Vụ PGĐ cướp ngân hàng: Xử lý ra sao nếu nghi phạm chưa cướp được tiền?

PV

(Dân trí) - Theo luật sư, nếu nghi phạm chưa cướp được tài sản, công an sẽ dựa vào tính chất hành vi, phương thức gây án hay mức độ nguy hiểm cho xã hội để xác định trách nhiệm hình sự.

Chiều 14/11, Nguyễn Tuấn Anh (28 tuổi, ở TP Vinh, tỉnh Nghệ An) xông vào Ngân hàng Agribank ở thị xã Cửa Lò, dùng dao khống chế nhân viên ngân hàng để cướp tài sản. Do nhiều người tri hô, nghi phạm chưa cướp được tiền và phải bỏ chạy.

Một ngày sau, Tuấn Anh bị bắt ở khu vực huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Tại cơ quan công an, nghi phạm khai nhận hành vi và cho biết nảy sinh ý định cướp tài sản để trả nợ.

Theo dõi sự việc, độc giả Dân trí đặt câu hỏi, với việc Tuấn Anh chưa cướp được tài sản của ngân hàng, căn cứ nào sẽ được áp dụng để xác định trách nhiệm hình sự của nghi phạm này.

Vụ PGĐ cướp ngân hàng: Xử lý ra sao nếu nghi phạm chưa cướp được tiền? - 1

Tuấn Anh tại cơ quan điều tra (Ảnh: Minh Khôi).

Giải đáp vấn đề trên, luật sư Nguyễn Minh Long (Giám đốc Công ty Luật Dragon, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, cướp tài sản là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự nhằm chiếm đoạt tài sản. Đối chiếu diễn biến hành vi của Tuấn Anh, việc cơ quan công an tạm giữ nghi phạm để điều tra hành vi này là hoàn toàn có cơ sở.

Thông thường, trong các vụ án Cướp tài sản, giá trị tài sản bị chiếm đoạt sẽ là yếu tố mấu chốt để xác định tình tiết định khung dành cho nghi phạm. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong số nhiều tình tiết định khung được quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự 2015 để xác định trách nhiệm pháp lý của người phạm tội.

"Dù chưa chiếm đoạt được tài sản nhưng nếu hành vi thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm, nghi phạm vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Cướp tài sản. Khi đó, cơ quan điều tra sẽ xem xét các yếu tố khác như tính chất hành vi (có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp), phương thức gây án (sử dụng vũ khí, phương tiện, thủ đoạn nguy hiểm), mức độ ảnh hưởng tới người khác (gây thương tích từ 11% trở lên) hay mức độ ảnh hưởng cho xã hội…

Những yếu tố trên sẽ là căn cứ để cơ quan chức năng xác định tình tiết định khung hành vi phạm tội cho nghi phạm, trong trường hợp chưa chiếm đoạt được tài sản", luật sư Long phân tích.

Đối với trường hợp này, có thể thấy Tuấn Anh đã sử dụng dao để khống chế, cướp tài sản. Chiếu theo Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017, dao được xếp vào nhóm vũ khí thô sơ. Do đó, hành vi của nghi phạm có thể thuộc tình tiết định khung "sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác" quy định tại khoản 2, Điều 168 Bộ luật Hình sự 2015. Khung hình phạt đối với trường hợp này là 7-15 năm tù.

Chia sẻ thêm về kinh nghiệm thực tế tham gia các vụ án hình sự, luật sư cho biết trong trường hợp hành vi không thuộc bất kỳ tình tiết định khung nào quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự 2015, người phạm tội vẫn có thể bị khởi tố theo khoản 1 Điều này với khung hình phạt cơ bản là 3-10 năm tù.

Đối với trường hợp chưa chiếm đoạt được tài sản, hành vi có thể được xếp vào nhóm phạm tội chưa đạt. Trích dẫn Điều 57 Bộ luật Hình sự 2015, luật sư Long cho biết đối với tình huống phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình, thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm; nếu là tù có thời hạn, thì mức hình phạt không quá 3/4 mức phạt tù mà điều luật quy định.

Hoàng Diệu