Xin nhập hàng chục toa tàu 40 tuổi: Hiện đại hóa hay cổ vật hóa?!

Khả Vân

(Dân trí) - Bạn đọc băn khoăn, toa tàu của Nhật thiết kế tối ưu cho đường ray của họ, giờ sửa lại cho khớp với đường ray của mình liệu có ổn? Có khó khăn đến mức phải nhập hàng đã qua 40 năm sử dụng rồi không?

Việc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam kiến nghị Chính phủ cho phép nhập 37 toa xe cũ sản xuất giai đoạn 1979-1982, được Nhật Bản chuyển giao miễn phí vừa được Dân trí đăng tải đã tạo một cuộc tranh luận sôi nổi từ phía bạn đọc với hai quan điểm trái chiều nhau...

Xin nhập hàng chục toa tàu 40 tuổi: Hiện đại hóa hay cổ vật hóa?! - 1

Có ý kiến cho rằng nên đánh giá khả năng, chi phí cải tạo lại một cách nghiêm túc trước khi nhập các toa tàu cũ (Ảnh: Đỗ Linh).

Hàng Nhật cũ nhưng vẫn tốt?

Đại đa số quan điểm ủng hộ việc nhập các toa tàu cũ đều cho rằng tuy cũ nhưng đồ Nhật bền và an toàn.

"Hàng cơ khí Nhật thì rất tốt, tôi ủng hộ dự án này, tuy nhiên nên đánh giá khả năng, chi phí cải tạo lại một cách nghiêm túc trước khi nhập, rồi nhập thử nghiệm 2 đến 5 cái trước, nếu thấy tốt hiệu quả thì nhập tiếp theo. Không nên nhập 1 lúc nhiều như vậy, tránh rủi ro nếu không hiệu quả", bạn đọc Duy Minh nêu quan điểm.

"Người Nhật họ xài đồ rất kỹ, luôn bóng đẹp như mới dù tàu chạy được 40 năm, mặt khác thiết kế đồ nội địa có chất lượng cao hơn đồ xuất khẩu, họ dùng vẫn tốt thì Việt Nam dùng sẽ tốt thôi. Vận tốc 90 km/h có tàu nào ở Việt Nam bây giờ đạt được đâu? tiêu chuẩn an toàn của họ cực cao, tàu chạy không chậm 1 giây.
Còn chuyện đóng mới rất lãng phí vì sớm muộn gì cũng phải thay bằng tàu cao tốc, đến lúc đó tàu mới đóng hôm nay cũng phải vứt bỏ", bạn đọc Hải Anh phân tích.

Đồng quan điểm, bạn đọc Tuấn Vũ cho rằng: "Tôi nghĩ là nên cho nhập trong giai đoạn đường sắt Việt nam chờ nâng cấp khổ đường 1,45m, vì nếu giai đoạn này mà mua toa xe mới cho khổ đường 1,067m là tốn kém, lãng phí. Bên cạnh đó, hàng của Nhật tuy có niên đại cũng lâu rồi nhưng chạy rất ổn nhé. Tôi ở Nhật và thường xuyên đi lại trên những đoàn tàu này, nói chung về Việt Nam còn sử dụng chán, hy vọng hợp đồng chuyển giao thành công".

"Đồ Nhật rất bền và an toàn, đặc biệt là các thiết bị giao thông. Họ không dùng tới nữa là vì Nhật đang phát triển và ứng dụng hệ thống tàu siêu tốc Shimkansen 300-400km/2. Còn hệ thống tàu cũ này gần 100km/2 thì lỗi thời rồi, nhưng so với VN thì vẫn quá tốt để sử dụng lâu dài. Hàng miễn phí và chất lượng tốt thì nên nhập", bạn đọc Thu Hương.

So sánh giữa việc mua mới và nhập cũ, một ý kiến phân tích: "Giả sử nếu mua dùng trong 20 năm thì toa mới trị giá 100 tỷ yên, chi phí bảo trì 1 tỷ yên mỗi năm thì mỗi năm sẽ mất 100/20+1=6 tỷ yên. Còn mua toa cũ 20 tỷ yên, bảo trì 3 tỷ yên mỗi năm trong 20 năm thì mỗi năm tốn 20/20+3=4 tỷ, chênh lệch khoảng 2 tỷ mỗi năm có thể mang đầu tư thu hút vốn nước ngoài. Điều quan trọng ở đây là mua tàu mới có làm tăng mức sống và thu nhập cho người dân không?".

Lý giải nguyên nhân không thể mua mới, bạn đọc Hữu Khoa cho biết: "Không thể mua mới, vì hầu hết các toa tàu thế hệ mới đều dùng khổ ray 1,4m trở lên, trong khi đường sắt Việt Nam vẫn sử dụng khổ đường ray 1m, nên chỉ có thể nhập toa tàu cũ của các nước. Hiện chỉ có đoạn Hà Nội-Đồng Đăng và Yên Viên-Cái Lân là có khổ đường sắt 1,435 m".

Xin nhập hàng chục toa tàu 40 tuổi: Hiện đại hóa hay cổ vật hóa?! - 2

Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Bộ GTVT đưa phương án xây dựng đường sắt Bắc Nam tốc độ cao, tốc độ 200km/giờ vào nghiên cứu tiền khả thi (Ảnh minh họa).

"Đường sắt Việt Nam đã quá lạc hậu, giờ nhập tàu cũ, biết bao giờ mới thay đổi?"

Bạn đọc Tuấn Thanh viết: "Tôi đã từng làm việc trong nhà máy sản xuất toa xe của Nhật tại khu liên hợp Jtech ở Kanazawa Bunko thành phố Yokohama. Những tiêu chuẩn khắt khe quy trình nghiêm ngặt đã làm cho cái toa xe nó bền vậy. Nhưng cải tạo từ khổ ray Nhật sang ray ta thì đừng làm. Từ khổ tiêu chuẩn về khổ 1,067 là cách nhau hơn gang tay đấy bà con ạ. Nên triển khai đường sắt mới song song với đường cũ để chạy tàu cao tốc. Biết là nước mình còn khó khăn nhưng có đến mức phải nhập hàng đã qua 40 năm sử dụng rồi không? Đường sắt Việt Nam đã quá lạc hậu rồi giờ mà thêm tàu cũ nữa thì biết bao giờ mới thay đổi được?".

"Người ta thiết kế tối ưu cho đường ray của họ, giờ sửa lại cho khớp với đường ray của mình liệu có ổn? tốc độ còn bao nhiêu thì an toàn? Tôi cũng không phủ nhận toa xe cũ của Nhật có thể dùng rất tốt, nhưng nó cũng 40 năm rồi. Ngành đường sắt nên nghĩ mới làm mới mình đi, nước mình điều kiện địa hình quá hợp lý để có 1 tuyến đường sắt Bắc Nam cao tốc. Tốc độ 200-300km/h thôi là quá tuyệt vời và chi phí đầu tư không quá lớn, kết nối xuyên đất nước chắc chắn hút khách. Mong các tập đoàn lớn nhảy vào lĩnh vực này".

"Luật đã có quy định rõ ràng là tất cả các máy móc thiết bị nhập vào Việt Nam là phải mới ít nhất là 70% để tránh trường hợp nhập rác thải của thế giới. Mình nhớ là bên Nhật muốn thanh lý đồ cũ phải tốn phí, đối với nước người ta là đồ bỏ đi xử lý phải trả tiền thì mình lại lấy về xài. Đồ đã 40 năm thì dù có tốt cách mấy cũng phải hao mòn theo thời gian, rồi sẽ phát sinh vấn đề nguy cơ hư hỏng gây mất an toàn ảnh hưởng đến con người. Luật ta đặt ra cho máy móc không quá 10 năm có cái lý của nó là dự trù trước những nguy cơ có thể xảy ra do máy móc quá cũ", bạn đọc Tuấn Kiệt lo ngại về tính an toàn.

Cần những nghiên cứu thật kỹ lưỡng về tính khả thi, sự an toàn và tính toán chi tiết về tài chính khi nhập đồ cũ, là quan điểm của nhiều bạn đọc:

"Chưa biết chất lượng là như thế nào nhưng chi phí nhập rồi bảo dưỡng, thay thế linh kiện nữa là bao nhiêu, nhất là khi tuổi đời của những máy này đã 40 năm Đây là vấn đề rất quan trọng, đề nghị các cơ quan có liên quan cần điều tra kỹ lưỡng tính khả thi, đồng thời tài chính của ta không thiếu thế tại sao phải nhập đồ cũ? Nên dùng số tiền đó đóng mới được bao nhiêu thì dùng bấy nhiêu và nên tập trung vào phát triển tàu cao tốc Bắc - Nam".

Bạn đọc Tuấn Anh: "Theo tôi, ngành đường sắt nên nghiên cứu chuyển đổi khổ đường sắt từ 1m lên 1.425m để nâng cao tốc độ chạy tàu và tiết kiệm thời gian, chi phí và mở rộng được khoang tàu nhằm tăng được số lượng hành khách và chất lượng phục vụ thay vì tiếp tục dùng những thứ "phế phẩm, đã loại biên" của thế giới. Trước hết nâng cấp áp dụng cho từng chặng. Ví dụ Hà Nội - Hải Phòng hay Hà Nội - Lào Cai. Tuy kinh phí ban đầu lớn nhưng hiệu quả lâu dài và bền vững. Bên cạnh đó, nên bỏ phương án đường sắt tốc độ cao đi bởi đắt và xa vời quá. Đi tàu khổ 1.4 tốc độ 90-100km là ổn rồi".

Cũng có những bạn đọc ví việc nhập khẩu các toa tàu cũ này giống như nhập... sắt vụn, từ đó nhìn nhận cách làm này là đi ngược xu thế. "Chúng ta đang hiện đại hóa hay cổ vật hóa?", bạn đọc có nick To Duc Hoi nêu câu hỏi.

Trước thực trạng của ngành đường sắt, một bạn đọc cũng cho rằng nên tư nhân hóa ngành đường sắt: "Theo tôi nên để tư nhân hóa lĩnh vực này. Đi tàu hiện nay không đúng giờ, vệ sinh kém, phương tiện cũ kỹ bao lâu không thay đổi. Việc áp dụng công nghệ vào vận hành, khai thác tàu cũng chỉ làm cho có. Mặc dù tôi thấy đường sắt cũng có lợi thế riêng so với đường không và đường bộ nhưng ngành lại không tận dụng được".

Quan điểm của bạn về vấn đề này thế nào? Hãy gửi vào khung bình luận bên dưới nhé!