Vụ xả súng cướp tiệm vàng: Người "hôi vàng" mà không trả bị xử lý thế nào?

Khả Vân

(Dân trí) - Trong vụ tiệm vàng ở Huế bị cướp, nhiều người đã bất chấp nguy hiểm để lao ra đường nhặt vàng rơi vãi. Vậy hành vi "hôi vàng" nếu không trả lại có bị coi là phạm tội không, sẽ bị xử lý thế nào?

Liên quan đến vụ xả súng cướp tiệm vàng ở chợ Đông Ba, TP Huế, trong quá trình bị truy đuổi, kẻ cướp đã ném nhiều vàng ra đường. Bất chấp nguy hiểm từ tên cướp có súng, nhiều người dân tại TP Huế vẫn lao ra đường nhặt vàng rơi vãi.

Công an TP Huế sau đó phát thông báo đề nghị người dân nhặt được vàng có liên quan đến vụ cướp bằng súng tại chợ Đông Ba phải giao nộp cho cơ quan công an. Việc này nhằm phục vụ hoạt động điều tra của cơ quan công an, cũng như hoàn trả lại cho người bị hại sau khi kết thúc vụ việc.

"Những trường hợp không trả lại tài sản liên quan đến vụ việc sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật", Công an TP Huế nhấn mạnh.

Trước sự việc trên, bạn đọc Dân trí thắc mắc hành vi hôi của, nhặt vàng như vậy mà không đem trả lại có bị coi là phạm tội hay không? Nếu có thì sẽ bị xử về tội gì?

Vụ xả súng cướp tiệm vàng: Người hôi vàng mà không trả bị xử lý thế nào? - 1

Người dân lao đến nhặt vàng rơi vãi trên đường (Ảnh chụp màn hình clip).

"Hôi" được vàng mà không trả lại, xử lý thế nào?

Trao đổi với PV báo Dân trí, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết, trong trường hợp cá nhân nhặt được vàng mà không trả có thể bị xem là hành vi chiếm giữ trái phép tài sản.

Chiếm giữ trái phép tài sản được hiểu là hành vi cố tình không trả lại tài sản cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cho cơ quan có trách nhiệm về tài sản do bị giao nhầm, do tìm được, bắt được sau khi đã có yêu cầu nhận lại tài sản đó. Do đó, trong trường hợp cá nhân nhặt được vàng mà không trả sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy vào tính chất, mức độ của hành vi.

Về xử phạt vi phạm hành chính, căn cứ điểm đ khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, hành vi chiếm giữ tài sản của người khác chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng. Đồng thời, người thực hiện hành vi còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hoặc buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép.

Về trách nhiệm hình sự, trong trường hợp tài sản chiếm giữ trái phép có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên thì người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội chiếm giữ trái phép tài sản theo quy định tại Điều 176 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Người này có thể bị phạt tiền lên đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Nếu tài sản bị chiếm giữ trái pháp luật trị giá 200 triệu đồng trở lên, mức phạt cao nhất có thể lên đến 05 năm tù.

Luật sư Tiền nhấn mạnh, trong vụ việc này lực lượng chức năng đã ra các thông báo công khai yêu cầu những người dân nhặt được vàng ở hiện trường vụ việc giao trả lại, nếu cá nhân nào đã nhặt được vàng (là tang chứng, vật chứng của vụ án) mà cố tình không hợp tác, cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào giá trị của số vàng đã bị chiếm giữ trái phép để ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người chiếm giữ trái phép. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng có thể căn cứ vào nhân thân của người chiếm giữ cũng như thái độ trong quá trình làm việc, từ đó xem xét áp dụng truy tố ở mức hình phạt hợp lý như phạt tiền/cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù.

Luật sư Trần Xuân Tiền chia sẻ thêm, qua vụ việc trên, người dân cần hiểu và tuân thủ quy định của pháp luật về trách nhiệm của mình khi "nhặt" được tài sản đánh rơi, bỏ quên. Cụ thể, khi nhặt được tài sản của người khác, nhất là tài sản có giá trị khi bị người khác đánh rơi, bỏ quên, người dân không được phép cố ý chiếm giữ để thành tài sản của riêng mình, mà phải kịp thời thông báo và giao nộp cho chính quyền địa phương. Bởi lòng tham khi nhặt được những tài sản này có thể phải trả giá rất đắt bằng những chế tài nghiêm minh của pháp luật.

Nghi phạm nổ súng cướp tiệm vàng đối diện những tội danh gì?

Sau khi nổ nhiều phát súng uy hiếp chủ tiệm vàng, phá vỡ tủ kính, kẻ cướp lấy nhiều khay vàng rồi hất ra giữa đường trước khi tháo chạy về hướng cầu Gia Hội, cách đó vài trăm mét.

Qua những thông tin mô tả trên, có ý kiến cho rằng dường như có thể thấy mục đích chính của đối tượng không phải là chiếm lấy tài sản của chủ tiệm vàng cho bản thân. Nếu vậy, người này có phạm tội cướp tài sản hay không?

Vụ xả súng cướp tiệm vàng: Người hôi vàng mà không trả bị xử lý thế nào? - 2

Nghi phạm Ngô Văn Quốc (khoanh tròn đỏ) được công an thuyết phục buông súng đầu hàng (Ảnh: Nam Anh).

Về thắc mắc này, Luật sư Quách Thành Lực, Công ty Luật Pháp Trị, đoàn Luật sư thành phố Hà Nội phân tích:

Điều 168 Bộ luật Hình sự xác định các dấu hiệu cơ bản của tội cướp tài sản như sau: "Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản…."

Như mô tả trong cấu thành trên đây với tội cướp tài sản, mục đích chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu bắt buộc. Nếu không có mục đích chiếm đoạt thì hành vi "dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được" không phải là tội cướp tài sản.

Hình ảnh nghi phạm cướp tiệm vàng ôm súng di chuyển trên đường phố Huế

Tuy nhiên mục đích "nhằm chiếm đoạt tài sản" được hiểu theo nghĩa rộng, phổ quát. Theo đó "nhằm chiếm đoạt tài sản" được hiểu là mong muốn ngăn cản, chiếm giữ, tước đoạt tạm thời hoặc vĩnh viễn quyền sở hữu, sử dụng tài sản của người khác. "Nhằm chiếm đoạt tài sản" không chỉ hiểu theo nghĩa hẹp là chiếm đoạt tài sản của người khác làm của riêng cho bản thân người chiếm đoạt.

Trong vụ việc trên đối tượng đã sử dụng súng bắn vỡ kính nơi để vàng- đây là hành vi sử dụng vũ lực; tại thời điểm đối tượng mang vàng ra khỏi quầy hàng của chủ tiệm vàng thì mục đích chiếm đoạt của đối tượng đã được thể hiện trên thực tế. Tại thời điểm này tội cướp tài sản đã hoàn thành.

Hành động hất hết vàng ra đường của đối tượng không ảnh hưởng, làm mất đi mục đích chiếm đoạt của người phạm tội, không ảnh hướng đến việc xác định trách nhiệm hình sự của tội cướp tài sản.

Về hình phạt, chỉ riêng với tội cướp tài sản, thuộc trường hợp "Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%; Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng", người phạm tội có thể bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm theo khoản 2, điều 168 Bộ luật hình sự.

Ngoài tội danh trên, với hành vi sử dụng vũ khí quân dụng, đối tượng còn đối diện tội sử dụng trái phép vũ khí quân dụng với hình phạt tù từ 01 năm đến 07 năm.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm