Bài 14:
Vụ cổ phần hóa “vịt trời” tại HACINCO: Khó hay không muốn cổ phần hóa?
(Dân trí) - Liên quan đến vụ việc cổ phần hóa “vịt trời” kéo dài hơn một thập kỷ tại Công ty Đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội (HACINCO), Báo Dân trí đã có loạt bài điều tra làm rõ từng góc khuất pháp lý về vụ việc kỳ lạ này. Văn phòng Chính phủ đã chính thức có công văn yêu cầu UBND TP Hà Nội giải quyết dứt điểm sự việc.
Làm việc với PV Dân trí, Luật sư Phan Thị Lam Hồng - Giám đốc Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội cho rằng để có thể hoàn tất công cuộc này chúng ta cần phải làm rõ vấn đề cổ phần hóa HACINCO: Khó hay không muốn cổ phần hóa?
Luật sư Lam Hồng cho rằng, vấn đề mấu chốt cần giải quyết là phương án cổ phần hóa của HACINCO phải được lựa chọn và thực thi theo đúng quy định pháp luật cũng như tình hình thực tế tại doanh nghiệp này. Các cơ quan ban ngành cần xem xét, quyết định điều chỉnh giảm vốn điều lệ tương ứng với số cổ phần không bán được, bán sai quy định tương tự như việc trước đó UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 7867/QĐ-UB ngày 31/11/2005 để điều chỉnh giảm vốn điều lệ của HACINCO.
Trở lại với vụ việc cổ phần hóa HACINCO, như báo Điện tử Dân trí đã đưa tin, ngày 29/10/2004, UBND Thành phố Hà Nội đã có Quyết định số 7252/QĐ-UB cho phép Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội tiến hành cổ phần hóa doanh nghiệp. Ngày 29/09/2005, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 6680/QĐ-UB về phê duyệt giá trị doanh nghiệp và phương án cổ phần hóa HACINCO, với hình thức cổ phần hóa: “Bán một phần vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp hoặc kết hợp vừa bán bớt một phần vốn nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để thu hút vốn”; đúng theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định 187/2004/NĐ-CP); phù hợp với tinh thần của Quyết định số 94/2005/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ: “Nhà nước giữ cổ phần ở mức thấp hoặc không giữ cổ phần”.
Trên cơ sở Báo cáo tổng hợp kết quả bán đấu giá cổ phần của Công ty HACINCO tại Tờ trình số 108/TTr-TCKT ngày 18/11/2005, Sở Tài chính đã có công văn số 4131 STC/TCDN-P2 ngày 28/11/2005 đề nghị UBND TP xem xét điều chỉnh giảm vốn điều lệ của Công ty;
Ngày 30/11/2005, UBND thành phố Hà Nội có Quyết định số 7867/QĐ-UB điều chỉnh vốn điều lệ và cơ cấu vốn điều lệ của HACINCO như sau:
Tổng vốn điều lệ là 47.168.600.000 đồng, trong đó:
+ Cổ phần nhà nước và giao Tổng Công ty HANDICO quản lý (9,65%): 4.553.600.000 đồng;
+ Cổ phần bán ưu đãi cho 498 lao động theo năm công tác (11,85%): 5.590.000.000 đồng;
+ Cổ phần bán đấu giá (78,5%): 37.025.000.000 đồng.
Văn phòng Chính phủ yêu cầu xử lý dứt điểm vụ cổ phần hoá “vịt trời” tại Hacinco.
Ngày 01-02/12/2005, HACINCO đã tiến hành Đại hội cổ đông lần đầu để thông qua Điều lệ, Phương án sản xuất kinh doanh sau cổ phần hóa và bầu Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát. Tuy nhiên, ngay sau đại hội, UBND thành phố Hà Nội phát hiện HACINCO có nhiều sai phạm như: chuyển nợ thành vốn góp sai quy định; tính trùng số năm công tác của người lao động... (theo Công văn số 4143/UBND-CN ngày 31/7/2007 của UBND TP Hà Nội gửi Thủ tướng Chính phủ), nên UBND Thành phố chưa ban hành Quyết định chuyển HACINCO thành Công ty cổ phần.
Ngày 17/02/2006, Sở Tài chính đã có Công văn số 441/STC-TCDN-P2 gửi UBND Thành phố Hà Nội báo cáo và đề xuất xử lý đối với số cổ phần không bán hết theo 3 phương án:
Phương án 01: Điều chỉnh giảm vốn điều lệ của Công ty cổ phần;
Phương án 02: Giữ nguyên mức vốn điều lệ và tăng tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ tại Công ty cổ phần;
Phương án 03: Tiếp tục bán ra ngoài số cổ phần chưa bán hết của lần 01;
Trong 03 phương án trên, Phương án 01 là phù hợp với phương án và hình thức cổ phần hóa ban đầu đã được phê duyệt tại Quyết định 6680/QĐ-UB ngày 29/9/2005; phù hợp quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định 187/2004/NĐ-CP và tinh thần của Quyết định số 94/2005/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ: “Nhà nước giữ cổ phần ở mức thấp hoặc không giữ cổ phần”. Đây cũng là phương án đảm bảo tối đa nhất quyền - lợi ích hợp pháp của người lao động và nhà đầu tư. Còn phương án 02 và phương án 03 thì không phù hợp với quy định pháp luật hiện hành và thông tin Cáo bạch ban đầu;
Ngày 24/11/2006, UBND TP Hà Nội có công văn số 5494/UB-TP về tình hình hoạt động kinh doanh của HACINCO, theo đó, kể từ thời điểm ban hành Quyết định số 6680/QĐ-UB ngày 29/9/2005 phê duyệt giá trị doanh nghiệp và phương án cổ phần hóa, hoạt động sản xuất kinh doanh tại HACINCO liên tục thua lỗ với số tiền lên tới 7.400 triệu đồng, vượt quá số vốn Nhà nước hiện có tại HACINCO (7.189 triệu đồng). Do vậy, từ năm 2005, HACINCO đã sử dụng toàn bộ số tiền trên 23 tỷ đồng của người lao động và các nhà đầu tư để sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, về bản chất HACINCO không còn là doanh nghiệp nhà nước nên việc chuyển đổi sang Công ty cổ phần là điều tất yếu.
Thế nhưng khi xử lý những tồn tại trong quá trình cổ phần hóa HACINCO, bằng các văn bản số 441 STC/TCDN-P2 ngày 17/02/2006 của Sở Tài chính Hà Nội, văn bản số 559/TCT-ĐTQLV ngày 29/05/2009 của Tổng Công ty HANDICO, Biên bản cuộc họp ngày 28/5/2009, Sở Tài chính Hà Nội và Tổng Công ty HANDICO đều tham mưu cho UBND TP Hà Nội phương án 2: “giữ nguyên mức vốn điều lệ và tăng tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ ...” tại HACINCO và Tổng Công ty HANDICO đầu tư thêm vốn nhà nước để thay thế các cổ phiếu không hợp lệ bị loại.
Do vậy, ngày 22/4/2010, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định 1886/QĐ-UBND về việc điều chỉnh vốn điều lệ và cơ cấu vốn điều lệ. Theo đó, vốn điều lệ của HACINCO giữ nguyên theo Quyết định số 7867/QĐ-UB ngày 30/11/2005 là 47.168.600.000 đồng, tuy nhiên cơ cấu vốn điều lệ lại có sự thay đổi theo hướng tăng tỷ lệ vốn góp của nhà nước từ 9,11% lên 49,6% và Tổng Công ty HANDICO đầu tư thêm vốn nhà nước với số tiền: 17.360.450.000 đồng để thay thế các cổ phiếu không hợp lệ bị loại, cụ thể như sau:
+ Giá trị cổ phần Nhà nước nắm giữ: 23.394.040.000 đồng, chiếm 49,6%
+ Giá trị cổ phần ưu đãi: 1.889.790.000 đồng, chiếm 4,0%
+ Giá trị cổ phần bán đấu giá: 21.884.770.000 đồng, chiếm 46,4%
23 nhà đầu tư đã thanh toán hơn 21 tỷ đồng cho một công ty thuộc quản lý của UBND TP Hà Nội nhưng suốt 10 năm đã bị "ém nhẹm" trái pháp luật.
Quyết định 1886/QĐ-UBND ban hành cho đến nay vẫn không thể triển khai thực hiện bởi có rất nhiều điểm bất hợp lý, trái quy định pháp luật, trái với hình thức cổ phần hóa được quy định tại Điều 3, Nghị định 187/2004/NĐ-CP; đi ngược lại với tinh thần cổ phần hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 94/2005/QĐ-TTg ngày 05/5/2005 “Nhà nước giữ cổ phần ở mức thấp hoặc không giữ cổ phần” (điểm b, khoản 2, Chương I, Phân A, Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 94/2005/QĐ-TTg); trái với chủ trương của Đảng, Nhà nước là tạo “sân chơi chung” bình đẳng cho các loại hình doanh nghiệp: doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp nhà nước đều chịu sự điều chỉnh bởi Luật doanh nghiệp năm 2005, thay vì áp dụng theo một đạo luật riêng biệt như trước đây (Luật doanh nghiệp nhà nước năm 2003).
Cũng vì sự bất hợp lí này mà mặc dù Chính phủ đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo về giải quyết những tồn tại, vướng mắc việc cổ phần hóa HACINCO tại các Công văn số 7409/VPCP-ĐMDN ngày 19/12/2006, Công văn số 1577/VPCP-ĐMDN ngày 26/3/2007, Công văn số 3311/VPCP-ĐMDN ngày 15/6/2007, Công văn số 689/TTg-ĐMDN ngày 07/05/2009, Công văn số 6025/VPCP-ĐMDN ngày 01/9/2009, Công văn số 6561/VPCP-KNTN ngày 22/9/2009… Tại Công văn số 1704/VPCP-KNTN ngày 22/3/2011, Văn phòng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo “Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm chỉ đạo xử lý khẩn trương các tồn tại, vướng mắc trong quá trình CPH Công ty Đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội theo đúng quy định của pháp luật”. Gần đây nhất, UBND Thành phố Hà Nội đã có Công văn số 8384/VP-KT ngày 03/12/2015; Công văn số 1433/VP-KT ngày 01/3/2016, chỉ đích danh 03 đơn vị chủ chốt là: Sở Tài chính, Tổng Công ty HANDICO, HACINCO khẩn trương thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội để chuyển HACINCO thành Công ty cổ phần nhưng quá trình cổ phần hóa HACINCO đến nay vẫn không thực hiện được.
Việc cổ phần hóa Công ty HACINCO kéo dài đã 11 năm kể từ 2005 đến nay nhưng UBND thành phố Hà Nội vẫn chưa có hướng xử lý, giải quyết. Các nhà đầu tư và người lao động vẫn chưa được hưởng bất kỳ lợi ích nào cũng như không được tham gia vào công tác quản lý, điều hành tại HACINCO.
Luật sư Lam Hồng khẳng định: Để chuyển đổi HACINCO trở thành Công ty cổ phần theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo hài hòa quyền - lợi ích hợp pháp của Nhà nước, nhà đầu tư và người lao động, các cơ quan chức năng và UBND thành phố Hà Nội cần khẩn trương giải quyết dứt điểm những tồn tại, vướng mắc và thực hiện cổ phần hóa HACINCO theo Phương án 01 như đề xuất của Sở Tài chính tại Công văn số 441/STC-TCDN-P2 ngày 17/02/2006, cụ thể là Điều chỉnh giảm vốn điều lệ - Giữ nguyên giá trị vốn góp nhà nước theo thông tin Cáo bạch ban đầu, với tổng vốn điều lệ: 28.328.160.000 đồng, trong đó:
+ Vốn góp của Nhà nước: 4.553.600.000 đồng; tương ứng 16.07% vốn điều lệ;
+ Vốn góp của cổ đông trong doanh nghiệp mua theo giá ưu đãi: 1.889.790.000 đồng, tương ứng 6.67 % vốn điều lệ;
+ Vốn của cổ đông mua đấu giá trên sàn giao dịch: 21.884.770.000 đồng, tương ứng 77.26 % vốn điều lệ.
Quá trình cổ phần hóa tại HACINCO vẫn đang “lững lờ” trôi trước sự chờ đợi mòn mỏi của nhà đầu tư và người lao động đã đầu tư, mua cổ phần của HACINCO cách đây hơn một thập kỷ. Bất chấp việc Chính phủ và UBND TP Hà Nội đã nhiều lần có công văn chỉ đạo, yêu cầu nhanh chóng cổ phần hóa dứt điểm HACINCO nhưng vụ việc dường như vẫn không có bước tiến triển mới. Dư luận không khỏi đặt câu hỏi: Vì khó hay vì không muốn cổ phần hóa? Trách nhiệm do không thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Hà Nội cũng như các cơ quan chức năng sẽ được xử lý như thế nào?
Có thể thấy, những vấn đề còn tồn tại trong quá trình cổ phần hóa HACINCO hoàn toàn có thể giải quyết và buộc phải giải quyết trên cơ sở các quy định của pháp luật và chủ trương cổ phần hóa của Đảng, Nhà nước ta. Có như vậy mới đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, những người lao động đã long đong đi đuổi “vịt trời” hơn một thập kỷ cũng như tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế của đất nước.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc.
Anh Thế