Bài 13:
Văn phòng Chính phủ yêu cầu xử lý vụ cổ phần hoá “vịt trời” tại Hacinco
(Dân trí) - Liên quan đến vụ việc cổ phần hóa “vịt giời” tại Công ty Đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội (HACINCO), Báo Dân trí đã đăng tải loạt bài làm rõ việc 23 nhà đầu tư bỏ hơn 21 tỷ “tiền tươi” đi đuổi “vịt trời” suốt hơn 10 năm. Văn phòng Chính phủ đã chính thức có công văn yêu cầu UBND TP Hà Nội giải quyết dứt điểm sự việc.
Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn số 7391/VPCP-ĐMDN gửi UBND TP Hà Nội truyền đạt chỉ đạo: “…UBND TP Hà Nội để xem xét, xử lý theo thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 11 năm 2016” . Đây là chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng Chính phủ trong vụ việc cổ phần hóa “vịt trời” tại Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (HACINCO) mà Báo điện tử Dân trí đã liên tiếp đăng tải trong thời gian qua.
Trước đó, Báo Dân trí nhận được Đơn kêu cứu của Công ty Cổ phần Đầu tư NCX Hà Nội - đại diện của 23 nhà đầu tư kêu cứu về sự chậm chễ trong quá trình cổ phần hóa Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (HACINCO) đã xâm phạm nghiêm trọng tới quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư cũng như của người lao động trong doanh nghiệp.
Theo nội dung Đơn kêu cứu, ngày 29/10/2004, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 7252/QĐ-UB cho phép Công ty Đầu tư xây dựng số 2 (HACINCO) triển khai cổ phần hóa. Ngày 29/9/2005, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 6680/QĐ-UB phê duyệt giá trị doanh nghiệp và phương án cổ phần hóa của HACINCO với một số nội dung chính như sau: Thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa: 31/12/2004; Giá trị thực tế doanh nghiệp: 26.208.975.812 đồng; Giá trị thực tế vốn nhà nước: 7.189.588.114 đồng; Vốn điều lệ dự kiến: 50 tỷ đồng; Giá khởi điểm cổ phần chào bán: 10.000 đồng/1 cổ phần.
Ngày 25/10/2005, 23 nhà đầu tư đã mua cổ phần của HACINCO trong phiên đấu giá được tổ chức công khai tại Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội. 23 nhà đầu tư này đã thực hiện nghiêm túc quy trình, thủ tục mua cổ phần từ việc đăng ký tham gia cho đến việc đặt cọc, nộp phiếu tham dự đấu giá và thanh toán mua cổ phần theo đúng các quy định với tổng số tiền đã thanh toán là hơn 21 tỷ đồng.
Quyết định cổ phần hoá HACINCO đã được ký cách đây hơn 10 năm.
Ngày 01 - 02/12/2005, HACINCO đã tiến hành Đại hội cổ đông lần đầu để thông qua Điều lệ, Phương án sản xuất kinh doanh sau cổ phần hóa và bầu Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát Công ty cổ phần. Tuy nhiên, 10 năm sau đó, đến tận ngày hôm nay, HACINCO vẫn chưa hoàn thiện quá trình cổ phần hóa theo đúng quy định pháp luật khiến 23 nhà đầu tư “chết mòn” trong vô vọng.
Để tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình cổ phần hóa, Chính phủ đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo về giải quyết những tồn tại, vướng mắc việc CPH Hacinco tại các Công văn số 7409/VPCP-ĐMDN ngày 19/12/2006, Công văn số 1577/VPCP-ĐMDN ngày 26/3/2007, Công văn số 3311/VPCP-ĐMDN ngày 15/6/2007, Công văn số 689/TTg-ĐMDN ngày 07/05/2009, Công văn số 6025/VPCP-ĐMDN ngày 01/9/2009, Công văn số 6561/VPCP-KNTN ngày 22/9/2009;
Phải công nhận HACINCO là công ty cổ phần để đảm bảo quyền lợi của người lao động và các nhà đầu tư hợp pháp, gấp rút hoàn thiện các thủ tục để hoàn thành cổ phần hóa HACINCO.
Tại Công văn số 1704/VPCP-KNTN ngày 22/3/2011, Văn phòng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo “Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm chỉ đạo xử lý khẩn trương các tồn tại, vướng mắc trong quá trình CPH Công ty Đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội theo đúng quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, đến nay công tác cổ phần hóa tại HACINCO vẫn chưa được hoàn tất.
Bức xúc với việc quyền và lợi ích bị xâm phạm hơn 10 năm nhưng không một cơ quan chức năng nào đứng ra giải quyết thỏa đáng để bảo vệ quyền lợi cho các nhà đầu tư, ngày 22/8/2016, các nhà đầu tư đã có công văn xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc cổ phần hóa HACINCO.
Ngày 05/9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã tiếp tục có công văn số 7391/VPCP-ĐMDN chỉ đạo UBND TP Hà Nội xem xét công văn của các nhà đầu tư, giải quyết theo thẩm quyền, cụ thể, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: “…UBND TP Hà Nội để xem xét, xử lý theo thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 11 năm 2016”.
23 nhà đầu tư đã thanh toán hơn 21 tỷ đồng cho một công ty thuộc quản lý của UBND TP Hà Nội nhưng suốt 10 năm đã bị "ém nhẹm" trái pháp luật.
Liên quan đến vụ việc này, Luật sư Phan Thị Lam Hồng - Giám đốc Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội phân tích: Sự chậm trễ trong việc cổ phần hóa Công ty Đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội đã gây ra thiệt hại và rủi ro rất lớn cho các nhà đầu tư và người lao động đã mua cổ phần của HACINCO, từ cơ hội kinh doanh bị mất cho đến vấn đề lãi suất, trượt giá, quyền tham gia quản lý điều hành công ty, quyền được hưởng cổ tức và cả những rủi ro trong quá trình điều chỉnh chính sách, pháp luật về cổ phần hóa. UBND TP Hà Nội, Tổng công ty HANDICO, các cơ quan chức năng có liên quan cần có cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn đối với quyền lợi bị lãng quên của các nhà đầu tư.
Theo Luật sư Lam Hồng thì để đảm bảo cân bằng quyền lợi hợp pháp của Nhà nước, nhà đầu tư và người lao động trong quá trình cổ phần hóa tại HACINCO, các cơ quan ban ngành cần xem xét, quyết định điều chỉnh giảm vốn điều lệ tương ứng với số cổ phần không bán được, bán sai quy định tương tự như việc trước đó UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 7867/QĐ-UB ngày 31/11/2005 để điều chỉnh giảm vốn điều lệ của HACINCO.
Việc điều chỉnh giảm vốn điều lệ về vốn thực góp là phù hợp với phương án cổ phần hóa ban đầu đã được phê duyệt tại Quyết định 6680/QĐ-UB ngày 29/9/2005, theo đó hình thức cổ phần hóa là “Bán một phần vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp hoặc kết hợp vừa bán bớt một phần vốn nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để thu hút vốn”; đúng theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định 187/2004/NĐ-CP); phù hợp với tinh thần của Quyết định số 94/2005/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ: “Nhà nước giữ cổ phần ở mức thấp hoặc không giữ cổ phần”.
Như vậy, sự chậm chễ trong cổ phần hóa tại HACINCO không chỉ khiến 23 nhà đầu tư bỏ “tiền tươi” đi đuổi “vịt trời” suốt hơn 10 năm qua mà chính những người lao động đã làm việc và mua cổ phần tại HACINCO thời điểm tiến hành cổ phần hoá cũng bị dồn vào chân tường. Bao nhiêu năm tháng cống hiến, góp sức xây dựng Hacinco, khi cổ phần hóa, chính những người lao động đang làm việc tại công ty đã phải chuyển nợ lương, chuyển tiền quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi của mình thành cổ phần, thậm chí nhiều người đã phải bỏ tiền mặt để mua cổ phần của HACINCO. Thế nhưng những cổ phần ưu đãi dành cho họ, dường như đã quá “ưu ái” khi níu giữ “tiền mồ hôi, nước mắt của người lao động” tại HACINCO đến tận bây giờ? Đã hơn 10 năm dâu bể, quyền - lợi ích hợp pháp của người lao động đã mua cổ phần khi cổ phần hoá HACINCO vẫn chỉ là con số 0 tròn chĩnh.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Anh Thế