Kiên Giang - Bài 18:

Vụ chặt cây trên đất đã mua suýt ngồi tù: Bất nhất kết quả định giá tài sản

(Dân trí) - Một trong các căn cứ để truy tố bà Gương “Hủy hoại tài sản” là vấn đề định giá tài sản (các cây bị cắt nhánh); liệu vấn đề định giá có gì khuất tất với 2 kết quả định giá với các căn cứ không rõ ràng?

Tài sản bị thiệt hại có giá trị bao nhiêu?

Hai Kết luận định giá tài sản do Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự Kiên Lương thực hiện để cơ quan CSĐT công an huyện Kiên Lương làm cơ sở khởi tố bà Lê Thị Gương (thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương) tội “Hủy hoại tài sản” xuất hiện nhiều tình tiết bất nhất. Xung quanh sự việc này, Luật sư Phạm Hoài Nam – Hãng luật Giải phóng, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh bày tỏ quan điểm như sau:

Theo hồ sơ vụ án, tại Biên bản định giá số 06/BKL-HĐĐGTS ngày 30/7/2018, theo yêu cầu tại văn bản số 424a/QĐTC ngày 18/7/2018 của cơ quan CSĐT Công an huyện Kiên Lương, Hội đồng định giá đã tiến hành “xác định toàn bộ giá trị tài sản trong vụ án tại thời điểm bị xâm phạm” là 22.000.000 đồng theo phương pháp khảo sát giá tại 02 vựa cây kiểng trên địa bàn huyện.

Vụ chặt cây trên đất đã mua suýt ngồi tù: Bất nhất kết quả định giá tài sản - 1
Vụ chặt cây trên đất đã mua suýt ngồi tù: Bất nhất kết quả định giá tài sản - 2

Tại biên bản định giá số 06, Hội đồng định giá "thống nhất giá trị tài sản tại thời điểm yêu cầu định giá" cảu cơ quan điều tra là 22 triệu đồng

Còn tại Biên bản định giá số 21/BB-HĐĐGTS ngày 12/9/2019 và căn cứ theo Công văn số 324a/CV-CSĐT của cơ quan CSĐT Công an huyện Kiên Lương, Hội đồng định giá lại “thống nhất xác định giá trị còn lại của tài sản” là 44.600.000 đồng. Vì sao có sự bất nhất về kết quả định giá số nhánh cây bị bà Gương thuê người cắt?

Vụ chặt cây trên đất đã mua suýt ngồi tù: Bất nhất kết quả định giá tài sản - 3
Vụ chặt cây trên đất đã mua suýt ngồi tù: Bất nhất kết quả định giá tài sản - 4

Tại biên bản số 21 thì Hội đồng định giá tài sản huyện Kiên Lương "thống nhất xác định giá trị còn lại của tài sản"... là 44 triệu đồng

Trong tình huống này cần phải hiểu “giá trị còn lại của tài sản” là giá trị của các cây sau khi bị cắt hay giá trị của những cành nhánh bị bà Gương thuê người cắt? Nếu là giá trị của các cây sau khi bị cắt thì để xác định thiệt hại của số cây này thì cơ quan điều tra phải lấy giá trị tài sản tại Kết luận định giá số 06 trừ đi giá trị tài sản còn lại tại Kết luận định giá số 21, giá trị chênh lệch này mới là căn cứ để truy tố hành vi “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác”.

Tuy nhiên, như kết luận định giá số 21 thì giá trị còn lại của số cây này lại cao hơn gấp hai lần giá trị khi chưa bị cưa cắt nhánh là rất mâu thuẫn. Còn nếu hiểu là giá trị của những nhánh bị cắt thì Hội đồng định giá tiến hành khảo sát giá của toàn bộ cây là không đúng yêu cầu định giá.

Mặt khác, căn cứ lời khai của bị cáo Lê Thị Gương cùng các nhân chứng khác (người cưa cây và những người dân xung quanh) trong quá trình điều tra và tại phiên tòa ngày 27/02/2020 xác định cây sộp trên phần đất bà Gương đang quản lý đã bị chết trước đó, có những cành cây khô mục rơi xuống mái nhà gây hư hỏng, trong hốc cây có xuất hiện nhiều rắn rết có thể gây hại đến sức khỏe, tính mạng của gia đình bà Gương.

Đồng thời, những cây còn lại bà Gương chỉ cắt nhánh chĩa về phía nhà bà Gương do đến mùa mưa bảo (thời điểm cuối tháng tháng 5/2018), bà Gương đã nhiều lần yêu cầu ông Nguyễn Chí Dũng – Trưởng Phòng quản lý đô thị huyện Kiên Lương và bà Vân Anh – vợ ông Dũng cắt bỏ những nhánh cây này nhưng không thực hiện.

Vụ chặt cây trên đất đã mua suýt ngồi tù: Bất nhất kết quả định giá tài sản - 5
Vụ chặt cây trên đất đã mua suýt ngồi tù: Bất nhất kết quả định giá tài sản - 6

Đến cơ quan điều tra thì xác định tài sản bị xâm hại có giá trị là 22 triệu đồng?

Vụ chặt cây trên đất đã mua suýt ngồi tù: Bất nhất kết quả định giá tài sản - 7

Căn cứ vào biên bản kết luận định giá tài sản số 21 thì Cơ quan điều tra tự cho rằng tài sản bị xâm hại có giá trị 44 triệu đồng; Trong khi Hội đồng định giá tai "thống nhất giá trị còn lại của tài sản... 44 triệu đồng"

Trước đó vào khoảng thời gian này thì ông Dũng đều tự nguyện cắt bỏ các nhánh cây chĩa về phía nhà bà Gương, bà Gương trình bày việc cắt bỏ những nhánh cây này là do mâu thuẫn về việc đổi đất giữa hai bên nên ông Dũng không chịu cắt, buộc bà Gương phải thuê người cắt những nhánh cây đó.

Trước những tình tiết, diễn biến vụ án, Hội đồng xét xử đã quyết định tạm hoãn phiên tòa để xuống kiểm tra thực nghiệm hiện trường vụ án thì thấy gốc cây sộp (đã chết) hiện vẫn nằm trên phần đất do bà Gương quản lý, sử dụng; còn các nhánh cây sộp bị cưa hiện đã mục nát, có rễ của cây khác bò trong thân cây này thì nằm bên phần đất của ông Dũng, bà Vân Anh, những cây bị bà Gương cắt nhánh thì vẫn sinh trưởng tốt và tiếp tục đâm chồi về phía nhà bà Gương; cũng cần nói rõ thêm rằng những thân cây chính vẫn bình thường và không rõ việc cắt nhánh của bà Gương ảnh hưởng gì đến giá trị thẩm mỹ của cây.

Bà Gương cũng cho rằng những cây này chỉ là cây xanh trồng dọc bờ hàng rào giáp đất của hai hộ gia đình không có căn cứ nào xác định đây là cây kiểng có giá trị (mới đây gia đình ông Dũng cũng đã đào một cây và vứt bỏ phía sau nhà), điều này cũng chưa được cơ quan điều tra, hội đồng định giá làm rõ trong các vấn đề về định giá tài sản.

Vụ chặt cây trên đất đã mua suýt ngồi tù: Bất nhất kết quả định giá tài sản - 8

Do không đủ chứng cứ buộc tội bị cáo Lê Thị Gương, HĐXX tuyên trả hồ sơ cho VKD điều tra bổ sung

Trong khi đó, các luật sư đã nhiều lần có kiến nghị về vấn đề này cũng như đề nghị triệu tâm điều tra viên và định giá viên của hội đồng định giá nhưng những người này đều đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt.

Do vấn đề định giá không có căn cứ rõ ràng nên đây là một trong các căn cứ để Tòa án quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung lần thứ hai. Hiện dư luận đang đặt ra câu hỏi rằng có khuất tất gì về vấn đề định giá? Liệu số cây này có phải thật sự là cây kiểng có giá trị hay không? Để cơ quan điều tra công an huyện Kiên Lương phải mất thời gian xử lý vụ việc mà nhiều người nhận định rằng đây chỉ là tranh chấp về dân sự.

Diễn biến vụ việc…

Như Dân trí đã thông tin, ngày 26/5/2018 bà Lê Thị Gương (thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương) thuê người chặt cây sộp quấn quanh cây Thốt Nốt đã chết nằm trên phần đất của bà. Ngoài ra, bà Gương còn thuê người cắt các nhánh cây sộp, cây sanh, cây me và cây Bằng Lăng (nằm trên phần đất mẹ vợ ông Nguyễn Chí Dũng - Trưởng phòng quản lý đô thị huyện Kiên Lương) khi các nhánh cây này chìa sang mái nhà của bà Gương.

Gia đình ông Dũng làm đơn tố giác tội phạm và yêu cầu xử lý hình sự đối với bà Gương. Sau thời gian điều tra, ngày 13/8/2018, cơ quan điều tra huyện Kiên Lương đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Lê Thị Gương về tội “hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” của bà Dương Thị Khương (mẹ ông Nguyễn Chí Dũng – Trưởng Phòng quản lý đô thị huyện Kiên Lương).

Vụ chặt cây trên đất đã mua suýt ngồi tù: Bất nhất kết quả định giá tài sản - 9

Gốc cây sộp bà Gương thuê người cắt nằm trên phần đất bà quản lý sử dụng từ năm 2010

Thấy bản kết luận điều tra của Cơ quan điều tra Công an huyện Kiên Lương (tỉnh Kiên Giang) và Kết luận định giá tài sản của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện Kiên Lương chưa đúng bản chất sự việc nên bà Gương có đơn khiếu nại gửi đến nhiều cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang.

Đến 14/01/2019, ông Vũ Hữu Dự - Phó viện trưởng VKS huyện Kiên Lương đã ký Quyết định tạm đình chỉ vụ án “Hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” xảy ra vào 6/6/2018 đối với bị can Lê Thị Gương”.

Đến ngày 8/4/2019, VKSND huyện Kiên Lương đã ra quyết định truy tố bà Lê Thị Gương tội “hủy hoại tài sản” theo khoản 1, Điều 178 Bộ Luật hình sự 2015.

Vụ chặt cây trên đất đã mua suýt ngồi tù: Bất nhất kết quả định giá tài sản - 10

Bà chỉ thuê người cắt những nhánh cây chĩa sang nhà... nhưng bị gia đình ông Dũng vu cho cái tội hủy hoại tài sản

Sau thời gian TAND huyện Kiên Lương thụ lý, tòa án đã trả hồ sơ cho cơ quan điều tra. Đến ngày 13/7/2019, CQĐT công an huyện Kiên Lương ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự đối với bị can Lê Thị Gương.

Đến ngày 26/8/2019, Phó Thủ trưởng CQĐT công an huyện Kiên Lương, thượng tá Phạm Thành Lắm ký quyết định phục hồi điều tra vụ án hình sự “Hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” đối với bị can Lê Thị Gương.

Và ngày 24/10/2019, thượng tá Lê Thành Lắm – Phó Thủ trưởng CQĐT công an huyện Kiên Lương ký Bản Kết luận điều tra bổ sung vụ án hình sự đề nghị truy tố bị can Lê Thị Gương tội “hủy hoại tài sản”.

Đến ngày 11/11/2019, ông Vũ Hữu Dự - Phó viện trưởng VKS huyện Kiên Lương ký và ban hành cáo trạng truy tố trước tòa bị can Lê Thị Gương tội Hủy hoại tài sản theo khoản 1, Điều 178, Bộ Luật hình sự.

Ngày 12/12, TAND huyện Kiên Lương đã có thông báo đến bị can Gương sẽ đưa vụ án ra xét xử vào ngày 26/12/2019. Nhưng do bị can Gương bị bệnh nên có đơn gửi đến TAND huyện Kiên Lương xin hoãn phiên tòa và tòa đã chấp thuận.

Sau đó phiên tòa được dời đến ngày 21/01/2020 (27 Tết) sẽ đưa vụ án ra xét xử, tuy nhiên bị cáo bị hại và những người liên quan không ai đến dự phiên tòa nên tòa án huyện Kiên Lương phải ra quyết định tạm hoãn phiên tòa. Ngày 27/2/2020, TAND huyện Kiên Lương đưa vụ án ra xét xử, tuy nhiên do tòa  nhận thấy chưa đủ chứng cứ buộc tội bị cáo Gương nên HĐXX đã tuyên trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Hiện dư luận đang đặt câu hỏi, vì sao gia đình ông Nguyễn Chí Dũng – Trưởng phòng quản lí đô thị huyện Kiên Lương làm đơn miễn trách nhiệm hình sự cho bà Lê Thị Gương?

Nguyễn Hành

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm