Kiên Giang - Bài 7:
Bi hài vụ chặt cây trên đất đã mua, nguy cơ ngồi tù: Cận cảnh tang vật có gì?
(Dân trí) - Một thường trực Hội sinh vật cảnh Kiên Giang cho biết, khi vụ việc xảy ra, CQĐT huyện Kiên Lương có mời Hội sinh vật cảnh tham gia đánh giá các loại cây kiểng do bà Gương thuê người chặt... Tuy nhiên, khi cán bộ đến ghi nhận thực tế, những cây này không nằm trong danh sách cây kiểng nên Hội không tham gia.
Một thường trực Hội sinh vật cảnh Kiên Giang (xin không nêu tên) cho biết, liên quan đến vụ án hình sự xảy ra vào 26/5/2018 (thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương) mà CQĐT huyện này đã truy tố bị can Lê Thị Gương tội “hủy hoại tài sản” của gia đình ông Nguyễn Chí Dũng (khi bà Gương chặt một số nhánh cây trên đất của gia đình ông Dũng - Trưởng Phòng Quản lí đô thị huyện Kiên Lương), CQĐT có mời Hội sinh vật cảnh Kiên Giang nhận định, đánh giá số cây, nhánh cây bị bà Gương thuê người chặt có giá trị như thế nào.
Theo vị cán bộ này: “Từ lời mời của CQĐT, Hội sinh vật cảnh cử cán bộ cùng đoàn công tác đến hiện trường. Tuy nhiên, khi đến ghi nhận thực tế, cán bộ báo cáo: cây sộp quấn quanh cây thốt nốt bị cắt ngang gốc và một số nhánh cây me, cây sộp, bằng lăng, cây sanh (cây gừa) bà Gương thuê người cắt nhánh không nằm trong danh kiểng (nhóm cây được thẩm định đưa vào danh sách cây kiểng); vụ việc có tính chất tranh chấp dân sự nên tôi chỉ đạo không tham gia vụ việc”.
Cũng theo vị thường trực Hội sinh vật cảnh này cho biết (vừa xin nghỉ việc tại Hội sinh vật cảnh), để xác định giá trị một cây kiểng, đầu tiên là xem cây này có nằm trong danh sách cây kiểng hay không. Sau đó, xác định loại cây, tuổi thọ, dáng thế cây kiểng và sự chăm sóc của chủ nhân (người này có qua trường lớp về cây kiểng hay không…). Từ đó, mới xác định giá trị tương đối của một cây kiểng.
Hiện TAND huyện Kiên Lương đã thụ lý vụ án và đã ra quyết định cấm bị can Lê Thị Gương không được đi khỏi nơi cư trú.
Bà Lê Thị Gương, chia sẻ: “Vì tin lời ông Nguyễn Chí Dũng, vợ chồng tôi đồng ý đổi mảnh đất của tôi cho ông Dũng để cất nhà ở. Nhưng nay sự việc vỡ lẽ, mảnh đất ông Dũng đổi cho tôi nằm trong qui hoạch, không cất nhà được. làm hại cả nhà tôi sống trong căn nhà cũ dột nát, mưa tạt tứ bề. Vì ông Dũng không thực hiện được những lời giao kèo trong giấy đổi đất với tôi nên tôi đã bổ sung đơn xin hủy hợp đồng đổi đất cho TAND huyện Kiên Lương”.
Để giúp bạn đọc nhìn rõ hơn về những “cây kiểng” mà CQĐT cho rằng bà Gương “hủy hoại” có giá đến 22 triệu đồng, PV Dân trí xin giới thiệu chùm ảnh:
Gốc cây sộp quấn quanh cây thốt nốt này nằm trên phần đất 2m mà vợ chồng ông Nguyễn Chí Dũng viết giấy tay bán cho bà Lê Thị Gương vào năm 2016 nhưng thực tế diện tích đất này bà Gương đã sử dụng từ năm 2010 (do ông Dũng cho để bù vào diện tích đất mà ông hoán đổi "nhầm" cho bà Gương vào năm 2010)
Thân cây sộp và cây thốt nốt chết khô như thế này
Số cây còn lại (cây sộp, canh bằng lăng, cây me, cây sanh (cây gừa)) của gia đình ông Nguyễn Chí Dũng trồng sát mí ranh của gia đình bà Gương. Vì thế những nhánh cây này chìa qua nhà làm cản trở lối đi, hư mái nhà... nên bà Gương thuê người cắt những nhánh cây chìa qua mái nhà, phần đất của bà
Cây sộp này đang có dấu hiệu chết dần
Cây bằng lăng thì lá đã rụng hết...
Riêng cây me thì các nhánh đã cắt nay mọc ra các nhánh khác. Chỉ vài tháng nữa, các nhánh cây phát triển sẽ tiếp tục chìa qua nhà bà Gương
Ngày 18/1, cán bộ VKS huyện Kiên Lương và công an đến xác định lại các nhánh cây bị bà Gương thuê người cắt để cung cấp cho Hội đồng thẩm định giá tỉnh Kiên Giang. Nhưng sau đó, VKS huyện Kiên Lương vẫn truy tố bà GƯơng tội hủy hoại tài sản mà không cần thẩm định lại giá, dù bà Gương có đơn đề nghị thẩm định lại giá các cây, nhánh cây bà thuê người cắt vào 26/5/2018
Cây sanh (cây gừa) nằm cuối mảnh đất của mẹ ông Nguyễn Chí Dũng um tùm như thế này
Chỗ nhánh cây bị cắt nay mọc ra 5 -7 nhánh khác. Chỉ vài tháng sau, các nhánh cây này tiếp tục "hoành hành" mái nhà bà Gương
Nguyễn Hành