Đại gia Cà Mau mua dâm trẻ em được hưởng án treo: Bản án “có vấn đề”
(Dân trí) - Luật sư khẳng định sự việc đại gia Cà Mau mua dâm trẻ em được hưởng án treo là thiếu tính nghiêm minh và là bản án “có vấn đề” về mặt luật pháp, dẫn đến thiếu nghiêm minh.
Như Dân Trí đã đưa tin ngày 5/5, Tòa án Nhân dân (TAND) TP Cà Mau mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Mua dâm trẻ vị thành niên” và “Môi giới mại dâm” đối với các bị cáo Tiêu Văn Luận và Lâm Thị Châu (cùng ngụ TP. Cà Mau).
Theo cáo trạng, ngày 16/6/2015, bà Thạch Thị Xuân (56 tuổi, ngụ xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) đến quán nhậu Nhựt Duy (phường 9, TP.Cà Mau) do bà Lâm Thị Châu làm chủ, để tìm con gái tên Q. (sinh năm 2000). Tại đây, bà Xuân không được gặp con mà còn bị một số đối tượng chửi bới. Sau đó, bà Xuân đã đến cơ quan công an trình báo sự việc.
Ngay sau khi nhận tin phản ánh, công an đã mời bà Lâm Thị Châu và Tiêu Văn Luận làm việc. Cả ông Luận và bà Châu đều thừa nhận hành vi mua dâm và môi giới mại dâm của mình.
Theo kết quả giám định, tại thời điểm bán dâm cho ông Luận, Q chưa đủ 16 tuổi. Theo đó, Viện KSND TP. Cà Mau đã truy tố ông Luận về tội “Mua dâm người chưa thành niên” và bà Châu về tội “Môi giới mại dâm”.
Bản án sơ thẩm nhận định, hành vi của cả hai bị cáo là rất nguy hiểm cho xã hội, đã xâm hại đến sự phát triển bình thường về thể chất, tâm sinh lý của trẻ em, xem thường pháp luật…
Tuy nhiên, HĐXX cho rằng, bị cáo Luận có thành tích xuất sắc trong sản xuất, được Chủ tịch UBND tỉnh khen; bị cáo Châu gia đình có công với nước…” nên đã tuyên cho cả 2 được hưởng án treo.
Sự việc đã gây bức xúc trong dư luận. Bình luận về sự việc dưới góc độ luật pháp, Luật sư Vi Văn Diện, Trưởng văn phòng luật sư Thiên Minh, Đoàn luật sư Hà Nội tôi bày tỏ sự bất bình, ông Diện cho rằng:
Tuyên án của HĐXX Cà Mau có “vấn đề” nên đã dẫn đến thiếu nghiêm minh. Cụ thể, quyết định tuyên bị cáo Tiêu Văn Liệu và bị cáo Lâm Thị Châu được hưởng án treo là quá nhẹ, không đủ sức giáo dục, răn đe. Về lý luận, ai cũng hiểu “án treo” không phải là hình phạt, mà nó chỉ là biện pháp “miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện”. Điều kiện mà pháp luật quy định đó chính là “thời gian thử thách”. Vì vậy, có thể nói hình phạt tù mà toà án án cho bị cáo được hưởng án treo là “tạm thời” chưa bắt bị cáo phải chấp hành mà “treo lên đó”, nếu trong thời gian thử thách mà bị cáo phạm tội mới thì mới bắt bị cáo chấp hành, nếu hết thời gian thử thách mà bị cáo không phạm tội mới nữa thì coi như không bị phạt tù. “
Tôi e rằng với nhóm tội phạm đặc biệt nguy hại cho xã hội là tội mua dâm và môi giới mại dâm trẻ em mà lại cho hưởng án treo, “treo” lên một thời gian rồi coi như không có chuyện gì xảy ra thì chắc là nhiều đàn ông “tình nguyên bị treo” để mua dâm trẻ em lắm! Ý của tôi muốn nhấn mạnh rằng: Nếu một bản án không đủ sức răn đe, không trừng trị thích đáng người có tội thì không những gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người bị xâm hại mà còn tạo ra một hiệu ứng tiêu cực trong xã hội; Mục đích ngăn ngừa và đấu tranh phòng chống tội phạm không những không đạt được mà có khi lại “thúc đẩy” nhiểu kẻ “sẵn sàng” phạm tội” - ông Diện nói.
Nhìn nhận ở góc độ tâm sinh lý, ông Diện cho rằng, trẻ em là đối tượng cần được bảo vệ hơn ai hết. Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã quy định rất rõ: “Việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là trách nhiệm của gia đình, nhà trường, Nhà nước, xã hội và công dân. Trong mọi hoạt động của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân có liên quan đến trẻ em thì lợi ích của trẻ em phải được quan tâm hàng đầu”.
Điều 37 Luật Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng quy định rất rõ ràng như sau: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”.
Ông Diện nhấn mạnh: “Các quy định về bảo vệ, chăm sóc trẻ em rất rõ ràng. Do đó, những người chấp pháp có trách nhiệm phải thực thi nghiêm minh, thể hiện trách nhiệm của trước toàn xã hội. Thiết nghĩ, trước khi HĐXX đưa ra quyết định nên cân nhắc thật kỹ tính chất nguy hiểm của tội phạm, đồng thời phải cân nhắc đến tính giáo dục, răn đe, đấu tranh phòng ngừa tội phạm của bản án để đưa một bản án công tâm, không những trừng trị được kẻ phạm tội, bảo vệ được quyền và hợp ích hợp pháp của người bị xâm hại mà còn trách bức xúc cho dư luận. Không thể để việc “đại gia” mua dâm trẻ em lại hưởng án “treo” một thời gian là xong”.
Thanh Trầm