"Hung thần" xe tải “hết đát” đổ đất trái pháp luật, chủ tịch xã tạm giữ, xử phạt có đúng luật?

(Dân trí) - Một chiếc xe tải không có giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hợp pháp, quá hạn đăng kiểm, chở đất không rõ nguồn gốc để đổ san lấp lên đất nông nghiệp trái pháp luật bị Chủ tịch UBND cấp xã phát hiện “nóng”, quyết liệt lập biên bản xử phạt hành chính và ra quyết định tạm giữ phương tiện có đúng pháp luật?

Anh Đào Quyết Thắng, bạn đọc Dân trí đặt câu hỏi: “Trường hợp tôi là Chủ tịch UBND cấp xã. Thực hiện việc kiểm tra trên địa bàn, tôi phát hiện một chiếc xe tải không có giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hợp pháp, quá hạn đăng kiểm, chở đất không rõ nguồn gốc để đổ san lấp lên đất nông nghiệp trái pháp luật.

Tôi đã tiến hành mời lực lượng Công an kinh tế và Cảnh sát giao thông cấp huyện cùng Đội quản lý trật tự, môi trường cấp huyện đến hiện trường để tiến hành lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính mức 3,5 triệu đồng, yêu câu khắc phục hậu quả hoàn trả hiện trạng. Do chiếc xe không có giấy giấy chờ chứng minh quyền sở hữu hợp pháp, tôi đã ra quyết định tạm giữ chiếc xe tang vật để đảm bảo việc thực hiện quyết định xử phạt. Lực lượng CSGT đã giúp đỡ chúng tôi áp tải chiếc xe về trụ sở uỷ ban xã.


Chiếc xe tải quá hạn đăng kiểm, không chứng minh được quyền sở hữu hợp pháp, chở đất lậu đi san lấp trái pháp luật. (Ảnh minh hoạ)

Chiếc xe tải quá hạn đăng kiểm, không chứng minh được quyền sở hữu hợp pháp, chở đất lậu đi san lấp trái pháp luật. (Ảnh minh hoạ)

Do việc chây ỳ hoàn trả hiện trạng, tôi tiếp tục ra 3 quyết định gia hạn tạm giữ tang vật. Khi việc thực hiện xử phạt đã xong, lái chiếc xe tải này không nhận lại phương tiện mà khiếu nại tôi tạm giữ phương tiện không đúng thẩm quyền. Vậy quy trình xử lý của tôi với cương vị Chủ tịch UBND xã có đúng với các quy định pháp luật?

Luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư TP Hà Nội): “Tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính là một biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 3 điều 119 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012.


Luật sư Quách Thành Lực khẳng định việc xử phạt, tạm giữ tang vật của vị chủ tịch xã là hoàn toàn đúng các quy định của pháp luật.

Luật sư Quách Thành Lực khẳng định việc xử phạt, tạm giữ tang vật của vị chủ tịch xã là hoàn toàn đúng các quy định của pháp luật.

Việc tạm giữ phương tiện với ý nghĩa trên có thể được áp dụng trực tiếp với người chủ sở hữu phương tiện vi phạm hành chính hoặc người liên quan đến hành vi vi phạm hành chính với mục đích ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính tiếp diễn và bảo đảm xử lý phạm hành chính thuộc điểm b khoản 1 điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012: “b) Để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội”.

Trường hợp phương tiện thực hiện hành vi vi phạm hành chính không có giấy tờ đủ giá trị pháp lý chứng minh quyền sở hữu, phương tiện không đủ điều kiện lưu hành thì người có thẩm quyền có thể xác định đây là trường hợp thuộc khoản 6 điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012: “6. Trong trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt có quyền tạm giữ một trong các loại giấy tờ theo thứ tự: giấy phép lái xe hoặc giấy phép lưu hành phương tiện hoặc giấy tờ cần thiết khác có liên quan đến tang vật, phương tiện cho đến khi cá nhân, tổ chức đó chấp hành xong quyết định xử phạt. Nếu cá nhân, tổ chức vi phạm không có giấy tờ nói trên, thì người có thẩm quyền xử phạt có thể tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, trừ trường hợp quy định tại khoản 10 Điều này”.

Như vậy việc ra quyết định xử phạt, tạm giữ phương tiện là chiếc xe tải chở đất quá hạn đăng kiểm, không có giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đang đổ đất trái pháp luật của Chủ tịch UBND cấp xã là hoàn toàn đúng các quy định của pháp luật.

Về việc chủ tịch xã có quyền tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính có giá trị lớn hơn 5 triệu đồng hay không?

Khoản 3 điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định: “Người có thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính quy định tại Chương II Phần thứ hai của Luật này thì có thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.”

Điểm C, khoản 1 điều 38 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã có quyền: “Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức xử phạt tiền được quy định tại điểm b khoản này;”

Quy định trên cho thấy quyền tịch thu tài sản của người có thẩm quyền phụ thuộc vào thẩm quyền người xử phạt theo giá trị tài sản.

Như vậy, không có điều luật khẳng định thẩm quyền tạm giữ phương tiện phải căn cứ theo giá trị tài sản. Trường hợp này, Chủ tịch UBND xã đã thực hiện đúng quy định của pháp luật”.

Luật sư Vi Văn Diện, Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiên Minh (Đoàn luật sư TP Hà Nội): “Trước hết về quyền xử phạt hành chính và tạm giữ phương tiện của Chủ tịch xã trong trường hợp trên là hoàn toàn đúng quy định pháp luật, tôi đồng tình với quan điểm của luật sư đồng nghiệp. Tuy nhiên, trong trường hợp này, Công an cấp huyện còn phải vào cuộc phối hợp với các cơ quan liên quan xác minh làm rõ tính pháp lý của chiếc xe tải. Nếu đây là chiếc xe bất hợp pháp, hoặc là tang vật của của một vụ án khác cần phải tách vụ việc ra để xử lý trong một vụ án khác.


Luật sư Vi Văn Diện: Công an kinh tế, CSGT cấp huyện cần phải cùng vào cuộc xác minh, xử lý chiếc xe sai phạm. Đồng thời các cơ quan truyền thông, báo chí có thể vào cuộc điều tra thông tin về tình trạng khai thác đất tặc, xe quá khổ quá tải, dấu hiệu bao che, bảo kê của các cơ quan chức năng tại địa phương này.

Luật sư Vi Văn Diện: Công an kinh tế, CSGT cấp huyện cần phải cùng vào cuộc xác minh, xử lý chiếc xe sai phạm. Đồng thời các cơ quan truyền thông, báo chí có thể vào cuộc điều tra thông tin về tình trạng khai thác đất tặc, xe quá khổ quá tải, dấu hiệu bao che, bảo kê của các cơ quan chức năng tại địa phương này.

Thứ hai, CSGT cần phải lập biên bản xử lý sai phạm do chiếc xe đã hết đát, không còn đăng kiểm vẫn lưu thông chở đất. Đây là hành vi vi phạm luật ATGT nghiêm trọng, bất chấp pháp luật.

Thứ ba, Công an kinh tế cấp huyện cần điều tra làm rõ ngay nguồn gốc số đất được chở trên chiếc xe tải trên. Không loại trừ đây là đất bất hợp pháp từ các mỏ đất trái phép, không phép được khai thác “tặc” trên địa bàn. Từ đó, cơ quan công an phải có hình thức xử lý cụ thể.

Đồng thời các cơ quan truyền thông, báo chí có thể vào cuộc điều tra thông tin về tình trạng khai thác đất tặc, xe quá khổ quá tải, dấu hiệu bao che, bảo kê của các cơ quan chức năng tại địa phương này”.

Luật sư Lê Ngọc Hoàng, Trường Văn phòng luật sư Long Tâm (Đoàn luật sư TP Hà Nội): “Những ý kiến của các luật sư đồng nghiệp tôi hoàn toàn đồng tình. Theo tôi, trong trường hợp này, lái xe không có quyền khiếu nại bởi lái xe không chứng minh được quyền sở hữu hợp pháp với chiếc xe trong thời gian bị xử phạt, tạm giữ. Giải quyết khiếu nại của lái xe có thể qua 2 lần giải quyết khiếu nại theo quy định pháp luật của cấp huyện và bản án của toà. Khi đó, nếu chiếc xe vẫn không được nhận, Chủ tịch xã cần có văn bản báo cáo đề nghị cấp huyện tịch thu tang vật.


Luật sư Lê Ngọc Hoàng: Pháp chế xã hội chủ nghĩa không cho phép một phán quyết trà đạp pháp luật, đi ngược lại lợi ích của nhân dân để bảo vệ cho những hành vi sai phạm, bảo kê.

Luật sư Lê Ngọc Hoàng: Pháp chế xã hội chủ nghĩa không cho phép một phán quyết trà đạp pháp luật, đi ngược lại lợi ích của nhân dân để bảo vệ cho những hành vi sai phạm, bảo kê.

Với trường hợp cụ thể này, nếu như có một phán quyết nào đó buộc chủ tịch xã xin lỗi, bồi thường thì điều đó được hiểu nôm na là: Chính quyền quyết liệt ngặn chặn sai phạm, bảo vệ lợi ích nhân dân phải đi xin lỗi, bồi thường một đối tượng không chứng minh được quyền sở hữu hợp pháp, lái chiếc xe tải hết hạn đăng kiểm, chở đất “lậu” san lấp trái pháp luật trên đất lúa.

Và như vậy đó là một phán quyết trà đạp pháp luật, vô cùng hài hước”.

Anh Thế (thực hiện).