Cướp ngân hàng, cuồng vọng phải trả giá bằng mức án nặng đến độ nào?

Anh Thế

(Dân trí) - Khung hình phạt cao nhất của tội cướp tài sản là tù 18 đến 20 năm hoặc tù chung thân, nếu chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên, lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

Như Dân trí đã thông tin, khoảng 11h15 ngày 29/10, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) thuộc phố Lâm Hóa, xã Vũ Bình, huyện Lạc Sơn (tỉnh Hòa Bình) bị một đối tượng nam giới, mặc áo mưa màu tím, đeo khẩu trang, đầu đội mũ bảo hiểm màu đỏ, trên tay cầm một vật nghi là súng ngắn đe dọa 2 nhân viên ngân hàng và cướp đi số tiền khoảng hơn 200 triệu đồng. Sau đó đối tượng lên xe mô tô màu đỏ đã che biển kiểm soát tẩu thoát.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, xác định đây là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, lần đầu tiên xảy ra trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, được dư luận hết sức quan tâm, lực lượng công an đặt ra nhiệm vụ phải sớm truy bắt được đối tượng gây án.

Cướp ngân hàng, cuồng vọng phải trả giá bằng mức án nặng đến độ nào? - 1

Đối tượng đe doạ nhân viên giao dịch, cướp ngân hàng tại Hoà Bình.

Quá trình điều tra, sáng 1/11, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình đã xác định được nghi phạm là Phạm Văn Sỹ (SN 1977, trú tại thôn Liên Hồng, xã Khoan Dụ, huyện Lạc Thuỷ, tỉnh Hòa Bình).

Đến khoảng 20h 02/11, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hòa Bình đã phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự và các cục chức năng Bộ Công an tiến hành bắt giữ được Phạm Văn Sỹ khi y đang lẩn trốn tại số 109 Phủ Doãn, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội .

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình đã thu giữ được số tiền 146.320.000 đồng, là số tiền đối tượng cướp tại Ngân hàng

Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Quách Thành Lực – Giám đốc Công ty Luật TNHH LSX (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Cướp ngân hàng được xác định là hành vi cướp tài sản quy định tại điều 168 Bộ luật hình sự. Theo đó, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

Tội cướp tài sản là tội phạm cùng một lúc xâm phạm 2 khác thể, nhưng khách thể bị xâm phạm trước hết là quan hệ nhân thân, thông qua việc xâm phạm đến quan hệ nhân thân mà người phạm tội xâm phạm đến tài sản. Do đánh giá tính chất đặc biệt nguy hiểm của hành vi cướp đối với tài sản, sức khỏe tính mạng của người dân, cơ quan, tổ chức nên điều luật quy định chỉ cần thực hiện hành vi cướp tài sản (không cần xét đến giá trị bao nhiêu) là người thực hiện hành vi có thể thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

Cướp ngân hàng, cuồng vọng phải trả giá bằng mức án nặng đến độ nào? - 2

Đối tượng Phạm Văn Sỹ gây ra vụ cướp nhanh chóng bị bắt giữ.

Ngân hàng là nơi người dân, doanh nghiệp, tổ chức gửi tài sản, vay tài sản, quản lý tài sản giá trị lớn. Hành động cướp ngân hàng gây ra tâm lý hoang mang, lo lắng trong nhân dân nên hành động cướp ngân hàng đều có tình tiết định khung tăng nặng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội với mức phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

Nếu phạm tội để chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đến dưới 500 triệu đồng hoặc gây thương tích/gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc phạm tội lợi dụng thiên tai, dịch bệnh thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

Khung hình phạt cao nhất của tội cướp tài sản là tù 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân, nếu thuộc các trường hợp sau: Chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên; Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

Nếu nghi phạm tên là Phạm Văn Sỹ (SN 1977, Hòa Bình) thực hiện hành vi cướp tài sản đến dưới 200 triệu đồng sẽ đối diện với mức phạt tù từ 07 năm đến 15 năm. Hành vi cướp ngân hàng được xác định là trọng án, nên hoạt động điều tra, truy bắt được cơ quan công an tập trung cao độ, dồn lực lượng để điều tra. Có thể thấy trong thời gian vừa qua có nhiều vụ cướp ngân hàng xảy ra nhưng chỉ trong một thời gian rất ngắn các đối tượng phạm tội đều bị bắt nhanh chóng.