Năm Tân Sửu 2021: Phân khúc nào sẽ "chiếm sóng" hút vốn từ nhà đầu tư?

Việt Vũ

(Dân trí) - Theo giới chuyên gia, đất nền ven đô, nhà ở gắn liền với đất, condotel vẫn là những phân khúc giàu tiềm năng, có nhiều cơ hội tăng trưởng trong năm Tân Sửu 2021.

Bất động sản có tính đột phá là điểm nhấn trong năm Tân Sửu

Năm 2020, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị trường bất động sản Việt Nam. Hầu hết, các chỉ số thị trường như khối lượng giao dịch, nguồn cung, tỷ lệ hấp thụ dự án, dòng vốn FDI,... đều suy giảm nghiêm trọng.

Tuy nhiên, dịch bệnh cũng mang lại một số điểm sáng tích cực. Một trong những điểm sáng được nhiều chuyên gia đánh giá cao nhất, chính là "khẩu vị" mua nhà của người Việt đã thay đổi.

Năm Tân Sửu 2021: Phân khúc nào sẽ chiếm sóng hút vốn từ nhà đầu tư? - 1

Dịch bệnh đã làm thay đổi thói quen, khẩu vị của người mua nhà. Những sản phẩm BĐS xanh, có cảnh quan được đầu tư tiếp tục chiếm lĩnh thị trường trong năm mới. Trong ảnh là KĐT Ecopark. 

Nếu như 10 năm trước, những ngôi nhà có diện tích hẹp, nằm sâu trong các con ngõ nhỏ trong khu dân cư đông đúc thường được ưa chuộng hơn cả thì ở thời điểm hiện tại, người dân, nhất là giới trẻ không còn quá quan trọng vào vị trí, trong trung tâm hay ngoại thành. Thay vào đó, họ lựa chọn mua nhà dựa theo tiêu chí "xanh - sạch - đẹp" nhiều hơn.

TS.KTS Trần Minh Tùng, trưởng bộ môn Kiến trúc dân dụng, khoa Kiến trúc, Đại học Xây dựng cho rằng, Covid-19 đã làm cho cuộc sống con người trở nên chậm lại thay vì nhịp sống hối hả hiện đại như trước. Thời gian thực hiện giãn cách xã hội khiến mỗi người, mỗi gia đình không chỉ chú ý đến ngôi nhà của mình hơn, mà còn quan tâm đến môi trường sống xung quanh ngôi nhà đó.

Đặc biệt, người Việt Nam đã nhận ra nhiều sự thay đổi trong cách ứng xử, thói quen và nhiều hoạt động đời sống thường nhật. Việc bảo vệ bản thân và gia đình trước dịch bệnh khiến cho nhà trở thành một "thành trì" vững chắc không chỉ để con người trú ẩn, mà còn có thể sinh hoạt tiện nghi, thoải mái, chống lại những ảnh hưởng tiêu cực từ thế giới bên ngoài.

Năm Tân Sửu 2021: Phân khúc nào sẽ chiếm sóng hút vốn từ nhà đầu tư? - 2

Không gian sống xanh trong KĐT Ecopark

Chính vì vậy, dòng phân khúc bất động sản xanh, nhà ở xanh, căn hộ xanh, kiến trúc xanh hòa hợp với thiên nhiên theo ông Tùng sẽ là phân khúc "nóng" trong năm 2021.

Ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, trong năm mới Tân Sửu, những sản phẩm nhà ở có tính "lạ", như kiến trúc tối giản, hoặc sống xanh, nhà ở xanh sẽ là sản phẩm chủ lực, giàu tiềm năng của thị trường bất động sản.

"Nếu xét theo phong thủy, năm Tân Sửu có can Tân và chi Sửu. Trong đó, chi Sửu, đứng thứ hai, mang hành Thổ. Đồng thời, chữ Tân đứng hàng thứ tám, mang ý nghĩa của người trưởng thành, chín chắn.

 Như vậy, dưới góc nhìn phong thủy thị trường bất động sản Việt Nam trong năm Tân Sửu sẽ có độ "chín", độ ổn định để tăng trưởng.

Mấy năm gần đây, thị trường bất động sản chưa có nhiều tính đột phá về mặt kiến trúc và cảnh quan đô thị. Hầu hết, các dự án nhà liền kề, chung cư, biệt thự, nhà phố đều có kiến trúc, phong thủy gần giống nhau.

Điều này đã khiến thị trường trở nên nhàm chán, người mua cũng không hài lòng khi bỏ hàng tỷ đồng để sở hữu một ngôi nhà đại trà. Vì vậy theo tôi, những sản phẩm chú trọng về cảnh quan, môi trường sống sẽ được lòng người mua trong năm mới Tân Sửu", ông Doanh nhìn nhận. 

Đất nền và nhà ở gắn liền với đất luôn là sự lựa chọn hàng đầu

Trong khi đó, dưới góc nhìn của thị trường, ông Nguyễn Hoàng, Giám Đốc Bộ Phận Nghiên Cứu và Phát Triển của DKRA cho rằng: Đất nền và nhà ở gắn liền với đất luôn là sự lựa chọn hàng đầu của giới đầu tư.

Theo đánh giá của chuyên gia DKRA, vài năm gần đây, đất nền và nhà ở gắn liền với đất đang ngày càng khan hiếm ở trung tâm các đô thị lớn và đang có xu hướng mở rộng ra các vùng ven. Trong khi đó, lực cầu vẫn còn rất lớn. Như vậy, trong vài năm nữa, dư địa phát triển của phân khúc bất động sản này vẫn ở ngưỡng rất cao.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản (VARs) cho hay: Thị trường bất động sản Việt Nam có yếu tố rất lạ, là "khó giảm, nhưng dễ tăng".

Ngoài yếu tố về cầu vượt cung, giá bất động sản ngày càng tăng cao, còn do nhiều nguyên nhân khác như các khoản thuế phí, giá nhân công, nguyên vật liệu ngày càng đắt đỏ. Hoặc, tâm lý chuộng mua đất của người dân làm sản phẩm tích trữ.

"Cũng không loại trừ khả năng, giá bất động sản tăng cao là do giới đầu cơ, "cò" đất thổi giá, nhằm tăng giá "ảo", gây ra tình trạng bất ổn trên thị trường", ông Đính nói.

Dù vậy, nhận xét một cách khách quan, ông Đính nói: Đất nền, nhất là đất nền dự án, đất nền có đầy đủ pháp lý, sổ đỏ sẽ là tiếp tục là "con gà đẻ trứng vàng" trong năm 2021.

Tồn kho 18.000 condotel, phân khúc này có còn hấp dẫn?

Sau gần 4 năm phát triển mạnh, từ cuối năm 2019 tới nay, các sản phẩm condotel, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng đang rơi vào tình trạng "ngủ đông".

Số liệu từ Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho thấy, năm 2020, cả nước đang tồn kho hơn 30.000 sản phẩm condotel các loại. Trong đó, các sản phẩm biệt thự nghỉ dưỡng, villas, shophouse đang tồn khoảng 13.500 sản phẩm, với condotel là tồn 18.000 sản phẩm.

Dù số lượng tồn kho rất nhiều, song nhiều chuyên gia đánh giá, condotel vẫn còn tiềm năng phát triển trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Văn Đính, cho rằng, theo Quyết định 147 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển du lịch Việt Nam tới năm 2030, dự kiến lượng du khách quốc tế trong vài năm tới sẽ đạt ngưỡng 25 triệu - 30 triệu lượt, tăng 80% so với cuối năm 2019.

Để đáp ứng được số lượng du khách ngày càng tăng, Việt Nam sẽ phải cần ít nhất 300.000 - 400.000 cơ sở lưu trú các loại, bao gồm: khách sạn, condotel, villas, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng;.... Tuy nhiên, hiện nay hạ tầng lưu trú trong nước chỉ đáp ứng được 1/10 số lượng đã đề ra. Đó chính là lý do vì sao, các sản phẩm condotel vẫn còn dư địa phát triển.

Đại diện của Colliers International nhận định, trong năm 2020, Việt Nam đã ký hàng loạt Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định thương mại với Vương Quốc Anh (UKVFTA); Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Các hiệp định này sẽ là nền tảng để thu hút khách du lịch quốc tế, giới chuyên gia nước ngoài trở lại Việt Nam sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát hoàn toàn.

Đơn vị này đánh giá: Thành phố Đà Nẵng sẽ tập trung hoạch định và đưa ra các chính sách phát triển kinh tế du lịch, đảm bảo môi trường trong sạch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và dịch vụ du lịch, thúc đẩy lượng khách trong và ngoài nước. Đây là cơ sở để các nhà đầu tư có thể dựa vào để đầu tư thị trường condotel Đà Nẵng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm