đầy 1 năm, kể từ khi có quyết định thành lập thành phố Thủ Đức, giá mở bán căn hộ sơ cấp tại thành phố Thủ Đức đã tăng 50% - 70% so với những dự án lân cận mở bán trước đó.
Trong báo cáo mới nhất về thị trường bất động sản, nhà ở TP.HCM trong tháng 1/2021, DKRA Việt Nam cho biết: Tổng nguồn cung căn hộ trong tháng sụt giảm mạnh so với tháng 12/2020, với 3 dự án được mở bán, cung cấp ra thị trường 789 căn hộ, giảm 82,5%.
Trong đó, 91,2% tổng nguồn cung căn hộ mới thuộc phân khúc siêu sang, nằm ở khu Đông TP.HCM, 8,8% còn lại là căn hộ hạng B. Trong khi đó, căn hộ hạng A và hạng C mất hút khỏi thị trường.
Theo DKRA, tại TP. HCM, việc thành lập thành phố Thủ Đức đã có những tác động rõ nét lên thị trường bất động sản. Cụ thể, một số dự án mở bán trong tháng tại khu vực này ghi nhận mức giá bán cao hơn từ 50% - 70% so với những dự án lân cận mở bán trước đó.
Đơn cử, một dự án tại quận Thủ Đức (cũ) thiết lập mặt bằng giá mới cho phân khúc căn hộ tại đây với giá bán chạm ngưỡng 90 triệu đồng/m2.
"Việc dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát ở một số địa phương vào thời điểm cuối tháng 1/2021 ảnh hưởng lớn đến tâm lý người mua nhà thứ cấp. Đặc biệt, quan sát ở các chung cư đã bàn giao, nhu cầu "mua nhà đón Tết" ghi nhận giảm đáng kể so với những năm trước mặc dù một số chủ nhà đã chủ động giảm nhẹ giá bán", đại diện DKRA chia sẻ.
Trước đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đánh giá: Trong suốt năm 2020, với 70% tổng nguồn cung, phân khúc căn hộ cao cấp đang chiếm tỷ lệ áp đảo trên thị trường thành phố. Đáng quan ngại, chỉ có 1% nguồn cung căn hộ bình dân.
"Đây chỉ là dấu hiệu cho thấy rõ sự "lệch pha" sản phẩm trên thị trường bất động sản, lệch về phân khúc nhà ở cao cấp. Trong lúc rất thiếu sản phẩm nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền, nhà ở thương mại giá thấp, dẫn đến sự phát triển của thị trường bất động sản thiếu tính ổn định, bền vững", Chủ tịch HoREA cho biết.
Ngoài ra, ông Châu nhấn mạnh: Do rất thiếu nguồn cung sản phẩm nhà ở trên thị trường và do các chủ đầu tư dự án muốn "tối đa hóa lợi nhuận", nên đã đẩy giá làm cho giá nhà luôn có xu thế tăng, nhất là trong lúc sức mua trên thị trường sơ cấp vẫn mạnh và tỷ lệ hấp thụ của thị trường rất cao, bình quân lên đến 70-80% qua các đợt mở bán các dự án nhà ở trong năm 2020.
Bất động sản Bình Dương "lấn át" TP.HCM
Cũng theo số liệu từ DKRA, do thị trường TP.HCM ngày càng khan hiếm dự án, nên phân khúc căn hộ, đất nền tại Bình Dương ngày càng nổi bật.
Ngay trong tháng 1/2021, tổng nguồn cung căn hộ tại Bình Dương đã vượt qua TP.HCM, để dẫn đầu thị trường bất động sản phía Nam.
Cụ thể, trong tháng Bình Dương đưa ra thị trường 7 dự án mở bán, cung cấp khoảng 1.893 căn, chiếm 53,8% tổng nguồn cung mới. Đồng Nai chiếm tỷ trọng 23,5%, với 826 căn.
Với phân khúc đất nền, toàn thị trường ghi nhận 4 dự án mới mở bán, cung cấp ra thị trường khoảng 672 nền, gấp 2 lần so với tháng trước. Tỷ lệ tiêu thụ đạt khoảng 75,9%.
Theo DKRA, nguồn cung mới ghi nhận hồi phục mạnh mẽ so với tháng cuối năm 2020, ngoài TP. HCM không ghi nhận nguồn cung mới mở bán, thị trường đất nền các tỉnh còn lại đều có sản phẩm giới thiệu ra thị trường.
Cụ thể, Long An dẫn đầu nguồn cung mới toàn thị trường, với khoảng 58,8% nguồn cung và 61,2% lượng tiêu thụ toàn thị trường.
Bình Dương ghi nhận 1 dự án mở bán ở huyện Bàu Bàng với 179 nền được thị trường đón nhận tích cực, chiếm tỷ lệ 26,6% nguồn cung và 35,1% lượng tiêu thụ toàn thị trường.
Thứ ba là Đồng Nai với chỉ khoảng 8,2% nguồn cung và 1% lượng tiêu thụ toàn thị trường. Cuối cùng là, Bà Rịa -Vũng Tàu chiếm 6,4% nguồn cung và 2,7% lượng tiêu thụ toàn thị trường.