Bài 18:

Vụ cổ phần hóa “vịt trời” tại HACINCO: Cần giải quyết thế nào cho đúng luật?

(Dân trí) - “Liên quan đến vụ cổ phần hóa tại Công ty HACINCO, sau khi những sai phạm được chỉ ra, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định 1886/QĐ-UB như một giải pháp để tháo gỡ vướng mắc, khắc phục sai phạm. Tuy nhiên, quyết định này không chỉ trái quy định pháp luật mà còn chứa đựng những điểm bất cập không thể triển khai”, luật sư Phan Thị Lam Hồng nhận định.

Trên thực tế, trước khi UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định 1886/QĐ-UB thì ngày 01/9/2009, Thanh tra chính phủ đã ban hành Kết luận số 2125/KL-TTCP về việc thanh tra việc chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần tại thành phố Hà Nội, trong đó kiến nghị đối với việc thực hiện cổ phần hóa Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (HACINCO) như sau:

“ - Chỉ đạo Ban đổi mới và PTDN và các Sở ngành xem xét những kiến nghị, vướng mắc tại các doanh nghiệp, kiến nghị biện pháp xử lý để UBND thành phố xem xét quyết định theo thẩm quyền; xem xét giải quyết dứt điểm những tồn tại, vướng mắc trong việc cổ phần hóa tại Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội, theo hướng:

+ Chấp nhận việc chuyển nợ thành vốn góp khi thanh toán tiền mua cổ phần và công nhận kết quả bán cổ phần của công ty.

+ Giữ nguyên vốn điều lệ theo Quyết định số 7867/QĐ-UB là 47.168.600.000 đồng; chuyển 397.100.000 đồng từ cơ cấu vốn cổ đông mua ưu đãi sang vốn cổ đông mua đấu giá (số lượng cổ phần ưu đãi đã bán cho cán bộ công nhân viên khi cổ phần hóa khách sạn HACINCO năm 1998); công nhận kết quả Đại hội cổ đông lần thứ nhất ngày 02/12/2005 của công ty”.


Luật sư Phan Thị Lam Hồng: Phải công nhận HACINCO là công ty cổ phần để đảm bảo quyền lợi của người lao động và các nhà đầu tư hợp pháp, gấp rút hoàn thiện các thủ tục để hoàn thành cổ phần hóa HACINCO.

Luật sư Phan Thị Lam Hồng: "Phải công nhận HACINCO là công ty cổ phần để đảm bảo quyền lợi của người lao động và các nhà đầu tư hợp pháp, gấp rút hoàn thiện các thủ tục để hoàn thành cổ phần hóa HACINCO".

Trước thực trạng Quyết định 1886/QĐ-UB được ban hành nhưng không thể triển khai thực thi, ngày 16/11/2010 Thanh tra Chính phủ đã có Công văn số 3411/TTCP-C1 gửi UBND TP Hà Nội về việc kiểm tra, đôn đốc thực hiện Kết luận thanh tra, trong đó Thanh tra Chính phủ có ý kiến về một số nội dung trong Quyết định 1886/QĐ-UB ngày 22/4/2010 của UBND TP Hà Nội không đúng với kiến nghị nêu trong Kết luận số 2125/KL-TTCP ngày 01/9/2009 của Thanh tra Chính phủ và đề nghị Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo các Sở, ngành có liên quan thực hiện những nội dung còn lại trong Kết luận số 2125/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ, điều chỉnh lại Quyết định 1886/QĐ-UB đối với những nội dung trái với kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Vậy, phương án được Thanh tra Chính phủ đưa ra và yêu cầu UBND TP Hà Nội chỉ đạo thực hiện để cổ phần hóa dứt điểm HACINCO thay cho Quyết định 1886/QĐ-UB có đúng quy định của pháp luật?

Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Phan Thị Lam Hồng - Giám đốc Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội để làm rõ các khía cạnh pháp lý.

Luật sư Lam Hồng nhận định: Kiến nghị của Thanh tra Chính phủ tại Kết luận số 2125/KL-TTCP ngày 01/9/2009 không thể thực hiện được bởi nội dung của Kết luận này chứa đựng những điểm không hợp lý và trái quy định của pháp luật, cụ thể:

Thứ nhất, kiến nghị chấp nhận việc chuyển nợ thành vốn góp khi thanh toán tiền mua cổ phần và công nhận kết quả bán cổ phần của HACINCO là không đúng quy định của pháp luật bởi quá trình chuyển nợ thành vốn góp của HACINCO có nhiều sai phạm, cụ thể:

Một là, sai phạm trong việc chuyển nợ thành vốn góp của các nhà đầu tư: Trong vụ việc cổ phần hóa HACINCO, có 34 nhà đầu tư không nộp tiền mua cổ phần theo thông báo kết quả đấu giá và đề nghị được chuyển nợ thành vốn góp đối với 1.506.500 cổ phần.


Luật sư Phan Thị Lam Hồng.

Luật sư Phan Thị Lam Hồng.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định 187/2004/NĐ-CP về việc chuyển công ty Nhà nước thành công ty cổ phần và điểm e khoản 1.3 mục B Thông tư số 126/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 187/2004/NĐ-CP thì các nhà đầu tư được phép chuyển số dư nợ đang cho doanh nghiệp vay thành vốn góp cổ phần, tuy nhiên việc chuyển dư nợ vay thành vốn góp phải đảm bảo đúng quy định hiện hành của Nhà nước như: Có hợp đồng hoặc khế ước vay; có số dư nợ tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa và tại thời điểm đề nghị chuyển nợ vay thành vốn góp; số tiền đề nghị chuyển nợ vay thành vốn góp cổ phần tối đa bằng số dư nợ vay và tiền mua cổ phần phải thanh toán theo kết quả đấu giá.

Tuy nhiên, phương án chuyển nợ vay thành vốn góp cổ phần không được HACINCO xây dựng trong phương án cổ phần hóa trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. HACINCO đã tự ý lập hồ sơ đề nghị chuyển nợ đối với những người không có số dư nợ vay hoặc số đề nghị chuyển nợ lớn hơn số tiền dư nợ cho công ty vay để mua cổ phần theo kết quả đấu giá. Hậu quả là tổng số cổ phần được chuyển nợ theo đúng quy định chỉ có: 754.111 cổ phần tương ứng mệnh giá 7.541.110.000 đồng. Tổng số cổ phần không đủ điều kiện chuyển nợ thành vốn góp cổ phần theo quy định là: 752.389 cổ phần, tương ứng mệnh giá: 7.523.890.000 đồng do không có số dư nợ tại Công ty hoặc số tiền đề nghị chuyển nợ vay thành vốn góp lớn hơn so với số dư nợ vay.

Sai phạm này của HACINCO đã được khẳng định tại Công văn số 5494/UBND-CN gửi đồng chí Phạm Quang Nghị - Bí thư Thành ủy Hà Nội báo cáo việc thực hiện cổ phần HACINCO ngày 24/11/2006, Công văn số 1312/UBND-CN gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo việc thực hiện cổ phần hóa HACINCO, Báo cáo số 847/BC-STC/TCDN ngày 20/3/2006 của Sở Tài Chính thành phố Hà Nội gửi UBND thành phố Hà Nội về quá trình cổ phần hóa HACINCO….

Hai là, sai phạm trong việc chuyển nợ lương của người lao động tại HACINCO thành số tiền mua cổ phần.

Trong quá trình cổ phần hóa, HACINCO đã quyết định chuyển nợ lương của cán bộ công nhân viên tháng 7, 8, 9/2005 thành vốn góp để mua cổ phần ưu đãi với số tiền đề nghị chuyển là 581.104.100 đồng (Theo Báo cáo số 29/BC-TL ngày 12/02/2006 của HACINCO). Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1, Điều 12, Nghị định số 187/2004/NĐ-CP thì: “Doanh nghiệp phải huy động các nguồn để thanh toán các khoản nợ đến hạn trả trước khi cổ phần hoá hoặc thoả thuận với các chủ nợ để xử lý hoặc chuyển thành vốn góp cổ phần”. Trên thực tế, cho đến thời điểm ngày 31/12/2004, HACINCO không nợ lương cán bộ công nhân viên, mà chỉ phát sinh nợ lương vào thời điểm tháng 7, 8, 9/2005. Vậy nên đối với các khoản nợ lương phát sinh sau ngày xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá đều không được chuyển thành vốn góp cổ phần.


Văn phòng Chính phủ yêu cầu xử lý dứt điểm vụ cổ phần hoá “vịt trời” tại Hacinco.

Văn phòng Chính phủ yêu cầu xử lý dứt điểm vụ cổ phần hoá “vịt trời” tại Hacinco.

Sai phạm này của HACINCO cũng đã được khẳng định tại Công văn số 5494/UBND-CN gửi đồng chí Phạm Quang Nghị - Bí thư Thành ủy Hà Nội báo cáo việc thực hiện cổ phần HACINCO ngày 24/11/2006, Công văn số 1312/UBND-CN gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo việc thực hiện cổ phần hóa HACINCO, Báo cáo số 847/BC-STC/TCDN ngày 20/3/2006 của Sở Tài Chính thành phố Hà Nội gửi UBND TP Hà Nội về quá trình cổ phần hóa HACINCO….

Như vậy, kiến nghị của Thanh tra chính phủ về việc chấp nhận việc chuyển nợ thành vốn góp của HACINCO là không có căn cứ, trái với quy định pháp luật.

Thứ hai: kiến nghị giữ nguyên vốn điều lệ theo Quyết định số 7867/QĐ-UB là 47.168.6000.000 đồng, chuyển 397.100.000 đồng từ cơ cấu vốn cổ đông mua ưu đãi sang vốn cổ đông mua đấu giá (số lượng cổ phần ưu đãi đã bán cho cán bộ công nhân viên khi cổ phần hóa khách sạn HACINCO năm 1998) là không phù hợp với quy định của pháp luật vì quá trình cổ phần hóa HACINCO đã có sai phạm trong việc tính toán số cổ phần ưu đãi cho người lao động.

Một trong những sai phạm trong quá trình cổ phần hóa là căn cứ vào phương án lao động do HACINCO lập, Tổ thẩm định phương án lao động của thành phố (Sở Lao động - Thương binh và xã hội và Liên đoàn Lao động thành phố) đã tính trùng số năm công tác của người lao động dẫn đến việc tính toán số cổ phần ưu đãi thiếu chính xác.

Theo quy định tại khoản 1, Điều 37, Nghị định 187/2004/NĐ-CP thì: “Người lao động có tên trong danh sách thường xuyên của doanh nghiệp tại thời điểm quyết định cổ phần hoá được mua tối đa 100 cổ phần cho mỗi năm thực tế làm việc tại khu vực nhà nước với giá giảm 40 % so với giá đấu bình quân bán cho nhà đầu tư khác.”

Vào năm 1998, khi thực hiện cổ phần hóa bộ phận Khách sạn HACINCO đã có 169 CBCNV của HACINCO mua 3.861 cổ phần ưu đãi, tương ứng với 3.278 năm công tác. Do vậy, số năm công tác của 169 CBCNV này không được tính lần 02 khi cổ phần hóa HACINCO vào năm 2005, nên số năm công tác còn được mua cổ phần ưu đãi chỉ còn lại là: 2.312 năm (tương ứng số tiền là 2.312.000.000 đồng).

Theo ý kiến của Ban chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp tại công văn số 167/BĐMDN ngày 19/4/2010 thì “người lao động chỉ được mua cổ phần ưu đãi một lần cho mỗi năm thực tế làm việc tại khu vực nhà nước, các trường hợp mua cổ phần ưu đãi nhiều hơn một lần cho một năm làm việc tại khu vực nhà nước là không đúng với quy định của Nghị định 187/2004/NĐ-CP, cần phải thu hồi”.

Vấn đề này đã được UBND TP Hà Nội khẳng định tại Công văn số 830/UBND-KL ngày 29/01/2011 gửi Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời các bộ ban ngành của Trung ương và UBND TP Hà Nội cũng đã thống nhất phương án giải quyết theo đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại Công văn số 2443/LĐTBXH-LĐVL ngày 19/7/2006 và Công văn số 2633/LĐTBXH-LĐVL ngày 03/8/2006, cụ thể: “Đối với người lao động đã được mua cổ phần ưu đãi khi cổ phần hóa bộ phận doanh nghiệp (khách sạn Hacinco) cần được xóa bỏ hoặc giảm trừ quyền mua cổ phần ưu đãi của những người này khi cổ phần hóa Công ty Đầu tư xây dựng số 2”

Trước đó, theo Thông báo số 283/TB-UBND ngày 27/8/2007 của UBND TP Hà Nội, để giải quyết số cổ phần ưu đãi có tính trùng năm công tác của người lao động thì sẽ áp dụng một trong hai hình thức: xóa bỏ hoặc giảm trừ quyền mua cổ phần ưu đãi.

Đối với trường hợp xử lý theo hình thức xoá bỏ quyền mua cổ phần ưu đãi tính trùng thì người lao động sẽ phải hoàn trả lại cho Nhà nước toàn bộ số cổ phần đã được mua ưu đãi giảm giá khi cổ phần hoá khách sạn HACINCO và toàn bộ số cổ tức nhận được từ số cổ phần này. Người lao động được mua cổ phần ưu đãi giảm giá tại HACINCO trên toàn bộ thời gian công tác trong khu vực Nhà nước tính đến thời điểm cổ phần hoá HACINCO; Nhà nước sẽ hoàn trả cho người lao động số tiền mà người lao động đã nộp khi mua cổ phần ưu đãi tại khách sạn HACINCO và số tiền lãi tính trên số tiền người lao động đã nộp với mức lãi suất thoả thuận.

Còn đối với trường hợp xử lý theo hình thức giảm trừ quyền mua cổ phần ưu đãi tính trùng thì người lao động không phải hoàn trả lại Nhà nước số cổ phần đã được mua ưu đãi giảm giá khi cổ phần hoá khách sạn HACINCO và cổ tức đã nhận; và thời gian công tác để mua cổ phần ưu đãi khi cổ phần hoá HACINCO được tính từ khi cổ phần hoá bộ phận khách sạn HACINCO đến thời điểm cổ phần hoá HACINCO.


23 nhà đầu tư đã thanh toán hơn 21 tỷ đồng cho một công ty thuộc quản lý của UBND TP Hà Nội nhưng suốt 10 năm đã bị ém nhẹm trái pháp luật.

23 nhà đầu tư đã thanh toán hơn 21 tỷ đồng cho một công ty thuộc quản lý của UBND TP Hà Nội nhưng suốt 10 năm đã bị "ém nhẹm" trái pháp luật.

Vì vậy, kiến nghị chuyển 397.100.000 đồng từ cơ cấu vốn cổ đông mua ưu đãi sang vốn cổ đông mua đấu giá là không phù hợp với quy định pháp luật và các căn cứ nêu trên.

Thứ ba: kiến nghị công nhận kết quả Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất ngày 02/12/2005 của HACINCO là không có căn cứ vì Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất của HACINCO được tiến hành không đúng quy định pháp luật, còn nhiều sai sót, cụ thể:

Việc gửi Giấy triệu tập Đại hội và tài liệu không đảm bảo thời gian tối thiểu là 15 ngày theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 74 Luật doanh nghiệp 1999. Trên thực tế, tài liệu này được gửi cho Tổng công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội chỉ trước ngày chính thức khai mạc Đại hội cổ đông 01 ngày. Bên cạnh đó, việc lập danh sách cổ đông khi tiến hành Đại hội cũng không đảm bảo về thời gian quy định tại khoản 1 Điều 72 Luật doanh nghiệp năm 1999 (Những sai phạm này đã được UBND TP Hà Nội khẳng định tại Công văn số 1312/UBND-CN ngày 13/3/2007 gửi Thủ tướng chính phủ báo cáo việc thực hiện cổ phần hóa HACINCO).

Ngoài ra, ngay cả trong trường hợp không xem xét đến sai phạm về việc gửi Giấy triệu tập Đại hội và việc lập danh sách cổ đông thì kết quả Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất ngày 02/12/2005 của HACINCO cũng không thể được công nhận bởi:

Trong tổng số cổ phần của HACINCO tương ứng với mức vốn điều lệ: 47.168.600.000 đồng theo nội dung Quyết định số 7867/QĐ-UB ngày 30/11/2005 của UBND TP Hà Nội thì có nhiều cổ phần được coi là không hợp lệ, cụ thể: 88.889 cổ phần của nhà đầu tư Lê Đình Hưng được thanh toán không đúng quy định tại Quy chế bán đấu giá cổ phần, 752.389 cổ phần chuyển nợ thành vốn góp trái quy định của pháp luật, 3.281 năm lao động của người lao động để tính cổ phần ưu đãi bị tính sai…. (Vấn đề này đã được khẳng định tại Công văn số 5494/UBND-CN gửi đồng chí Phạm Quang Nghị - Bí thư Thành ủy Hà Nội báo cáo việc thực hiện cổ phần HACINCO ngày 24/11/2006, Báo cáo số 847/BC-STC/TCDN ngày 20/3/2006 của Sở Tài Chính thành phố Hà Nội gửi UBND TP Hà Nội về quá trình cổ phần hóa HACINCO…)

Tuy nhiên, Đại hội đồng cổ đông của HACINCO được tiến hành với sự tham dự và biểu quyết của cả những nhà đầu tư mua cổ phần không hợp pháp, hợp lệ - những người chưa hoàn thành việc thanh toán tiền mua cổ phần, không đảm bảo tư cách cổ đông tại HACINCO là vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 70 Luật doanh nghiệp năm 1999 về Đại hội đồng cổ đông. Do đó, kết quả của Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất ngày 02/12/2005 của HACINCO là không hợp pháp, không thể được công nhận như kiến nghị của Thanh tra Chính phủ tại Kết luận 2125/KL-TTCP. (Sở Tài Chính Hà Nội đã rất nhiều lần kiến nghị hủy bỏ kết quả Đại hội cổ đông ngày 02/12/2005 của HACINCO tại Công văn số 441/STC/TCDN-P2 của Sở Tài Chính Hà Nội ngày 17/02/2006 gửi UBND TP Hà Nội và Ban Đổi mới phát triển doanh nghệp và Báo cáo số 847/BC-STC/TCDN của Sở Tài Chính Hà Nội ngày 20/3/2006 gửi UBND TP Hà Nội báo cáo về quá trình bán cổ phần và tổ chức Đại hội cổ đông lần đầu tại HACINCO).

Như vậy, kiến nghị của Thanh tra Chính phủ tại Kết luận số 2125/KL-TTCP ngày 01/9/2009 là không có cơ sở và trái với quy định của pháp luật. Về bản chất, không thể giữ nguyên vốn điều lệ như nội dung Quyết định 7867/QĐ-UB của UBND TP Hà Nội vì nội dung Quyết định này bao gồm cả những cổ phần được phát hành không đúng quy định pháp luật. Trong trường hợp của HACINCO, toàn bộ số cổ phần được chào bán sai quy định pháp luật (như chuyển nợ thành vốn góp sai quy định; tính trùng số năm công tác của người lao động; chưa nộp đủ tiền vào tài khoản phong toả tại kho bạc theo quy định...), bao gồm cổ phần ưu đãi và cổ phần bán đấu giá tại Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội, sẽ được coi là chưa bán hết và được xử lý theo quy định tại khoản 5, Điều 31, Nghị định 187/2004/NĐ-CP “...Trường hợp cổ phần chưa bán hết thì doanh nghiệp báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định cổ phần hoá để điều chỉnh quy mô hoặc cơ cấu vốn điều lệ trong phương án cổ phần hoá và thực hiện chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần”.

Cụ thể hoá quy định này, điểm 6.1 phần B, mục V Thông tư 126/2004/TT-BTC ngày 24/12/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định 187/2004/NĐ-CP quy định: “Trường hợp nhà đầu tư (bao gồm cả người lao động và nhà đầu tư chiến lược) không mua hết thì số cổ phần còn lại sẽ được bán tiếp cho các nhà đầu tư tham gia đấu giá…”. Trong trường hợp các nhà đầu tư tham gia đấu giá không mua hết số cổ phần bán ra thì thực hiện điều chỉnh quy mô vốn điều lệ và vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định tại điểm 6.2 phần B, mục V Thông tư 126/2004/TT-BTC.

Luật sư Lam Hồng khẳng định: Để giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế trong quá trình cổ phần hóa tại HACINCO, đảm bảo cân bằng quyền lợi hợp pháp của Nhà nước, nhà đầu tư và người lao động, các cơ quan ban ngành cần xem xét, quyết định điều chỉnh giảm vốn điều lệ tương ứng với số cổ phần không bán được, bán sai quy định để điều chỉnh giảm vốn điều lệ của HACINCO.

Việc điều chỉnh giảm vốn điều lệ về vốn thực góp là phù hợp với phương án cổ phần hóa ban đầu đã được phê duyệt tại Quyết định 6680/QĐ-UB ngày 29/9/2005, theo đó hình thức cổ phần hóa là “Bán một phần vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp hoặc kết hợp vừa bán bớt một phần vốn nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để thu hút vốn”; đúng theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định 187/2004/NĐ-CP; phù hợp với tinh thần của Quyết định số 94/2005/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ: “Nhà nước giữ cổ phần ở mức thấp hoặc không giữ cổ phần”.

Cụ thể, vốn điều lệ của HACINCO cần được điều chỉnh về số vốn thực góp như sau:

Tổng vốn điều lệ: 28.328.160.000 đồng, trong đó:

+ Vốn góp của Nhà nước: 4.553.600.000 đồng; tương ứng 16.07% vốn điều lệ;

+ Vốn góp của cổ đông trong doanh nghiệp mua theo giá ưu đãi: 1.889.790.000 đồng, tương ứng 6.67 % vốn điều lệ;

+ Vốn của cổ đông mua đấu giá trên sàn giao dịch: 21.884.770.000 đồng, tương ứng 77.26 % vốn điều lệ.

Sau khi xử lý kết quả bán cổ phần như trên, UBND TP Hà Nội sẽ ban hành quyết định điều chỉnh quy mô và cơ cấu vốn điều lệ, làm cơ sở để HACINCO tổ chức Đại hội cổ đông theo đúng quy định của pháp luật hiện hành và ra Quyết định công nhận HACINCO trở thành Công ty cổ phần.

Luật sư Lam Hồng nhấn mạnh: Bản chất HACINCO là Công ty cổ phần nhưng lại đang hoạt động dưới tư cách là một Doanh nghiệp Nhà nước. Chính sự nửa vời giữa Doanh nghiệp nhà nước và Công ty cổ phần tại HACINCO đã khiến các cổ đông là người lao động và các nhà đầu tư hợp pháp phải long đong, mòn mỏi chờ đợi suốt hơn một thập kỷ qua. Đã đến lúc các cơ quan có thẩm quyền phải dứt khoát cổ phần hóa HACINCO theo đúng quy định của pháp luật để vụ cổ phần hóa vịt trời HACINCO đi đến hồi kết.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc!

Anh Thế (thực hiện)