Không thể đi làm do hậu quả siêu bão Yagi, tôi có bị giảm lương hay không?

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Theo luật sư, trường hợp người lao động tạm nghỉ làm do bão được tính là ngừng việc do thiên thai. Việc chi trả lương do các bên thỏa thuận, song không được thấp hơn lương tối thiểu vùng.

Hậu siêu bão Yagi, nhiều địa phương tại miền Bắc gánh chịu hậu quả nặng nề khi cơ sở vật chất bị hư hỏng nặng, cây cối, cột điện gãy đổ khiến giao thông một số nơi tê liệt. Hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp vì thế cũng chịu ảnh hưởng, bị gián đoạn, đứt gãy do mất điện sản xuất, mất sóng điện thoại. 

Do tính chất công việc, nhiều người lao động không thể làm việc tại nhà mà buộc phải ngừng việc tới khi hậu quả của siêu bão được khắc phục. Vậy trong những ngày tạm nghỉ tại nhà, người lao động có được hưởng lương hay không? 

Độc giả Tiến Việt (Móng Cái, Quảng Ninh) đặt câu hỏi. 

Không thể đi làm do hậu quả siêu bão Yagi, tôi có bị giảm lương hay không? - 1

Cột điện, cây cối gãy đổ khiến giao thông trên Quốc lộ 18, đoạn qua TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh, gặp nhiều khó khăn (Ảnh: Mạnh Quân).

Trả lời

Luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) việc người lao động tạm nghỉ làm để tránh bão được xác định là trường hợp người lao động phải ngừng việc. Khi đó, việc thanh toán tiền lương trong thời gian ngừng việc sẽ được xem xét dựa trên quy định tại Điều 99 Bộ luật Lao động 2019 như sau:

Thứ nhất, nếu ngừng việc do lỗi của người sử dụng lao động, người lao động được trả đủ tiền lương theo hợp đồng.

Thứ hai, nếu ngừng việc do lỗi của người lao động, người đó không được trả lương. Trường hợp người lao động có lỗi khiến công ty phải ngừng việc, những người lao động khác sẽ được trả lương theo mức thỏa thuận với công ty nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

Thứ ba, nếu ngừng việc vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, hoặc vì lý do kinh tế thì người lao động và công ty sẽ thỏa thuận về tiền lương ngừng việc. Mức thỏa thuận được tính cụ thể như sau:

Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày trở xuống, tiền lương ngừng việc trong những ngày này không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

Theo quy định cũ, mức lương tối thiểu các vùng từ I tới IV lần lượt là 3,25 triệu; 3,64 triệu; 4,16 triệu và 4,68 triệu đồng mỗi tháng. Tuy nhiên, theo quy định mới tại Nghị định số 74/2024/NĐ-CP của Chính phủ, lương tối thiểu vùng hiện được nâng lên ở các mức là 3,45 triệu; 3,86 triệu; 4,41 triệu và 4,96 triệu đồng mỗi tháng, tương đương mức lương theo giờ dao động từ 16.600 tới 23.800 đồng/giờ. 

Trường hợp ngừng việc trên 14 ngày, tiền lương ngừng việc trong những ngày này phải bảo đảm không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng trong 14 ngày đầu tiên.

"Đối với tình huống phải nghỉ việc do bão Yagi, đây là trường hợp do yếu tố thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm... Do thời gian ngừng việc dự kiến dưới 14 ngày, mức lương người lao động được hưởng trong những ngày này sẽ do người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận, không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại nơi người lao động sinh sống", ông Giáp bình luận.