Vụ Muaban24: “Lương tâm tôi không cho phép mình tiếp tay lừa đảo”

(Dân trí) - Có lẽ, nếu như không có báo chí, các ngành chức năng sớm vào cuộc điều tra thì “cơn sóng ngầm” Muaban24 sẽ còn âm ỉ lan tỏa.

Anh Đào Văn Tiên “Lương tâm tôi không cho phép mình tiếp tay lừa đảo”
Anh Đào Văn Tiên: “Lương tâm tôi không cho phép mình tiếp tay lừa đảo”
 
Sau rất nhiều phản ánh từ những người đã từng tham gia Muaban24, bạn đọc trên khắp cả nước về những dấu hiệu được cho là biến tướng, có tính chất lừa đảo, vi phạm của Muaban24. PV báo Dân trí đã theo chân những người đã từng thamgia Muaban24 để được nghe tường tận về nỗi niềm “không biết tỏ cùng ai” mà họ đã “dính” phải.

Có lẽ, nếu như không có báo chí, các ngành chức năng sớm vào cuộc điều tra thì “cơn sóng ngầm” Muaban24 sẽ còn âm ỉ lan tỏa. Những lời rót mật vào tai của một đội ngũ nhân viên được đào tạo, trang bị về cơ bản những chiêu thức để làm mù mờ đi hiểu biết kém cỏi, những người nhẹ dạ cả tin. Trở lại câu chuyện buồn Muaban24, không chỉ người nông dân nghèo ở xã Ea Ô, huyện Ea Kar (Đắk Lắk), ở Than Uyên (Lai Châu)… gánh chịu hậu quả mà ngay đến nhiều sinh viên nghèo, tiểu thương tại một thành phố năng động như ở Hà Nội cũng phải ngậm bồ hòn làm ngọt khi trót dại tham gia vào mạng lưới Muaban24 này.

Khó khăn lắm chúng tôi mới tìm và hẹn gặp được những người đã từng tham gia Muaban24. Bởi họ từ chối rất khéo vì “đã trót dại một lần rồi thì thôi. Không muốn nhắc lại nữa”. Nhiều người cứ sợ sau khi báo chí phản ánh đưa mình lên mạng, nếu người thân biết được sẽ khó ăn nói, xấu hổ và mất hết niềm tin. Sáng 29/7, PV Dân trí đã lần mò theo từng địa chỉ và số điện thoại của những người được coi là nạn nhân Muaban24. Trao đổi qua điện thoại với chị Phùng Thị Mai Hương (Ba Vì) hiện đang là sinh viên năm thứ 2 Học Viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam. Hương tỏ ra bức xúc vì anh trai của Hương là nạn nhân của Muaban24.

Chị Hương kể, cách đây chưa lâu, anh trai chị là Phùng Văn Đồng là sinh viên Trường Đại học Lâm nghiệp. Anh Đồng quen một người bạn tên là Thúy ở trường Đại học Nông Nghiệp 1. Không biết mồi chài thế nào mà Đồng đã quyết định tham gia, đăng kí thành viên Muaban24. Sinh viên lấy đâu ra số tiền lớn bây giờ?. Để có 5, 2 triệu đồng mua một gian hàng theo yêu cầu, bắt buộc khi tham gia. Anh Đồng đã phải về nhà nói thật với gia đình và tìm cách thuyết phục bố mẹ để có được số tiền trong tay. Thấy Đồng là đứa con ngoan, chăm chỉ, biết làm thêm để kiếm tiền trang trải cuộc sống nên bố mẹ cũng tin tưởng. Bố mẹ Đồng chạy vạy, vay mượn mãi mới đủ được số tiền đưa cho Đồng hy vọng mơ ước của con sẽ thành hiện thực. Có được tiền, Đồng tham gia ngay vào Muaban24.

Khi thực tế câu chuyện Muaban24 không thể che đậy được dấu hiệu vi phạm thì Đồng mới vỡ lẽ mình đã “dính bẫy” nhưng đã quá muộn. Đồng không đủ can đảm để lôi kéo những người khác cùng tham gia. Để trả nợ số tiền mà bố mẹ đã vay tham gia Muaban24, hiện Đồng đang phải đi làm ở Bắc Giang.
 
Vụ Muaban24: “Lương tâm tôi không cho phép mình tiếp tay lừa đảo”
Theo tìm hiểu của PV Dân trí, đến nay, mặc dù xưng danh “sàn thương mại điện tử” đã hơn một năm, Muaban24 chưa hề được cấp phép, đăng ký thương mại điện tử(Ảnh chụp màn hình muaban24.vn)
 
Anh Đào Văn Tiên (Minh Tân – Kiến Xương – Thái Bình) đầu đã gần hai thứ tóc nhưng là nạn nhân của Muabna24. Anh Tiên hiện đang làm chủ một cửa hàng cơ khí nhỏ ở Quận Long Biên (Hà Nội). Để lại vợ và con nhỏ ở quê nghèo, Tiên lên Hà nội lập nghiệp, hàng tháng gửi tiền về cho vợ con. Vì cả tin người bạn thân, gần 1 tháng trước anh đã đầu tư mua gian hàng thương mại điện tử với giá 5,2 triệu đồng. Để lôi kéo được Tiên, anh bạn nọ hứa là sau khi tham gia Muaban24 thì sẽ đăng tải những hình ảnh, sản phẩm cơ khí của Tiên lên website Muaban24, mục đích là để giới thiệu sản phẩm. Rồi họ cho người tiếp cận Tiên để thuyết trình về cách thức hưởng lợi, đầu tư mua gian hàng, làm thế nào để nhanh lên VIP, vận động, lôi kéo chính những người thân mình tham gia.

Ngày hôm sau, anh Tiên mang tất cả những sản phẩm cơ khí, cửa cuốn lên văn phòng ở đường Nguyễn Cơ Thạch (Từ Liêm) nhưng chờ mãi chẳng thấy ai giải quyết. Anh Tiên ấm ức “bằng này tuổi đầu rồi mà còn bị lừa. Biết mình bị lừa nên tôi không thể “lôi” thêm những người thân và bạn bè. Làm như thế là mất đạo đức, nhân cách, mất hết tình anh em”.

Qua tìm hiểu PV Dân trí, được biết hầu hết những người tham gia Muaban24 chủ yếu là những sinh viên đang học ở các trường Đại học, Cao đẳng. Họ là những người khó khăn về tài chính, có chút kiến thức nhưng dễ bị kích động. Khi họ đã “dính bẫy”, không còn cách nào khác là phải nhẫn tâm rủ rê những người bạn thân của mình để “lấy lại những gì đã mất”.
 

Luật sư Đào Trung Kiên, Giám đốc Công ty luật hợp danh Hồng Bách và Cộng sự (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho hay: Trong trường hợp của Công ty cổ phần Đào tạo mua bán trực tuyến Muaban24, doanh nghiệp này đã đăng ký với Bộ Thông tin và Truyền thông để thành lập website. Nhưng loại hàng hóa trên đó chưa qua Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công Thương cấp đăng ký nên không được phép mua bán. Hàng hóa đều phải đăng ký mới được phép bán. Dù cho thuê hay bán gian hàng đó cũng phải là những tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức được Nhà nước công nhận. Không thể bán cái mà không thuộc quyền sở hữu, không được cấp phép. Việc một website lập ra, được phép giao dịch mua bán chỉ là phương tiện để trao đổi hàng hóa. Còn sản phẩm trên đó, dù vô hình hay hữu hình, muốn bán phải được sự cấp đăng ký của cơ quan có thẩm quyền.

Hoạt động kinh doanh của Muaban24 có biểu hiện không phù hợp với quy định hiện hành. Điều 9 Luật Doanh nghiệp quy định đơn vị kinh doanh phải hoạt động đúng với lĩnh vực đăng ký, chịu trách nhiệm hàng hóa bán ra, mô hình kinh doanh này là đa cấp biến tướng. Bởi thương mại đa cấp thông thường là phân phối sản phẩm, còn hoạt động của Muaban24 chủ yếu bán gian hàng điện tử.

Tuy nhiên, Muaban24 vẫn hoạt động, vẫn tổ chức các lớp đào tạo thành viên, các buổi lễ tôn vinh những thành viên có thành tích mở rộng mạng lưới với sự tham gia của hàng trăm người, và phát triển lan rộng đến nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

Mô hình kinh doanh theo kiểu đa cấp này chỉ lấy tiền cấp dưới nuôi người cấp trên chứ không tạo ra giá trị gì. Bằng chứng là thông tin trên sàn rất sơ sài, thành viên chỉ tập trung lôi kéo người khác tham gia để gỡ vốn bằng tiền hoa hồng.

Theo Thông tư 46 được Bộ Công Thương ban hành, doanh nghiệp, cá nhân mua bán sàn giao dịch thương mại điện tử phải hợp đồng, chứng từ. MB24 chưa được cấp đăng ký là sàn giao dịch thương mại điện tử. Và mô hình kinh doanh của công ty này chưa được quy định trong luật pháp, vì thế khó có cơ sở pháp lý để những người tham gia vào đó đòi lại được tiền khi tranh chấp xảy ra. Nhưng dù pháp luật chưa quy định nhưng hoạt động của công ty mà gây thiệt hại cho khách hàng cũng vẫn phải xử lý dưới các hình thức khác nhau theo quy định của pháp luật.

Vũ Văn Tiến - Hà Văn Long