Vụ bà lão bị cướp 430 tờ vé số: Có căn cứ để áp dụng tình tiết định khung?
(Dân trí) - Luật sư đánh giá cần giám định sức khỏe để xem bà D. có thường xuyên đau ốm, cần điều trị liên tục sau tai nạn hay không. Đây là căn cứ xem xét áp dụng tình tiết định khung đối với nghi phạm.
Nguyễn Thuận Thảo (44 tuổi, ở TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đang bị Công an TP Buôn Ma Thuột tạm giữ hình sự để điều tra hành vi Cướp giật tài sản. Thảo là nghi phạm cướp giật 430 tờ vé số của bà D. (62 tuổi) tại khu vực phường Thành Công (Buôn Ma Thuột) với tổng giá trị tài sản chiếm đoạt là hơn 4 triệu đồng.
Trong vụ việc, nạn nhân năm nay đã ngoài 60 tuổi, từng bị tai nạn giao thông năm 2023 dẫn tới sức khỏe giảm sút, phải chống gậy đi bán vé số để mưu sinh. Với những chi tiết này, việc Thảo phạm tội với bà D. có thuộc trường hợp phạm tội với người già yếu hay không?.
Luật sư Dương Đức Thắng (Giám đốc Công ty Luật Đức Trí Tín, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, có căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự của Thảo về hành vi Cướp giật tài sản theo Điều 171 Bộ luật Hình sự 2015. Khung hình phạt cơ bản của tội danh này là 1-5 năm tù.
Trường hợp hành vi thuộc các tình tiết định khung như phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, giá trị tài sản từ 50 triệu tới dưới 200 triệu đồng hay phạm tội với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc không có khả năng tự vệ, mức hình phạt áp dụng là phạt tù 3-10 năm.
Đối với tình tiết "phạm tội với người già yếu", đây là tình tiết định khung được quy định tại nhiều tội danh trong Bộ luật Hình sự như Cố ý gây thương tích (Điều 134), Hành hạ người khác (Điều 140), Cướp tài sản (Điều 168), Cưỡng đoạt tài sản (Điều 170)... Tuy nhiên, pháp luật hiện hành mới có văn bản hướng dẫn về các khái niệm "người cao tuổi", "người già" và "người quá già yếu" mà vô tình "bỏ quên", chưa có quy định cụ thể về việc áp dụng khái niệm "người già yếu" trong các vụ án hình sự.
Cụ thể, theo Điều 2 Luật Người cao tuổi 2009, "người cao tuổi" là công dân ở độ tuổi từ 60 tuổi trở lên. Còn theo Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP và số 01/2007/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, "người già" được xác định là người từ đủ 70 tuổi trở lên còn "người quá già yếu" là người từ 70 tuổi trở lên hoặc người từ 60 tuổi trở lên nhưng thường xuyên đau ốm.
"Do pháp luật hiện hành chưa có hướng dẫn cụ thể về khái niệm "người già yếu" nên đây vẫn là một tình tiết định khung mang tính định tính cao. Đối với trường hợp này, để xác định bà D. có phải người già yếu hay người quá già yếu hay không thì có 2 vấn đề cần đặc biệt quan tâm. Thứ nhất, đó là độ tuổi của người phụ nữ và thứ hai là tình trạng sức khỏe của người này, đặc biệt sau khi bị di chứng của tai nạn giao thông dẫn tới ảnh hưởng sức khỏe.
Vấn đề thứ nhất đã khá rõ ràng, còn với vấn đề thứ hai, cơ quan chức năng cần giám định tình trạng sức khỏe của bà D. để đánh giá người phụ nữ có thuộc trường hợp thường xuyên đau ốm, cần được điều trị liên tục sau tai nạn hay không. Kết hợp những yếu tố trên với hướng dẫn của TAND Tối cao, cơ quan điều tra sẽ có căn cứ xem xét áp dụng tình tiết định khung đối với nghi phạm", ông Thắng phân tích dưới góc độ của người đã tham gia nhiều vụ án hình sự với vai trò kiểm sát viên.
Theo công an, sáng 6/9, Thảo điều khiển xe máy, vờ hỏi mua vé số của bà D. đang chống gậy đi bán vé. Thảo nhanh chóng giật tập vé số (430 tờ) trên tay cụ bà rồi tăng ga bỏ trốn, khiến cụ bà ngã lăn xuống đường. Chiều tối cùng ngày, Thảo đến nhà một người quen và chờ khi có kết quả xổ số đã mang số vé số cướp được ra dò. Thảo ngồi dò cả 430 tờ vé số nhưng không trúng một tờ nào nên mang vé số đi vứt ở một con suối gần nhà người thân để phi tang.
Sáng 7/9, Thảo bị công an bắt giữ. Tại cơ quan công an, nghi phạm khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội.