Bài 13:

Vụ thi hành án kiểu “sống chết mặc bay”: Đến bao giờ cơ quan thi hành án mới làm đúng luật?

(Dân trí) - Như Dân trí đã đưa tin, liên quan đến vụ việc “om” tài sản trúng đấu giá 10 năm không bàn giao cho người mua, bà Lê Thị Hồng Hạnh đã tham gia đấu giá và đã nộp tiền mua tài sản cho Trung tâm bán đấu giá tài sản nhưng cho tới nay vẫn chưa được bàn giao tài sản.

Quá trình giải quyết khiếu nại của các cơ quan cho thấy rằng một trong những nguyên nhân của việc chậm bàn giao tài sản là do có sự xuất hiện của ông Đào Ngọc Mai khẳng định tài sản kê biên, bán đấu giá đã được chuyển nhượng cho mình. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này chưa có bất cứ kết luận nào của cơ quan có thẩm quyền khẳng định tài sản kê biên, bán đấu giá đã được người phải thi hành án chuyển nhượng cho ông Đào Ngọc Mai trước khi thi hành án.

Vậy pháp luật quy định như thế nào về trình tự, thủ tục định giá và bán đấu giá tài sản và quy trình bán đấu giá tài sản của Trung tâm bán đấu giá trong vụ việc này có đúng theo quy định của pháp luật hay không?

Đối với vấn đề này, Luật sư Nhâm Mạnh Hà - Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội khẳng định: Việc bán đấu giá tài sản trong vụ việc này hoàn toàn tuân thủ đúng các quy định pháp luật do đó cần phải bàn giao tài sản cho bà Hạnh, cụ thể:

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 31 Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 1993 thì việc định giá tài sản đã kê biên được quy định như sau:

1- Tài sản đã kê biên được định giá tại chỗ theo sự thoả thuận giữa người được thi hành án và người phải thi hành án.

2- Nếu các đương sự không thoả thuận được về giá hoặc việc định giá có khó khăn, thì sau khi kê biên, chấp hành viên mời Hội đồng định giá gồm đại diện cơ quan tài chính, cơ quan chuyên môn có liên quan và do chấp hành viên chủ trì để đánh giá sơ bộ tài sản đã kê biên. Người được thi hành án, người phải thi hành án được tham gia ý kiến vào việc định giá, nhưng quyền quyết định giá thuộc Hội đồng định giá.”.

Vụ thi hành án kiểu “sống chết mặc bay”: Đến bao giờ cơ quan thi hành án mới làm đúng luật? - 1

Người dân nộp hơn 80 triệu đồng sau khi trúng đấu giá tài sản từ năm 2002 nhưng sau 10 năm vẫn chưa được nhận bàn giao tài sản.

Người dân nộp hơn 80 triệu đồng sau khi trúng đấu giá tài sản từ năm 2002 nhưng sau 10 năm vẫn chưa được nhận bàn giao tài sản.

Như vậy, tài sản đã kê biên được định giá theo thỏa thuận giữa người được thi hành án và người phải thi hành án. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được về giá hoặc việc định giá có khó khăn thì chấp hành viên được quyền mời Hội đồng định giá để tiến hành định giá tài sản.

Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 1993 và Nghị định số 86-CP ngày 19/12/1996 về việc ban hành Quy chế bán đấu giá tài sản thì việc bán đấu giá tài sản để thi hành án trải qua các bước cụ thể như sau:

Bước 1: Cơ quan thi hành án ký kết Hợp đồng ủy quyền bán đấu giá tài sản với đơn vị mời tổ chức bán đấu giá;

Bước 2: Niêm yết đồng thời thông báo công khai về việc bán đấu giá.

Trước khi tiến hành bán đấu giá ba mươi ngày đối với bất động sản, người bán đấu giá phải niêm yết việc bán đấu giá tại nơi bán đấu giá, nơi trưng bày tài sản, nơi đặt trụ sở của người bán đấu giá, nơi có bất động sản bán đấu giá.

Bước 3: Đăng ký mua tài sản bán đấu giá và nộp tiền đặt trước.

Bước 4: Tiến hành bán đấu giá tài sản.

Bước 5: Lập văn bản bán đấu giá tài sản.

Bước 6: Đăng ký quyền sở hữu đối với tài sản trúng đấu giá.

Thời hạn hoàn thành thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản là ba mươi ngày đối với bất động sản, kể từ ngày văn bản bán đấu giá được lập, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Bước 7: Thanh toán tiền mua tài sản và bàn giao tài sản.

Thời hạn thanh toán tiền mua tài sản do người bán đấu giá và người mua tài sản thoả thuận; nếu không có thoả thuận thì người mua tài sản phải thanh toán đủ tiền cho người bán đấu giá ngay khi nhận tài sản.

Đối với tài sản có đăng ký quyền sở hữu, thì người bán đấu giá phải giao ngay tài sản cho người mua sau khi người mua đã thanh toán xong tiền mua tài sản, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Trong vụ việc này, ngày 29/01/2002, các bên đương sự đã tự thoả thuận với nhau về giá nhưng không thoả thuận được nên ngày 12/4/2014, cơ quan Thi hành án đã mời Hội đồng định giá tài sản kê biên đã tiến hành định giá lại tài sản trong đó xác định giá trị tài sản là 88.523.720 đồng (trước đó, ngày 13/6/2001, Hội đồng định giá tài sản kê biên đã tiến hành định giá tài sản lần đầu).

Tiếp đó, ngày 22/4/2002, Thi hành án dân sự huyện Đông Anh đã ký kết Hợp đồng ủy quyền bán đấu giá tài sản số 29/2002/HĐUQ với Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản - Sở tư pháp Hà Nội (Trung tâm bán đấu giá tài sản) để bán tài sản kê biên đảm bảo cho việc thi hành án. Trải qua quá trình bán đấu giá tài sản và dựa trên kết quả bán đấu giá thành, ngày 15/7/2002, người mua nộp đủ tiền vào tài khoản của Trung tâm bán đấu giá.


Ngôi nhà 4 tầng xây trái phép trên đất công nhiên chiếm đoạt đã lọt qua tất cả sự kiểm soát, thách thức pháp luật của hệ thống chính quyền huyện Đông Anh.

Ngôi nhà 4 tầng xây trái phép trên đất công nhiên chiếm đoạt đã lọt qua tất cả sự kiểm soát, thách thức pháp luật của hệ thống chính quyền huyện Đông Anh.

Việc tổ chức bán đấu giá ngày 15/7/2002 trong trường hợp có duy nhất một người tham gia mua tài sản cũng phù hợp với hướng dẫn tại Công văn số 2043/PLDSKT ngày 13/11/2000 của Bộ tư pháp. Sau khi tổ chức bán đấu giá, các đương sự cũng không có bất kỳ khiếu nại, khiếu kiện gì về kết quả bán đấu giá. Mặc dù sau đó, ngày 12/12/2002, VKSND huyện Đông Anh có quyết định về việc kháng nghị đối với việc định giá, bán đấu giá tài sản của Thi hành án huyện Đông Anh. Tuy nhiên, ngày 24/9/2004, Phòng THADS TP Hà Nội, VKSND TP Hà Nội, VKSND huyện Đông Anh và Đội THA huyện Đông Anh đã tiến hành họp liên ngành và đi đến thống nhất: “không cần phải định giá, bán đấu giá lại tài sản nói trên của anh Dương, chị Xuân, Đội thi hành án huyện Đông Anh sớm tiến hành việc giao tài sản cho người mua được tài sản là bà Lê Thị Hồng Hạnh, thanh lý hợp đồng bán đấu giá với trung tâm dịch vụ bán đấu giá và giao tiền cho người được thi hành án. Tiến hành giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá...”

Điều này có nghĩa là kết quả bán đấu giá không hề bị cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ, đồng thời cho tới thời điểm này cũng không có bất cứ văn bản này của cơ quan có thẩm quyền đề nghị tạm dừng việc bàn giao tài sản cho người mua trúng đấu giá.

Như vậy, việc định giá tài sản, bán đấu giá tài sản trong vụ việc này hoàn toàn tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật, bà Hạnh mua tài sản hợp pháp và đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính, Hợp đồng ủy quyền bán đấu giá giữa Đội THADS huyện Đông Anh và Trung tâm dịch vụ bán đấu giá đến nay vẫn còn hiệu lực pháp luật nên cơ quan thi hành án, trung tâm bán đấu giá tài sản phải bàn giao tài sản cho bà Hạnh mới là đúng quy định của pháp luật.

Tại Hợp đồng uỷ quyền bán đấu giá tài sản số 29/2002/HĐUQ ngày 03/6/2002 giữa Trung tâm DVBĐG và cơ quan Thi hành án dân sự huyện Đông Anh cũng quy định rõ về việc phải “bàn giao tài sản cho người mua chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày người trúng đấu giá nộp đủ tiền cho bên B”. Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 25 Nghị định 86/CP ngày 19/12/1996 của Chính phủ về ban hành quy chế bán đấu giá “Đối với tài sản có đăng ký quyền sở hữu, thì người bán đấu giá tài sản phải giao ngay tài sản cho người mua sau khi người mua đã thanh toán xong tiền mua tài sản, trừ trường hợp có thoả thuận khác”. Và pháp luật về thi hành án dân sự qua các thời kỳ cũng luôn xác định người mua được tài sản bán đấu giá được bảo vệ quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản đó và xác định trách nhiệm của cơ quan thi hành án và đơn vị bán đấu giá phải giao tài sản cho người mua được tài sản trúng đấu giá.

Qua đây có thể thấy rằng, Chấp hành viên phụ trách vụ việc chưa chủ động, quyết liệt phối hợp với các ban ngành địa phương để tổ chức cưỡng chế, giao tài sản cho người mua trúng đấu giá dẫn đến việc ông Mai tự hủy bỏ, phá dỡ và xây dựng nhà ở trên thửa đất là tài sản đã được kê biên, bán đấu giá làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền, lợi ích hợp pháp của người mua trúng tài sản bán đấu giá. Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản cũng chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình theo Hợp đồng ủy quyền bán đấu giá tài sản, chưa đôn đốc và phối hợp cùng với cơ quan thi hành án để bàn giao tài sản cho người mua. Lãnh đạo cơ quan thi hành án cũng chưa thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình, thể hiện qua việc lãnh đạo không có sự quyết liệt trong việc đôn đốc việc bàn giao tài sản thi hành án, chậm chễ trong việc giải quyết khiếu nại dẫn tới vụ việc kéo dài đã hơn 10 năm vẫn không thể bàn giao tài sản cho người thi hành án.

Điều này đã được chính Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội khẳng định tại Quyết định giải quyết khiếu nại số 24/QĐ-CTHA ngày 13.4.2016: “Cơ quan thi hành án cũng không xác định đây là trường hợp có sự kiện bất khả kháng, kết quả bán đấu giá không bị huỷ theo quy định của pháp luật và đương sự cũng không có thoả thuận khác. Tuy nhiên, đến nay bà Hạnh vẫn chưa nhận được tài sản mua trúng đấu giá là có phần trách nhiệm của Chấp hành viên, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đông Anh và Trung tâm DVBĐG”

Việc trì hoãn bàn giao tài sản cho người trúng đấu giá từ năm 2004 tới nay là trái với quy định của pháp luật, đồng thời đã xâm phạm tới quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Các cơ quan chức năng cần xác định rõ sai phạm của từng cá nhân, tổ chức trong vấn đề này đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm để tránh vụ việc tương tự tiếp tục xảy ra, gây tốn kém cho việc thi hành án và gây bức xúc trong dư luận.

Sau loạt bài điều tra nhiều kỳ của báo Dân trí về vụ “om” tài sản trúng đấu giá của người dân suốt hơn 10 năm tại huyện Đông Anh (Hà Nội), vụ việc đã sáng tỏ khi Cục thi hành án TP Hà Nội vừa ban hành quyết định chỉ rõ sai phạm nghiêm trọng trong vụ việc thi hành án kiểu “sống chết mặc bay” này, đồng thời yêu cầu xử lý trách nhiệm với Chi cục trưởng chi cục thi hành án huyện Đông Anh và chấp hành viên.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về vụ việc này.

Anh Thế