Nghi phạm cướp ngân hàng tại Thái Nguyên đối mặt mức án chung thân?
(Dân trí) - Đối tượng cướp ngân hàng vừa xảy ra tại Thái Nguyên rất táo tợn và manh động. Nghi phạm của vụ án trên vừa bị bắt và có thể đối mặt với mức án chung thân do cướp đi số tiền có giá trị trên 500 triệu đồng.
Trao đổi với Dân trí về các vụ cướp ngân hàng xảy ra gần đây, TS LS Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật Chính Pháp, đoàn luật sư Hà Nội phân tích, vụ việc cướp ngân hàng xảy ra tại Thái Nguyên là một vụ cướp manh động, táo tợn. Qua clip cho thấy, đối tượng đi một mình và thực hiện hành vi cướp tài sản bằng việc sử dụng một vật giống như súng quân dụng.
Hành vi của đối tượng thể hiện qua clip là rất manh động, liều lĩnh, coi thường pháp luật, đe dọa đến tính mạng sức khỏe của nhiều người và cướp đi số tiền giá trị lớn của ngân hàng.
Theo quy định của pháp luật thì hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản thì hành vi đó được xem là cướp tài sản. Người thực hiện hành vi cướp tài sản sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 168 bộ luật hình sự.
Nếu tài sản chiếm đoạt từ 500.000.000 đồng trở lên thì người thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản bằng vũ lực như thế này sẽ phải đối mặt với hình phạt cao nhất được quy định tại khoản 4, Điều 168 bộ luật hình sự là phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài hình phạt chính thì người thực hiện hành vi phạm tội có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung như: "Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản".
Luật sư Cường cho biết, trong nhóm tội phạm xâm phạm quyền sở hữu tài sản thì tội cướp tài sản là tội danh có hình phạt cao nhất. Bởi hành vi cướp tài sản là hành vi nguy hiểm nhất trong nhóm các hành vi phạm tội xâm phạm quyền sở hữu tài sản.
Hành động cướp tài sản không chỉ trực tiếp xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của công dân mà còn đe dọa uy hiếp đến tính mạng, sức khỏe của nạn nhân. Không ít trường hợp đối tượng thực hiện hành vi cướp tài sản đồng thời gây ra thương tích, thậm chí sát hại nạn nhân để đạt được mục đích chiếm đoạt tài sản.
Các đối tượng cướp tài sản thường là các đối tượng lười lao động, không muốn làm việc nhưng lại muốn cướp đoạt thành quả lao động của người khác. Nạn nhân trong vụ cướp tài sản thường hoang mang, hoảng sợ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, tâm lý, sức khỏe, gây hoang mang trong dư luận. Bởi vậy đối tượng thực hiện hành vi cướp tài sản thường sẽ bị xã hội lên án mạnh mẽ và sẽ phải chịu chế tài nghiêm khắc của pháp luật.
Hình phạt cao nhất sẽ là tù chung thân
Trước đây tội cướp tài sản có hình phạt cao nhất là tử hình. Tuy nhiên khi sửa đổi bộ luật hình sự thì bộ luật hình sự 2015 đã bỏ hình phạt tử hình ở tội danh này nên hình phạt cao được pháp luật quy định hiện nay là tù chung thân nếu chiếm đoạt tài sản từ 500.000.000 đồng trở lên.
Vụ cướp ngân hàng xảy ra tại Thái Nguyên, các đối tượng thực hiện hành vi cướp tài sản cũng sẽ bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Với số tiền chiếm đoạt trên 700.000.000 đồng như trong vụ việc này thì đối tượng cướp ngân hàng sẽ phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ hung khí mà đối tượng sử dụng có phải là vũ khí quân dụng hay không? Trường hợp đây là vũ khí quân dụng hoặc vũ khí thể thao nhưng có tính năng tác dụng tương tự vũ khí quân dụng thì đối tượng này sẽ bị xử lý hình sự thêm một tội danh khác là tội sử dụng trái phép vũ khí quân dụng.
Trường hợp kết án về hai tội danh thì tòa án sẽ tổng hợp hình phạt theo nguyên tắc nếu hình phạt cao nhất là tù chung thân thì hình phạt chung sẽ là tù chung thân. Nếu bị phạt là tù có thời hạn thì tổng hình phạt sẽ không quá 30 năm tù.
Ngoài ra, cơ quan điều tra sẽ làm rõ ngoài đối tượng gây án thì còn có đối tượng nào đồng phạm hay không. Với tất cả các đối tượng giúp sức, xúi giục, chủ mưu, cùng ý chí với đối tượng này để thực hiện hành vi cướp ngân hàng thì cũng sẽ bị xử lý hình sự về tội cướp tài sản với vai trò đồng phạm.
Với các đối tượng tuy không cùng ý chí cướp tài sản nhưng sau khi biết được đối tượng đã cướp được tài sản mà vẫn chứa chấp, tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có thì cũng sẽ bị xử lý hình sự về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
Nếu đối tượng này cố tình lẩn trốn thì còn có thể liên lụy đến người thân, gia đình. Tất cả những người thân, bạn bè nếu biết đối tượng này cướp tài sản mà không trình báo tố giác thì sẽ bị xử lý hình sự về tội không tố giác tội phạm. Nếu giúp đỡ đối tượng này bỏ trốn thì bị xử lý hình sự về tội che giấu tội phạm.