Bài 11:

Vụ dành cả thanh xuân đi đòi đất: Mòn mỏi chờ công lý sau 6 lần chỉ đạo từ Chính phủ!

(Dân trí) - Quá trình giải quyết khiếu nại của bà Phượng, Văn phòng Chính phủ đã 6 lần truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng yêu cầu làm rõ nhưng đến nay sự vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Người phụ nữ dành cả tuổi thanh xuân đi đòi đất đang trải qua chuỗi ngày khốn cùng.

screen shot 2018-06-24 at 5

Bằng khoán điền thổ số 1103, thuộc loại đất ruộng có diện tích 16.000m2 nhằm lô số 330 tờ bản đồ thứ 4 – Bình Trị Đông (khu đất này trước đây thuộc địa bàn huyện Bình Chánh, nay thuộc quận Bình Tân của gia đình bà Phượng.

Như Báo Dân trí đã phản ánh, trước giải phóng, gia đình bà Lê Thị Hồng Phượng sở hữu 16.000 m2 đất tại Bình Trị Đông, Bình Chánh. Do nằm ở vị trí đắc địa nên nằm 1974, gia đình bà san lấp mặt bằng, xây dựng hàng rào để chuẩn bị xây dựng dự án Khu thương xá. Đến ngày 30/4/1975 Sài Gòn được giải phóng, phần đất này được chính quyền mới tạm giữ nhưng không ra văn bản tịch thu hoặc cải tạo hoặc trưng thu sử dụng. Sau khi đất nước ổn định, từ năm 1978 gia đình bà Phượng liên tục có đơn xin lại phần đất trên nhưng lãnh đạo huyện chưa xem xét.

Do đất của gia đình bà Phượng có giấy tờ hợp pháp nhưng địa phương lại chia cho người khác nên bà khiếu nại vượt cấp. Gần 20 năm qua, đã có 5 văn bản của Thủ tướng/ Phó Thủ tướng Chính phủ nhắc nhở, Văn phòng Chính phủ 6 lần đôn đốc giải quyết nhưng chưa được UBND TP. Hồ Chí Minh giải quyết thấu đáo. Cụ thể: Văn bản số 2254/VPCP.VII ngày 9/5/2003; văn bản số 4657/VPCP.VII ngày 24/8/2006; văn bản số 5712/VPCP – KNTN ngày 29/8/2008; văn bản số 2493/VPCP-KNTC ngày 17/4/2009 và mới đây nhất là văn bản 5892/VPCP-V.I ngày 7/6/2017.

Trước đó, Văn phòng Chính phủ phát đi 5 thông báo chỉ đạo giải quyết vụ việc.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ phát đi 5 thông báo chỉ đạo giải quyết vụ việc.
Lần thứ 6 Chính phủ chỉ đạo giải quyết một vụ việc nhưng vẫn chưa dứt điểm.
Lần thứ 6 Chính phủ chỉ đạo giải quyết một vụ việc nhưng vẫn chưa dứt điểm.

Lần gần đây nhất, ngày 29/10/2018, Thanh tra Chính phủ nhận được văn bản 10476/VPCP-V.I do Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Duy Hưng ký đôn đốc việc giải quyết khiếu nại của bà Lê Thị Hồng Phượng. Văn bản nêu: “Về việc giải quyết khiếu nại của bà Lê Thị Hồng Phượng liên quan đến quyền sử dụng đất tại P.An Lạc A, Q.Bình Tân, TP.HCM , Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã có ý kiến chỉ đạo tại văn bản số 5892NPCP-V.I ngày 7/6/2017 của Văn phòng Chính phủ, nhưng đến nay Thanh tra Chính phủ chưa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thực hiện Quy chế làm việc của Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đề nghị Thanh tra Chính phủ sớm có văn bản báo cáo kết quả thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ tại văn bản trên, gửi Văn phòng Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ”.

Theo hồ sơ sự việc, sau khi có chỉ đạo của Phó Thủ tướng, TTCP phải báo cáo sự việc trước ngày 1/9/2017. Tuy vậy, 4 tháng sau khi thời điểm trên, ông Đặng Công Huẩn - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ mới ký Quyết định 2498/QĐ-TTCP thành lập Đoàn Thanh tra liên ngành gồm Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Tài nguyên-Môi trường và Thanh tra TP.HCM, thời hạn kiểm tra là 15 ngày.

Sau quyết định của ông Huẩn, Thanh tra Chính phủ phía Nam đã vào cuộc ngay để làm rõ. Thực tế thì liên quan đến vụ việc này, Thanh tra Chính phủ đã có một báo cáo vào năm 2009 gửi Thủ tướng Chính phủ, nêu rõ các sai phạm của cán bộ xung quanh việc chiếm đất dân (từ 2009 trở về trước). Lần thanh tra này chỉ làm rõ thêm các sai phạm từ 2009 trở về sau. Do đó, Đoàn thanh tra đã làm rất khách quan, nhiều lần tiếp xúc với vợ chồng bà Phượng làm rõ các vấn đề liên quan.

Trưởng Ban tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp khẳng định sẽ quyết liệt xử lý sự việc và không ngại va chạm để giải quyết khiếu nại cho người dân nhưng đến nay bà Phượng vẫn mòn mỏi chờ đợi kết quả.
Trưởng Ban tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp khẳng định sẽ quyết liệt xử lý sự việc và không ngại va chạm để giải quyết khiếu nại cho người dân nhưng đến nay bà Phượng vẫn mòn mỏi chờ đợi kết quả.

Ngày 29/10/2018, bà Phượng tiếp tục ra Hà Nội để mong gặp ông Huẩn nhưng chỉ được gặp bảo vệ ngoài cánh cổng. May mắn cho bà khi Văn phòng Chính phủ nắm được vụ việc và ngay trong ngày 29/10 đã ra văn bản yêu cầu Thanh tra Chính phủ phải báo cáo theo quy chế làm việc của Chính phủ.

Theo hồ sơ, Cục III Thanh tra Chính phủ (phụ trách phía Nam) đã kết thúc thanh tra và có báo cáo gửi lãnh đạo Thanh tra Chính phủ về những sai phạm tại địa phương. Đồng thời, do bà Phượng khiếu nại nhiều lần nên Ban Tiếp Công dân Trung ương cũng đã có báo cáo gửi lãnh đạo Thanh tra Chính phủ cũng như gửi Thủ tướng Chính phủ.

Cho đến nay, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp đã phát hiện hàng loạt sai phạm xung quanh việc chiếm đất của gia đình bà Phượng. Thực hiện văn bản đôn đốc của Văn phòng Chính phủ, ngày 7/11 ông Đặng Công Huẩn đã tổ chức cuộc họp với nhiều Bộ, ngành để giải quyết. Tuy nhiên, sau cuộc họp, vẫn chưa có báo cáo gửi Thủ tướng.

Bà Phượng với xấp vé số trên tay đi bán trên hè phố Sài Gòn.
Bà Phượng với xấp vé số trên tay đi bán trên hè phố Sài Gòn.

Quá bức xúc vì hơn 40 năm chờ đợi trong vô vọng, bà Phượng đã gửi đơn cầu cứu đến Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Theo bà, Chủ tịch nước là người luôn đề cao tinh thần chống tham nhũng nên bà mong sự việc của mình sẽ nhanh chóng được giải quyết.

"Niềm tin của tôi cứ cạn dần theo thời gian, tôi giờ già yếu không biết sống được bao lâu nữa. Tôi mong Chủ tịch nước một lần xem xét đến những khốn khổ mà tôi đã chịu đựng hơn 40 năm qua mà rủ lòng thương. Nếu sự việc của tôi không được giải quyết chắc tôi chết không thể nhắm mắt như mẹ tôi và chồng tôi trước đó", bà Phượng nức nở.

Xuân Hinh - Trung Kiên