Cách bày bàn ăn "như tranh vẽ" của người Nhật

Mai Nâu

(Dân trí) - Người Nhật không dùng bát đĩa theo bộ như người châu Âu, mà bày biện món ăn kiểu tập hợp đa dạng như một bức tranh trừu tượng trường phái hiện đại.

Trên bàn ăn của người Nhật, các món ăn được sắp xếp theo cách đặc biệt. Từ góc nhìn của thực khách thì cơm được đặt ở phía bên trái, canh đặt ở bên cạnh, phía bên phải và 3 món ăn kèm thì đặt ở phía sau của khay. Cuối cùng, đũa được đặt ở phía trước của khay, gần với thực khách, đầu nhọn hướng về phía bên trái.

Trong một bữa cơm thân mật, đặt ngang đũa trên miệng bát là điều có thể chấp nhận được, nhưng trong không gian trang trọng thì nhất thiết phải có hashioki (gác đũa). Bạn có thể mua các hashioki phù hợp trong bộ đũa, cửa hàng hoặc sáng tạo theo cách của riêng mình. Những viên sỏi nhỏ dẹt, xinh xắn ở sân vườn hoặc vỏ sò ngoài bãi biển đều có thể dùng để làm những chiếc gác đũa độc đáo.

Cách bày bàn ăn như tranh vẽ của người Nhật - 1

Bàn ăn của người Nhật được bày biện một cách đặc biệt. Ảnh: Visoinc

Ẩm thực Nhật Bản washoku không chỉ là một trải nghiệm hấp dẫn về vị giác, mà còn là bữa tiệc thịnh soạn cho đôi mắt! Bộ đồ ăn của Nhật Bản xoay quanh mục tiêu nghệ thuật này với nhiều loại bát, đĩa khác nhau, phục vụ nhiều mục đích khác nhau. Các kiểu dáng từ đơn giản đến công phu, từ chất liệu gỗ đến gốm, mỗi loại đều hòa hợp với thiên nhiên. Ví dụ, sắc xanh thường là màu chàm đậm để tôn vinh biển, một yếu tố quan trọng trong lịch sử văn hóa Nhật Bản.

Phần trình bày đặc biệt quan trọng. Bát đĩa được lựa chọn cẩn thận và tạo ra sự hài hòa giữa các nguyên liệu, bữa ăn và bản thân vật dụng. Người Nhật không dùng bát đĩa theo bộ như người châu Âu, mà bày biện món ăn kiểu tập hợp đa dạng như một bức tranh trừu tượng trường phái hiện đại.

Mùa cũng là một yếu tố được người Nhật chú trọng. Trong nhiều dịp, bộ đồ ăn được lựa chọn để phản ánh thiên nhiên. Ví dụ, đĩa dùng trong mùa đông có thể mang các sắc đỏ khác nhau, tượng trưng cho "nhiệt". Vào mùa hè thì có thể chọn đĩa thủy tinh để bày sashimi, tạo cảm giác tươi mới.

Những món thông dụng nhất trên bàn ăn là bát đựng canh (thường đi kèm nắp đậy), bát đựng đồ hầm (cho các món ninh như cà-ri), bát cơm và đĩa nông để đựng cá hoặc thịt. Khay (obon) và tấm lót bàn ăn - được sử dụng để phục vụ bữa ăn, trình bày món ăn - cũng tạo ra bầu không khí hấp dẫn cho thực khách.

Nếu không muốn rửa nhiều bát đĩa, bạn vẫn có thể áp dụng phong cách Ichiju sansai (một canh, ba món) bằng cách sắp xếp các món khác nhau của bữa ăn trên một đĩa cực lớn.