Cây bật gốc đè bẹp ô tô, chủ phương tiện có được yêu cầu bảo hiểm hỗ trợ?

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Theo luật sư, nếu đã đáp ứng các nguyên tắc bảo vệ tài sản theo Luật Kinh doanh bảo hiểm mà thiệt hại vẫn xảy ra, chủ xe có quyền yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm hỗ trợ khắc phục thiệt hại.

Sau 2 ngày càn quét miền Bắc, siêu bão Yagi để lại thiệt hại vô cùng nghiêm trọng về tài sản với vô số ngôi nhà bị tốc mái, thổi bung cửa, thậm chí bị đánh sập, cùng với đó là hàng loạt cột điện, cây xanh bị gãy đổ, đè bẹp và gây hư hại đối với ô tô, xe máy cùng nhiều tài sản khác của người dân ở bên đường. 

Trong tình huống này, chủ phương tiện bị thiệt hại có quyền yêu cầu các công ty bảo hiểm hỗ trợ khắc phục hậu quả không?.

Cây bật gốc đè bẹp ô tô, chủ phương tiện có được yêu cầu bảo hiểm hỗ trợ? - 1

Một ô tô bị cây đổ đè bẹp tại Hà Nội (Ảnh: B.M).

Luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết đối với tình huống trên, trước tiên cần xác định những cây đổ có phải tài sản thuộc sở hữu, quản lý của cá nhân, tổ chức nào hay không. Trong trường hợp cây xanh được giao quản lý hoặc thuộc sở hữu của một chủ thể nhất định, căn cứ quy định tại Điều 604 Bộ luật Dân sự 2015, chủ sở hữu, người chiếm hữu hoặc người được giao quản lý cây xanh phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra. 

Trách nhiệm bồi thường sẽ được miễn trừ nếu thiệt hại xảy ra thuộc trường hợp sự kiện bất khả kháng hoặc thiệt hại hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại, căn cứ khoản 2, Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại. 

Như vậy, để xác định trách nhiệm bồi thường, trước tiên có 2 vấn đề cần làm rõ, đó là cây xanh thuộc sở hữu, quản lý của đơn vị nào và thiệt hại xảy ra có thuộc trường hợp sự kiện bất khả kháng hay không. 

Tiếp đó, nếu thiệt hại do bão, cây đổ gây ra được xác định là thiệt hại do sự kiện bất khả kháng, chủ xe cần thông báo với công ty bảo hiểm nhằm thực hiện nghĩa vụ bảo hiểm (nếu có Hợp đồng bảo hiểm và Hợp đồng còn hiệu lực). Tuy nhiên, để được công ty bảo hiểm xem xét hỗ trợ khắc phục thiệt hại, chủ phương tiện cần chứng minh mình đã tuân thủ các quy định sau theo Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022: 

Thứ nhất, chủ xe phải đảm bảo đã đáp ứng các quy định về an toàn nhằm đảm bảo an toàn cho phương tiện như dừng đỗ đúng nơi quy định, tránh các khu vực tiềm ẩn nguy hiểm như dưới gốc cây hay có các biện pháp che chắn nhằm hạn chế thiệt hại xảy ra. 

Trường hợp người được bảo hiểm không thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho đối tượng bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền ấn định một thời hạn để người được bảo hiểm thực hiện các biện pháp đó. Nếu hết thời hạn này mà các biện pháp bảo đảm an toàn vẫn không được thực hiện thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền tăng phí bảo hiểm hoặc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm, đồng nghĩa với việc không thực hiện hỗ trợ khắc phục thiệt hại. 

Thứ hai, chủ xe phải đảm bảo nguyên tắc không được từ bỏ tài sản được bảo hiểm. Cụ thể, trường hợp xảy ra tổn thất, người được bảo hiểm không được từ bỏ tài sản được bảo hiểm và phải áp dụng các biện pháp cần thiết mà khả năng cho phép để ngăn chặn hoặc giảm thiểu tổn thất, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác hoặc các bên có thỏa thuận khác.

Nếu đã đáp ứng đầy đủ các quy tắc như trên mà thiệt hại vẫn xảy ra, chủ xe có quyền yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm hỗ trợ giải quyết tổn thất. Các khoản bảo hiểm chi trả theo thiệt hại thực tế xảy ra và theo thỏa thuận giữa hai bên trong hợp đồng bảo hiểm đã ký kết, còn hiệu lực.

Dòng sự kiện: Cơn bão Yagi