Cà Mau: Bị đơn giả mạo chữ ký, chữ viết vẫn được tòa tuyên thắng kiện?
(Dân trí) - Trong một vụ tranh chấp đất ở tỉnh Cà Mau, cơ quan chức năng xác định chữ ký, chữ viết không cùng một người bên phía nguyên đơn viết ra, tức là có sự giả mạo, nhưng tòa vẫn xử cho bên bị đơn thắng kiện, khiến người dân bức xúc.
Cung cấp cho tòa… hồ sơ giả ?
Theo trình bày của ông Huỳnh Trí Viễn (86 tuổi, ngụ xã Tắc Vân, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau): Trước đây, gia đình ông có cho ông Phạm Hoàng Hơn mượn đất ở. Vào năm 1993, ông Huỳnh Văn Buốl (anh ruột của ông Viễn) chuyển nhượng 50 m2 đất có chiều ngang 4,5 m và dài 20 m cho ông Phạm Hoàng Hơn. Giấy chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) lúc bấy giờ là giấy viết tay. Sau đó, ông Hơn đã tự chỉnh sửa giấy tờ thành miếng đất ngang 14,5 m, dài 20 m để chiếm đoạt.
Điều đáng nói là khi ông Viễn đại diện gia tộc khởi kiện ra tòa thì phía ông Hơn đã cung cấp hồ sơ giả cho tòa. Trong đó, có “Đơn xin sang nhượng quyền sử dụng đất” đề ngày 18/6/1993 và “Đơn xin chuyển nhượng quyền sử dụng đất” đề ngày 21/6/1993, để chứng minh với tòa rằng phía nguyên đơn đã chuyển nhượng cho Hơn phần đất ngang 14,5 m, dài 20 m.
Ông Viễn khẳng định, chữ ký trong “Đơn xin sang nhượng quyền sử dụng đất” đề ngày 18/6/1993 là chữ ký khống; còn “Đơn xin chuyển nhượng quyền sử dụng đất” đề ngày 21/6/1993 là hồ sơ phôtô cắt ghép.
Theo Bản án số 52/2008/DSPT ngày 22/4/2008 của tòa phúc thẩm TAND tỉnh Cà Mau: Ông Phạm Hoàng Hơn cho rằng, ông nhận chuyển nhượng QSDĐ theo “Đơn xin sang nhượng quyền sử dụng đất” đề ngày 18/6/1993, với chiều ngang 14,5 m, dài 20 m (tổng diện tích 290 m2) giá 1,5 lượng vàng 24K; “Đơn xin chuyển nhượng quyền sử dụng đất” đề ngày 21/6/1993 (theo mẫu) với diện tích tương tự (các văn bản này đều do chính ông Phạm Hoàng Hơn cung cấp cho tòa-PV).
Về phía ông Viễn, ông nghi ngờ các văn bản hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ mà phía ông Hơn cung cấp cho tòa là giả nên đã nhiều lần yêu cầu giám định.
Theo kết quả giám định số 129/GĐ-2004 ngày 27/10/2004 của Tổ giám định hình sự, dấu vân tay của ông Huỳnh Trí Viễn tại “Đơn xin chuyển nhượng quyền sử dụng đất” ngày 21/6/1993 là không cùng một người in ra; chữ viết tại “Đơn xin sang nhượng quyền sử dụng đất” ngày 18/6/1993 và “Đơn xin chuyển nhượng quyền sử dụng đất” ngày 21/6/1993 là không cùng một người viết ra.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng kết luận, số “1” trong “14,5 m” là chữ số viết sau, tô đồ và viết chồng lên chữ số nguyên thủy; chữ số “= 290 m2” là chữ viết và chữ số điền thêm.
Từ những kết luận nói trên, HĐXX nhận định, đã đủ cơ sở xác định việc ông Huỳnh Trí Viễn (đại diện cho các nguyên đơn) chỉ chuyển nhượng đất cho ông Phạm Hoàng Hơn với diện tích ngang 4,5 m; dài 20 m.
Nhiều bất thường cần được làm rõ
Theo trình bày của ông Viễn, sau khi ông Phạm Hoàng Hơn bị thua kiện cả 2 phiên tòa, Viện KSND tỉnh Cà Mau đã có Công văn gửi Viện KSND tối cao đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án dân sự phúc thẩm số 52 của TAND tỉnh Cà Mau.
Ngày 22/10/2008, Vụ 5 (Viện KSND tối cao) có công văn trả lời với nội dung: Trên cơ sở kết luận của các văn bản giám định có đủ căn cứ xác định ông Huỳnh Trí Viễn chỉ chuyển nhượng QSDĐ cho ông Phạm Hoàng Hơn diện tích 90 m2 (ngang 4,5 m; dài 20 m); ông Hơn đã sửa 4,5 m chiều ngang thành 14,5 m trong giấy xin sang nhượng QSDĐ để lấn chiếm đất. Tòa án cấp phúc thẩm buộc bị đơn phải trả cho các nguyên đơn do ông Viễn làm đại diện là có cơ sở.
Tuy nhiên, ngày 28/10/2010, do xét thấy bản án còn nhiều “sơ hở” nên Chánh án TAND tối cao đã có Quyết định đề nghị TAND tối cao xét xử giám đốc thẩm, hủy cả 2 bản án dân sự sơ thẩm và phúc thẩm, giao hồ sơ vụ án cho TAND TP Cà Mau xét xử sơ thẩm lại đúng theo quy định pháp luật.
Theo trình tự thủ tục thì TAND TP Cà Mau là đơn vị xét sơ thẩm lại, nhưng không hiểu vì sao hồ sơ thể hiện TAND tỉnh Cà Mau là đơn vị xét xử sơ thẩm. Tại phiên tòa, ông Viễn thua kiện và theo nguyên đơn này khẳng định là không thuyết phục.
Cụ thể, cơ sở của TAND tỉnh Cà Mau đưa ra: Do hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ đã được thực hiện từ năm 1993 đến năm 2001 mới phát sinh tranh chấp. Thời gian này, ông Hơn đã xây nhà nhưng phía nguyên đơn không ai phản đối. Việc chuyển nhượng không có ai trong thân tộc tranh chấp hay phản đối. Đến khi phát sinh tranh chấp thì cả thân tộc ông Viễn không ai quản lý phần đất còn lại trên 200 m2, mặc nhiên cho ông Hơn xây nhà trên phần đất của mình.
Trong khi đó, theo trình bày và hồ sơ đính kèm của ông Viễn thể hiện, ngoài việc thể hiện khá đầy đủ những nghi vấn các hồ sơ được làm giả với hình thức phôtô cắt ghép thì vào thời điểm ông Hơn xây nhà, phía ông Viễn có trình báo địa phương đến can ngăn và có lập biên bản.
Một căn cứ khác mà TAND tỉnh Cà Mau đưa ra để xử ông Viễn thua kiện là “Đơn xin sang nhượng quyền sử dụng đất” ngày 18/6/1993 tuy có chỉnh sửa nội dung nhưng tứ cận phù hợp với “Đơn xin chuyển nhượng quyền sử dụng đất” ngày 21/6/1993 có sự xác nhận của chính quyền địa phương và không bị chỉnh sửa.
Ở vấn đề trên, ông Viễn cho biết, bản thân ông và thân tộc của ông cũng đã từng nhiều lần khẳng định với cơ quan chức năng là chữ ký trong “Đơn xin sang nhượng quyền sử dụng đất” ngày 18/6/1993 là hoàn toàn ký khống; còn “Đơn xin chuyển nhượng quyền sử dụng đất” ngày 21/6/1993 là giấy tờ do ông Phạm Hoàng Hơn làm giả rồi “cấu kết với chính quyền địa phương nhờ xác nhận rồi phôtô lại cung cấp cho tòa bản phôtô nên không thể chấp nhận được”.
Ông Viễn cho rằng, vấn đề hồ sơ giả của ông Hơn cũng đã thể hiện rõ tại các kết luận hình sự của cơ quan chức năng. Như tại kết luận giám định hình sự số 129 nêu rõ: “Dấu vân tay của ông Huỳnh Trí Viễn tại Đơn xin chuyển nhượng QSDĐ ngày 21/6/1993, dấu vân tay ngón trỏ phải, ngón trỏ trái không cùng một người in ra”. Kết luận giám định hình sự số 189 thể hiện: “Chữ số “290 m2” và chữ viết bằng bút bi mực màu xanh gồm các từ “hai trăm chín chục mét vuông” ở dòng 3 và dòng 4 trang 2 từ trên xuống của tài liệu có tiêu đề Đơn xin chuyển nhượng QSDĐ ngày 21/6/1993 với nội dung chữ viết bằng bút bi mực màu xanh trên cùng tài liệu là chữ số và chữ viết không cùng một màu mực”.
“Tòa nói khi ông Hơn cất nhà trên phần đất đó không có người can ngăn và hồ sơ đề ngày 21/6/1993 không bị chỉnh sửa là không đúng. Bởi, HĐXX vẫn chưa nghiên cứu hết hồ sơ và không thấy biên bản của Tổ cán bộ phường 8 được lập ngày 10/10/2001 và chưa xem kỹ các kết luận giám định hình sự mà cơ quan chức năng cung cấp. Về nghi vấn hồ sơ phôtô cắt ghép, tôi cũng đã nhiều lần đề nghị tòa và cơ quan chức năng cho tôi xem bản chính nhưng yêu cầu của tôi không được chấp nhận”, ông Viễn bức xúc.
Theo ghi nhận của PV, “Đơn xin chuyển nhượng quyền sử dụng đất” đề ngày 21/6/1993 cũng có dấu hiệu bất thường. Cụ thể, ông Huỳnh Văn Buốl là người chuyển nhượng đất cho ông Phạm Hoàng Hơn, nhưng ở mục xác nhận của Phòng Kinh tế thị xã Cà Mau (nay là TP Cà Mau) lại ghi rằng: “Đơn chuyển nhượng QSDĐ của ông Huỳnh Tường Yểu chuyển nhượng cho ông Phạm Hoàng Hơn 290 m2, Phòng Kinh tế có mời 2 đương sự đến trao đổi và đã vui vẻ thống nhất thỏa thuận”.
Ông Viễn cho rằng, có lẽ trong quá trình làm giả hồ hồ sơ, phía ông Hơn và cán bộ địa phương đã “quên” rằng người đứng ra sang nhượng cho ông Hơn là ông Huỳnh Văn Buốl nên “ghi đại” vào đó là Huỳnh Tường Yểu (anh ruột của ông Viễn và ông Buốl, đã chết trước đó- PV).
Ngoài ra, ông Viễn còn cho rằng, ông nghe nhiều người nói, vào thời điểm năm 1993, ông Trần Hoàng Mỹ chưa làm Phó Chủ tịch UBND phường 8, nên việc ông Mỹ ký xác nhận trong hồ sơ sang nhượng là hoàn toàn không thể. “Nghi vấn về thông tin ông Mỹ chưa làm Phó chủ tịch phường nên tôi đã đến gặp lãnh đạo TP Cà Mau yêu cầu xác minh, nhưng phía lãnh đạo nói là phải có văn bản đề nghị của cơ quan chức năng mới xác minh được. Tôi cũng đã có đơn gửi TAND tối cao xác minh làm rõ vụ việc này”, ông Viễn nói.
Cũng theo hồ sơ mà ông Viễn cung cấp, ông Phạm Cao Thăng (Chủ tịch UBND phường 8, thời năm 1993) có xác nhận, hồ sơ sang nhượng đất giữa ông Huỳnh Văn Buốl và ông Phạm Hoàng Hơn trước đây là do ông Thăng ký xác nhận. Vì thế, việc ông Mỹ có phải là người xác nhận vào thời điểm đó hay không vẫn đang là một nghi vấn. Bởi, không lẽ một hồ sơ sang nhượng quyền sử dụng đất lại có đến 2 lãnh đạo phường ký xác nhận.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này.
Tuấn Thanh