Cà Mau:
Vụ thẩm phán bẻ kèo khi xử tranh chấp đất: Hé lộ những tình tiết bất thường!
(Dân trí) - Đất đang tranh chấp, tòa lại ra quyết định tạm giao đất; người thu thuế “hai đầu” thừa nhận sai và thú thật với cơ quan chức năng là thực hiện theo chỉ đạo của “sếp”; TAND Tối cao có văn bản bất nhất; UBND huyện Thới Bình xác nhận việc cấp đất cho các bị đơn là đúng quy định, nhưng tòa lại xử bị đơn thua kiện… là những tình tiết được cho là bất thường trong vụ “thẩm phán bẻ kèo” đã và đang gây xôn xao dư luận ở Cà Mau.
Liên quan đến bài viết “Thẩm phán bị tố “bẻ kèo” trong phiên tòa xử tranh chấp đất?” mà Dân trí đã đăng tải vào ngày 11/2/2015, phản ánh về việc thẩm phán Phạm Sỹ Cường (công tác tại TAND huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) có dấu hiệu “lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phục vụ mục đích lợi ích cá nhân”.
Mới đây, nguồn tin của PV Dân trí được biết, khi làm việc với cơ quan chức năng, ông Trần Văn Khương (nguyên là ủy nhiệm thu ấp 3, xã Thới Bình) thừa nhận, ông đã thu thuế “hai đầu” theo sự chỉ đạo của ông Nguyễn Văn Thạc (Bí thư chi bộ ấp 3 thời đó) là sai.
Ngoài ra, theo hồ sơ ông Lê Tùng Gon cung cấp, quá trình xét xử vụ “Tranh chấp quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Lù (ngụ thị trấn Thới Bình, huyện Thới Bình) và bị đơn là ông Nguyễn Thanh Vân (đã chết) cùng các con là Nguyễn Đông Xuân, Nguyễn Thanh Thúy (vợ ông Gon, ông Gon là người được ủy quyền) có nhiều vấn đề bất thường.
Cụ thể, từ năm 1994, phía ông Gon được nhà nước cấp quyền sử dụng đất ở các thửa 286, 287, 288, tọa lạc tại ấp 3, xã Thới Bình. Từ đó đến nay, phía ông Gon canh tác liên tục và làm tròn nghĩa vụ nộp thuế đúng quy định.
Đến khoảng năm 2002, phía ông Nguyễn Văn Lù đưa ra biên lai thuế và nhảy vào tranh chấp, làm đơn khởi kiện buộc phía ông Gon phải trả lại đất, với lý do một phần trong các phần đất nói trên là của cha ông Lù khai thác.
Năm 2012, UBND huyện Thới Bình ra công văn trả lời TAND huyện Thới Bình, với nội dung quy trình cấp chứng nhận quyền sử dụng đất cho phía ông Gon là đúng quy định.
Tuy nhiên, sau phiên tòa phúc thẩm, phía ông Lù có đơn khiếu nại bản án phúc thẩm gửi TAND Tối cao. Đến tháng 6/2006, TAND Tối cao có công văn trả lời đơn ông Nguyễn Văn Lù, với nội dung cho rằng bản án phúc thẩm số 102/2006 của TAND tỉnh Cà Mau bác yêu cầu của ông Lù là đúng.
Tuy nhiên, đến tháng 10/2006, Ban Pháp chế (thuộc HĐND tỉnh Cà Mau) có công văn yêu cầu xét xử giám đốc thẩm, thì Chánh án TAND Tối cao lại ra quyết định kháng nghị, đề nghị xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy án, giao hồ sơ lại cho TAND huyện Thới xét xử lại sơ thẩm.
Điều bất thường là trong 2 nội dung được nêu tại quyết định kháng nghị của Chánh án TAND Tối cao có nội dung cho rằng, công văn ngày 22/11/2006 của HĐND huyện Thới Bình xác nhận, biên bản họp Chi hội Cựu chiến binh ngày 3/8/2005 là do ông Nguyễn Thanh Vân “soạn sẵn ở nhà, không phải là ý kiến của cán bộ Hội Cựu chiến binh và khi ông Vân đọc nhờ ký tên thì ký chứ không rõ nguồn gốc đất tranh chấp”.
Trong khi đó, sau khi biết được nội dung công văn ngày 22/11/2006 của HĐND huyện Thới Bình, ông Hứa Văn Thắng (Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh xã Thới Bình) xác nhận, cuộc họp ngày 3/8/2005 là có thật, không phải họp “khống” như HĐND huyện Thới Bình đã nêu trong công văn. “Biên bản họp Cựu chiến binh mở rộng, có cả chính quyền và các ban ngành và ngày 3 cũng là ngày sinh hoạt Chi bộ. Đa số hội viên cựu chiến binh và các ban ngành có mặt khoảng 80%, còn một số vắng mặt. Tôi có nói là để cho hợp lệ, đồng chí 6 Vân (Nguyễn Thanh Vân) phải đi đến nhà gặp những hội viên vắng mặt đọc lại biên bản, thấy đúng sự thật thì ký tên, còn không rõ thì không ký”, trích xác nhận của ông Hứa Văn Thắng.
Đặc biệt, theo hồ sơ cũng như trình bày của phía ông Gon, cơ sở chính mà phía ông Lù đưa ra là biên lai thuế và khẳng định có đóng thuế là có đất. Tuy nhiên, sau nhiều phiên tòa, cơ quan chức năng vẫn không đá động gì đến việc thu thuế “hai đầu” của cán bộ địa phương. Đồng thời, từ năm 1994, phần đất tranh chấp nói trên đã chia, sang nhượng nhiều lần cho nhiều người, chính quyền địa phương đều xác nhận là đất không tranh chấp. UBND huyện Thới Bình cũng xác nhận quy trình cấp đất là đúng quy định, thì cơ quan đại diện pháp luật không đi sâu làm rõ các vấn đề này, mà cứ khăng khăng tìm hiểu về nguồn gốc đất, trong khi những người am hiểu về nguồn gốc cũng như sự biến động của các thửa đất nói trên đều đã chết.
Như Dân trí đã phản ánh, ngày 26/12/2014, TAND huyện Thới Bình xét xử sơ thẩm vụ án tranh chấp đất giữa phía bị đơn do ông Lê Tùng Gon làm đại diện cho ông Nguyễn Thanh Vân (đã chết) và phía nguyên đơn do bà Nguyễn Thị Mới làm đại diện cho ông Nguyễn Văn Lù (đã chết). Phiên tòa này do thẩm phán Phạm Sỹ Cường làm chủ tọa.
Tại phiên tòa, HĐXX đã tuyên buộc phía ông Gon giao trả lại phần đất tranh chấp có diện tích trên 25.000 m2 cho phía bà Mới.
Sau phiên tòa, ông Lê Tùng Gon ghi nhận một số tài liệu với nội dung thẩm phán Phạm Sỹ Cường đã điện thoại xin lỗi ông Gon và cho rằng phía ông Gon có đầy đủ cơ sở để thắng kiện, nhưng vì có sự chỉ đạo nên ông Cường buộc lòng phải xử “ép” ông Gon. “Đúng là bên ông thắng kiện, nhưng do lãnh đạo bảo xử vậy, nên tôi bó tay luôn. Bởi vậy, khi xử xong tôi điện thoại cho ông liền. Cái kèo nó bẻ vậy, đợt tới (ý nói phúc thẩm) phía ông sẽ thắng vì mình đã kê khai đất”, trích một đoạn tài liệu do chính thẩm phán Cường nói với ông Gon.
Tiếp xúc với PV, ông Lê Tùng Gon bức xúc: “Nghe ông Cường hứa là sẽ giúp phía gia đình tôi thắng kiện, nên mỗi khi ông ấy điện kêu nhậu ở đâu là tôi luôn có mặt, có khi là 1, 2 giờ đêm. Tôi rất thất vọng vì ông ấy nói với tôi là thắng nhưng lại xử thua”.
Trước đây, khi trao đổi với PV, thẩm phán Phạm Sĩ Cường lại phủ nhận toàn bộ nội dung mà ông đã nói với ông Gon. Tuy nhiên, khi Ủy ban Kiểm tra huyện ủy Thới Bình vào cuộc xác định, thì việc thẩm phán Cường nói với ông Gon như trên là có.
Điều đáng nói nữa là, sau khi có kết luận vụ “thẩm phán bẽ kèo, vòi tiền nhậu” như nói trên, cơ quan chức năng huyện này chỉ kiểm điểm, rồi “ưu ái” chuyển ông Cường sang làm Chánh văn phòng.
Dư luận địa phương bức xúc cho rằng, với cương vị là một “quan tòa”, ông Phạm Sỹ Cường nói là đúng, nhưng lại cố ý “bóp méo” sự thật trong khi xét xử vụ án. Do đó, việc Ủy ban Kiểm tra huyện ủy Thới Bình chỉ đề nghị kiểm điểm rút kinh nghiệm và TAND huyện Thới Bình lại cho ông Cường làm Chánh vă phòng thì liệu có nghiêm minh ?
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc.
Tuấn Thanh