Vụ “xây dựng hàng rào, phường bắt xin phép”: Đau đầu vì đất biết “thụt lùi”!
(Dân trí) - Trao đổi với Dân trí xung quanh vụ “Dân xây hàng rào, phường bắt xin phép, phòng Quản lý đô thị bảo không!”, ông Lê Thái Minh Tâm - Chủ tịch UBND phường 1 từng cho rằng, vấn đề xuất phát từ việc tranh chấp đất. Vậy tranh chấp đất mà ông Chủ tịch phường nói là như thế nào, PV Dân trí đã vào cuộc tìm hiểu và hé lộ những tình tiết bất thường.
Đất biết… “thụt lùi”
Theo hồ sơ ông Giang Văn Trọng (ngụ TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) cung cấp, vào tháng 4/2005, ông có sang phần đất tọa lạc tại phường 1 (TP Cà Mau) thuộc các thửa 035 (tờ bản đồ số 04, diện tích 116 m2), thửa 031 (tờ bản đồ số 04, diện tích 599 m2), thửa 018 (tờ bản đồ số 03, diện tích 2.115 m2), các thửa đất này đã được UBND TP Cà Mau cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng ngày 26/5/2013.
Sau khi sang nhượng, ông Trọng làm thủ tục xin cấp chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) và lập chứng chỉ quy hoạch. Ban đầu, dãy nhà phía trước giáp ranh phần đất của ông Trọng là 24 m (tính từ mé lộ cũ vào), riêng của ông La Văn Thành 18 m. Tuy nhiên, về sau này, không hiểu vì nguyên nhân nào mà đất của các hộ dân phía trước ngày càng được “thụt lùi” về phía sau, lấn vào vị trí đất nên mới xảy ra tranh chấp.
Trong hợp đồng chuyển nhượng các phần đất nói trên thể hiện, diện tích thực tế sang nhượng nhiều hơn diện tích trong sổ đỏ và hợp đồng này có sự chứng kiến của chính ông Lê Thái Minh Tâm (khi đó ông Tâm là cán bộ địa chính). Tuy nhiên, thực tế hiện nay thì phần đất nói trên bị thiếu hơn 7 m.
Điều bất thường nữa là, theo bảng vẽ mặt bằng hiện trạng năm 2005, phần hậu đất các hộ phía trước tại khu đất nói trên là ngang nhau; hiện trạng năm 2012, đất một số hộ dân phía trước có dấu hiệu “thụt lùi”, lấn lên hiện trạng ban đầu của ông Trọng. Và đến năm 2016 thì đất của các hộ phía trước lại được “thụt lùi” một cách khá sâu về phía đất ông Trọng. Trong số đó, đất ông Phương Hán Hưng và ông Phạm Thế Tài là được “thụt lùi” nhiều nhất.
Trao đổi với PV xung quanh các vấn đề trên, Chủ tịch UBND phường 1 Lê Thái Minh Tâm không giải thích gì về hiện trạng đất “thụt lùi”. Ông Tâm cho rằng, phường chỉ có chức năng hòa giải, việc giải quyết là ngoài chức năng của địa phương. Tuy nhiên, ông Tâm cho biết, vị trí đất tính từ tim lộ (đường Lý Văn Lâm) có lúc là 9 m, có lúc 13 m.
Ở vấn đề này, ông Giang Văn Trọng cho rằng: “Nếu mở rộng tim lộ từ 9 m thành 13 m thì đúng ra phần đất của các hộ phía trước phải mất 3,5 m và Nhà nước phải có trách nhiệm bồi thường cho các hộ dân. Còn nếu tính ngược lại thì đất của các hộ dân phải “lồi” ra phía trước chứ không thể “thụt lùi” về phía sau được. Đó là còn chưa nói đến việc ông Huỳnh Ngọc Huấn (chủ đất cũ) xác nhận khi ông bán đất có các hộ nói trên thì vị trí được tính từ mé lộ cũ, tức không trừ từ tim lộ theo như quy hoạch”.
Viết đơn… phải đúng hướng dẫn?
Vấn đề mà ông Giang Văn Trọng bức xúc nữa là, đối với phần đất của ông La Văn Thành, dù hiện trạng khu đất có thay đổi, nhưng cơ bản đất ông Thành từ trước đến nay vẫn thể hiện 18 m chiều sâu, nhưng ông Thành đã cho xây dựng nhà đến hơn 21 m; đồng thời ngang nhiên đập phá hàng rào bao ví đất của ông Trọng mà phía gia đình ông Trọng không hề hay biết.
Phát hiện sự việc, ông Giang Văn Trọng đã đến trình báo lãnh đạo phường, nhưng không hiểu vì nguyên nhân gì mà phường lại “chờ” đến khi ông Thành hoàn tất căn nhà và khi ông Trọng có đơn tố cáo, báo Dân trí có bài phản ánh về cách hành xử lạ thường của địa phương (thể hiện tại bài viết “Dân xây hàng rào, phường bắt xin phép, phòng Quản lý đô thị bảo không!” – PV) thì phường mới tiến hành hòa giải.
Ông Trọng bức xúc: “Khi tôi xây dựng hàng rào, phường đã lập biên bản buộc ngừng thi công và làm khó đủ thứ, buộc tôi phải xin phép, trong khi không hề có thủ tục cấp phép cho loại công trình này. Đến khi ông Thành đập phá hàng rào của tôi để xây nhà, chúng tôi lên phường trình báo thì phường lại ngó lơ. Thử hỏi, cách hành xử như vậy của cán bộ phường có chấp nhận được không”.
Ông Trọng cho biết thêm, khi người nhà ông đến hỏi nguyên nhân kéo dài thời gian lạ thường như nói trên, thì ông Phạm Văn Cần (cán bộ Tư pháp phường 1) lý giải, mặc dù có nhận đơn, nhưng ông có hướng dẫn viết lại cho đúng và ông Trọng không chịu viết theo hướng dẫn. “Theo tôi thì khi nhận đơn của người dân, cán bộ nên xem xét nội dung có đúng sự thật hay không chứ không phải xem có đúng mẫu hay không. Bởi, tôi viết đơn chứ không phải trẻ con tập viết mà phải cần đúng mẫu”, ông Trọng bức xúc.
Để làm rõ thêm vấn đề, PV đã nhiều lần liên hệ với lãnh đạo UBND TP Cà Mau để tìm hiểu, trong đó có ông Hứa Minh Hữu (Chủ tịch), ông Lê Tuấn Hải (Phó Chủ tịch phụ trách khối xây dựng) nhưng các lãnh đạo này đều cáo bận, không tiếp xúc với báo chí.
Ông Trần Chí Hiếu (cán bộ trực tiếp đo đạc các bảng vẽ hiện trạng nói trên, người được Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Cà Mau ủy quyền phát ngôn) cho biết, hiện trạng chỉ là hiện trạng đang tranh chấp chứ không xác định thuộc quyền sở hữu của các hộ ở phía trước, còn việc tranh chấp như thế nào, ai đúng ai sai thì cần phải xem lại hồ sơ cấp sổ đỏ của thời đó.
Ông Bành Tuấn Hậu - Phó phòng Quản lý đô thị TP Cà Mau cũng xác định: “Để rõ nguồn gốc, ai đúng ai sai thì cần phải xem hồ sơ cấp sổ đỏ khi đó, bởi cấp giấy phép cho ông Thành xây dựng nhà, chúng tôi chỉ dựa trên cơ sở của việc cấp sổ đỏ. Khi cấp sổ đỏ, chắc chắn sẽ có bên kế cận ký xác nhận là đất không tranh chấp. Còn nếu ông Thành xây dựng ngoài diện tích được cấp phép thì ông thành phải chịu trách nhiệm trước cơ quan chức năng và pháp luật”, ông Hậu nói.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc.
Tuấn Thanh