Hủy quyết định không khởi tố, xử lý lái xe cán bé gái ở Vĩnh Long ra sao?
(Dân trí) - Theo luật sư, việc VKS hủy bỏ quyết định của cơ quan điều tra là đúng thẩm quyền. Quá trình giải quyết tiếp theo, nếu bị xác định vi phạm, tài xế có thể bị xử lý theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015.
Liên quan tới vụ việc tài xế xe tải cán tử vong bé gái tại Vĩnh Long, VKSND tỉnh Vĩnh Long đã ra quyết định hủy bỏ quyết định không khởi tố hình sự của Công an huyện Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long) đối với vụ tai nạn giao thông xảy ra ngày 4/9/2024 khiến nữ sinh N.N.B.T. (14 tuổi, ở huyện Trà Ôn) tử vong.
Theo cơ quan công tố, Nguyễn Văn Bảo Trung (33 tuổi, tài xế xe tải) đã vi phạm quy định tại khoản 5, Điều 14 Luật Giao thông đường bộ 2008 khi vượt xe không đảm bảo an toàn, phía trước có chướng ngại vật, có xe ngược chiều, có dấu hiệu phạm tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
Bởi vậy, VKSND tỉnh Vĩnh Long quyết định hủy quyết định không khởi tố vụ án hình sự và yêu cầu Công an tỉnh Vĩnh Long thực hiện quyết định này theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Với việc quyết định không khởi tố vụ án hình sự bị hủy bỏ, số phận tài xế xe tải sẽ ra sao?

Hiện trường vụ tai nạn khiến nữ sinh T. tử vong (Ảnh: LS).
Vì sao viện kiểm sát được hủy quyết định không khởi tố của công an?
Bình luận dưới góc độ pháp lý, luật sư Trần Hoàng Linh (Công ty Luật Bizlawyer & Partners, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết theo quy định tại khoản 6 Điều 159 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, tại giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, Viện kiểm sát (VKS) có quyền hủy bỏ các quyết định sau nếu xét thấy có dấu hiệu trái pháp luật của cơ quan điều tra: Quyết định tạm giữ; Quyết định khởi tố vụ án hình sự; Quyết định không khởi tố vụ án hình sự; Quyết định tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm và các quyết định tố tụng khác trái pháp luật.
Còn theo điểm b, khoản 1 Điều 161 Bộ luật này, khi thực hành quyền công tố trong việc khởi tố vụ án hình sự, VKS có quyền hủy bỏ quyết định khởi tố; quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự và quyết định không khởi tố vụ án hình sự không có căn cứ, trái pháp luật.
Đối với vụ tai nạn nêu trên, VKSND tỉnh Vĩnh Long đánh giá tài xế đã vi phạm quy định tại Luật Giao thông đường bộ 2008 dẫn tới hậu quả chết người, việc Công an huyện Trà Ôn ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự là trái pháp luật. Bởi vậy, VKS có quyền hủy quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Công an huyện Trà Ôn, đồng thời yêu cầu Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Vĩnh Long thực hiện quyết định này theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Về phía cơ quan điều tra, theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP của liên ngành tư pháp, đối với quyết định tại điểm b khoản 1 Điều 161 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, nếu không nhất trí, cơ quan điều tra vẫn phải thực hiện.
Tuy nhiên, cơ quan điều tra có quyền kiến nghị với VKS cấp trên để trực tiếp xem xét giải quyết. Nếu nhất trí với kiến nghị của Cơ quan điều tra thì VKS cấp trên có quyền hủy bỏ quyết định của VKS cấp dưới. Nếu không nhất trí thì thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do cho Cơ quan điều tra đã kiến nghị và VKS cấp dưới.

Bản ảnh ghi lại hiện trường vụ tai nạn (Ảnh: L.S).
Số phận tài xế sẽ ra sao?
Đối với trách nhiệm của tài xế Nguyễn Văn Bảo Trung, với việc cơ quan công tố đã hủy quyết định không khởi tố vụ án hình sự của cơ quan điều tra, vụ tai nạn sẽ được xác minh, điều tra lại theo quy định của pháp luật. Trong đó, trách nhiệm của tài xế này sẽ cần được đặc biệt tập trung làm rõ.
Nếu kết quả điều tra cho thấy tài xế đã vi phạm quy định về điều khiển phương tiện theo Luật Giao thông đường bộ 2008 dẫn tới hậu quả chết người, người này có thể bị khởi tố về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015.
Theo Điều này, mức phạt cơ bản đối với tội danh này trong trường hợp làm chết 1 người là phạt tiền 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 1-5 năm.
Về trách nhiệm dân sự, người vi phạm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm cho gia đình nạn nhân theo Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015. Mức bồi thường sẽ được dựa trên các khoản thiệt hại, bao gồm: Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm; Chi phí hợp lý cho việc mai táng; Tiền cấp dưỡng cho người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng (nếu có) và Thiệt hại khác.
Ngoài ra, người vi phạm còn phải bồi thường tổn thất về tinh thần cho gia đình nạn nhân. Mức bồi thường do các bên thỏa thuận, trong trường hợp không thỏa thuận được thì mức bồi thường cao nhất được xác định là 100 lần mức lương cơ sở hiện nay, tương đương 234 triệu đồng.

Từ vụ nổ súng ngày 28/4, chân tướng vụ tai nạn xảy ra từ hơn 5 tháng trước mới được sáng tỏ (Ảnh cắt từ clip).
Vụ án Giết người sẽ được giải quyết như thế nào?
Ngoài vụ việc có dấu hiệu Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, một nội dung khác cũng được nhiều người quan tâm là việc vụ án Giết người liên quan tới hành vi nổ súng của ông Nguyễn Vĩnh Phúc (42 tuổi, cha nữ sinh T.) đối với Nguyễn Văn Bảo Trung sẽ được giải quyết ra sao.
Giải đáp vấn đề này, luật sư Dương Đức Thắng (Giám đốc Công ty Luật Đức Trí Tín, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết theo Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, một trong những căn cứ để không khởi tố vụ án hình sự là trường hợp người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác.
Trong trường hợp đã khởi tố vụ án hình sự, nếu có một trong các căn cứ quy định tại Điều 157 Bộ luật này, cơ quan điều tra có quyền hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự hoặc đình chỉ điều tra vụ án hình sự.
"Đối với sự việc trên, Công an tỉnh Vĩnh Long đã khởi tố vụ án hình sự Giết người để điều tra. Quá trình xác minh, nếu công an xác định ông Phúc là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nhưng đã chết và vụ án không có đồng phạm khác, cơ quan điều tra sẽ đình chỉ giải quyết vụ án hình sự.
Trường hợp vụ án có đồng phạm hoặc có dấu hiệu của tội phạm khác (VD: Tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí...), cơ quan điều tra sẽ đình chỉ giải quyết một phần vụ án với phần của ông Phúc, tiếp tục điều tra những nội dung còn lại có dấu hiệu của hành vi phạm tội.
Đối với việc hủy quyết định khởi tố vụ án hình sự, biện pháp này chỉ áp dụng nếu sau khi khởi tố vụ án, quá trình điều tra xác định không có dấu hiệu của hành vi phạm tội", luật sư Thắng phân tích.