Vấn đề pháp lý từ vụ bé 8 tuổi bị mô tô nước tông tử vong

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Theo luật sư, có 2 vấn đề cần làm rõ, đó là tài xế đã tuân thủ các quy tắc an toàn khi lái mô tô nước chưa và nguyên nhân gây mất lái có phải sự kiện bất khả kháng hay không.

Như Dân trí thông tin, sáng 1/5, mô tô nước do ông L. (37 tuổi, ở TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) di chuyển trên biển thuộc khu vực Hòn Khô, xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) thì bất ngờ mất lái, lao vọt lên bờ, gây tai nạn khiến 1 người tử vong và 3 người khác bị thương. Trong đó, người tử vong là cháu K. (8 tuổi), người bị thương nặng là cháu N. (14 tuổi, cùng ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). 

Với diễn biến sự việc như trên, người điều khiển mô tô nước có thể phải chịu trách nhiệm ra sao trước pháp luật là thắc mắc của nhiều độc giả Dân trí. 

Vấn đề pháp lý từ vụ bé 8 tuổi bị mô tô nước tông tử vong - 1

Khu vực bãi biển xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định (Ảnh: Doãn Công).

Luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình, Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết theo khoản 7, Điều 3 Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004, phương tiện thủy nội địa bao gồm tàu, thuyền và các cấu trúc nổi khác, có động cơ hoặc không có động cơ, chuyên hoạt động trên đường thủy nội địa.

Còn theo khoản 4 Điều này, đường thủy nội địa là luồng, âu tàu, các công trình đưa phương tiện qua đập, thác trên sông, kênh, rạch hoặc luồng trên hồ, đầm, phá, vụng, vịnh, ven bờ biển, ra đảo, nối các đảo thuộc nội thủy Việt Nam được tổ chức quản lý, khai thác giao thông vận tải.

Như vậy, mô tô nước có thể được xếp vào nhóm phương tiện thủy nội địa. Việc điều khiển mô tô nước ven bờ biển được xác định là hoạt động tham gia giao thông đường thủy nội địa và phải tuân thủ các nguyên tắc an toàn theo quy định của pháp luật. 

Về hoạt động, theo Nghị định 48/2019/NĐ-CP của Chính phủ, người điều khiển mô tô nước khi phục vụ hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước phải tuân thủ các quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa, pháp luật về hàng hải và các quy định tại Nghị định này. Theo đó, mô tô nước phải đăng kiểm tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, được địa phương quản lý khi đưa vào hoạt động và chỉ được chạy trong vùng nước có đăng ký hoạt động vui chơi, giải trí được cấp phép.

Về nguyên tắc, việc tổ chức hoạt động vui chơi, giải trí bằng mô tô nước phải bảo đảm trật tự, an toàn, an ninh, bảo vệ môi trường và hiệu quả; góp phần phát triển du lịch, phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với người điều khiển, người điều khiển mô tô nước phải từ đủ 15 tuổi trở lên, đảm bảo sức khỏe, phải mặc áo phao khi hoạt động và phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện điều khiển phương tiện. Việc điều khiển phương tiện phải thực hiện trong khu vực được cấp phép, tuân thủ tốc độ, bảo đảm quan sát và an toàn cho những người xung quanh. 

Đối với trường hợp trên, theo thông tin hiện có, nguyên nhân vụ tai nạn bước đầu được xác định do mô tô nước bị mất lái. Quá trình xác minh, cơ quan điều tra sẽ tập trung làm rõ 2 vấn đề, đó là tài xế đã tuân thủ các quy tắc an toàn khi điều khiển phương tiện hay chưa (VD: phương tiện đảm bảo quy chuẩn an toàn, tài xế có đầy đủ giấy chứng nhận điều khiển phương tiện theo quy định, điều khiển phương tiện trong khu vực được cấp phép, đảm bảo chú ý quan sát, tốc độ, an toàn trong khu vực...) và việc phương tiện mất lái có phải sự kiện bất khả kháng hay không. 

Nếu kết quả xác minh cho thấy việc vận hành mô tô nước được thực hiện đúng quy trình, đảm bảo các quy tắc an toàn và việc phương tiện mất lái là sự kiện bất khả kháng, nằm ngoài kiểm soát của tài xế, trách nhiệm hình sự có thể được miễn trừ. 

Ngược lại, nếu quá trình xác minh cho thấy có dấu hiệu yếu tố lỗi như điều khiển phương tiện tại khu vực không được cấp phép, thiếu quan sát, không đảm bảo tốc độ hay không có giấy chứng nhận điều khiển phương tiện theo quy định... cơ quan điều tra có thể xem xét khởi tố vụ án hình sự Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy theo Điều 272 Bộ luật Hình sự 2015 để điều tra theo quy định. 

Đối với tội danh này, với hậu quả làm chết người, người vi phạm có thể đối diện khung hình phạt là phạt tiền 30-100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 1-5 năm. 

Trong trường hợp người vi phạm thuộc các tình tiết như không có bằng, giấy chứng nhận khả năng chuyên môn hoặc chứng chỉ chuyên môn phù hợp với chức danh, loại phương tiện theo quy định; trong tình trạng có sử dụng rượu, bia, ma túy, chất kích thích khác hay gây thương tích cho 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% trở lên thì khung hình phạt có thể áp dụng là 3-10 năm tù.