Xua chó ra cắn người để giải quyết mâu thuẫn, chủ chó sẽ chịu án phạt nào?

Thế Hưng Khả Vân

(Dân trí) - Do bực tức vì bị đánh, một người đàn ông ở Đà Nẵng đã thả 2 con chó giống pitbull và becgie sang nhà "đối thủ" để cắn người này.

Công an quận Sơn Trà hiện đang điều tra xử lý vụ thả chó dữ tấn công người khác. Theo đó, Đ.V.N (36 tuổi, ngụ phường Thọ Quang) và T.A.T (39 tuổi) trong lúc mâu thuẫn, cãi vã đã xảy ra đánh nhau. Do bực tức vì không thể đánh trả, T.Đ.T quay về nhà thả hai con chó (một Pitbull cao khoảng 70 cm, nặng khoảng 40 kg và một con Becgie cao khoảng 60 cm nặng khoảng 30 kg) lùa qua nhà Đ.V.N.

Lúc này, con Pitbull xông vào cắn Đ.V.N xối xả. Thấy vậy, T.A.T dùng cây đinh ba chĩa đâm vào con chó.

Sau đó, T.Đ.T hô hoán cho con Pitbull thôi cắn Đ.V.N rồi dẫn chó của mình về nhà. Vụ việc khiến Đ.V.N bị thương ở mặt, tay và chân.

Xua chó ra cắn người để giải quyết mâu thuẫn, chủ chó sẽ chịu án phạt nào? - 1

Pitbull là giống chó chiến đấu. Vì thế, chúng đặc biệt hung dữ và có ngoại hình lý tưởng cho việc tấn công kẻ địch (Ảnh minh họa).

Bình luận về sự việc, nhiều ý kiến cho rằng cần phải xử lý nghiêm hành vi dùng chó dữ làm phương tiện gây thương tích cho người khác. Với lỗi vô ý khi vật nuôi làm hại người khác đã bị xử phạt hành chính rồi thì hành vi cố ý cần phải nghiêm trị, thậm chí xem xét xử lý hình sự để răn đe.

Hai chú chó có được xem là phương tiện gây án?

Luật sư Nguyễn Thị Xuyến - Đoàn Luật sư TP Hà Nội khẳng định, vật nuôi là nguồn nguy hiểm cao độ, có thể gây ra thiệt hại cho người khác bất kỳ lúc nào (Điều 601 Bộ luật Dân sự năm 2015). Trong trường hợp này chú chó Pitbull cao khoảng 70 cm, nặng khoảng 40 kg và một con Becgie cao khoảng 60 cm nặng khoảng 30 kg được xác định chính là nguồn nguy hiểm cao độ.

Vì vậy khi vật nuôi gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì chủ vật nuôi phải bồi thường thiệt hại, nếu vi phạm về việc quản lý, nuôi nhốt mà gây hậu quả nghiêm trọng thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, theo Điều 7 Nghị định 144/2021 của Chính phủ về vi phạm quy định trật tự công cộng, hành vi thả rông động vật nuôi trong đô thị hoặc nơi công cộng, để vật nuôi xâm lấn lòng đường, vỉa hè, nơi sinh hoạt chung trong khu dân cư, khu đô thị hay vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đến 500.000 đồng. 

Trường hợp người chủ để vật nuôi gây thương tích hoặc gây thiệt hại tài sản cho tổ chức, cá nhân khác thì còn có thể bị phạt từ 1.000.0000- 2.000.000 triệu đồng.

Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 7 Nghị định 90/2017 (sửa đổi bổ sung tại khoản 3 Điều 2 Nghị định 04/2020 của Chính phủ) chủ vật nuôi có thể bị xử phạt 1.000.000-2.000.000 triệu đồng nếu có hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó khi đưa ra nơi công cộng, không tiêm phòng vaccine phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm. 

Theo luật sư Xuyến, ngoài việc xử lý vi phạm hành chính, trong trường hợp vật nuôi thả rông tấn công, lây bệnh hoặc gây tai nạn cho người khác thì chủ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cho nạn nhân. Cụ thể, vật nuôi gây ra thiệt hại về tài sản cho người khác thì chủ phải bồi thường theo quy định tại Điều 589 Bộ luật Dân sự tương đương với giá trị tài sản bị mất, bị hư hỏng và lợi ích gắn liền với việc sử dụng tài sản này.

Trong trường hợp gây tổn hại đến sức khỏe cho người khác thì chủ phải bồi thường các chi phí như cứu chữa, điều trị, tổn thất về tinh thần, thu nhập bị mất... cho nạn nhân theo quy định tại Điều 590 Bộ luật dân sự. Nếu dẫn đến chết người, chủ vật nuôi còn phải bồi thường thêm chi phí mai táng và cấp dưỡng cho bị hại theo khoản 2 Điều 591 Bộ luật Dân sự.

Nói rõ hơn về trường hợp có thể bị xử lý hình sự, luật sư Quách Thành Lực - Công ty luật Pháp trị cho biết nếu vật nuôi gây tổn hại sức khỏe cho người khác mà tỷ lệ tổn thương 31-60% thì người chủ sẽ bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Điều 138 Bộ luật Hình sự; mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 3 năm tù.

Trường hợp vật nuôi làm chết người thì có thể áp dụng Điều 128 Bộ luật Hình sự, xử lý người chủ về tội Vô ý làm chết người; khung hình phạt lên đến 10 năm tù.

Như vậy, pháp luật quy định rất rõ ràng về bồi thường thiệt hại do súc vật, thú dữ gây ra. Kể cả trong trường hợp chủ sở hữu, người chiếm hữu, quản lý chủ nuôi không có lỗi thì vẫn phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp thuộc trường hợp bất khả kháng hoặc lỗi hoàn toàn thuộc về nạn nhân.

Hiện nay ở nhiều quốc gia trên thế giới, một số loài chó dữ bị cấm nuôi hoặc khi nuôi phải đăng ký và quản lý ngặt nghèo. Chó pitbull đã bị cấm ở hơn 20 quốc gia bao gồm Anh, Pháp, Đan Mạch, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, Singapore, New Zealand, Na Uy,... Ngoài ra một số giống chó dữ khác như rockweiler, doberman, ngao Tây Tạng,... nhiều quốc gia cũng đã cấm nuôi nhốt hoặc có những quy định để hạn chế người dân nuôi tự phát những loại chó này bởi tính chất nguy hiểm của chúng.